Phát triển kết cấu hạ tầng và tư duy mới

06/01/2015 08:42

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Ngành GTVT cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, một lĩnh vực quan trọng trong đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, để vừa tăng năng lực vận tải vừa tạo thuận lợi phát triển sản xuất, tạo việc làm, bảo đảm an ninh, quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy nhân đến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành GTVT.

(Vietnam Logistics Review) Ngành GTVT cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, một lĩnh vực quan trọng trong đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, để vừa tăng năng lực vận tải vừa tạo thuận lợi phát triển sản xuất, tạo việc làm, bảo đảm an ninh, quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy nhân đến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành GTVT.

CẢ NƯỚC LÀ MỘT “CÔNG TRƯỜNG” LỚN

Nhận xét này hoàn toàn không ngoa ngôn. Chỉ cần đi dọc tuyến Quốc lộ 1A đã thấy điều này. Trong 9 tháng đầu năm 2014, ngành GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 50 công trình, dự án; riêng trong quý III/2014, hoàn thành đưa vào khai thác 20 công trình. Nhiều dự án lớn đã hoàn thành như thông xe toàn tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu vượt Nút giao QL46 với đường sắt Bắc Nam, tỉnh Nghệ An; Cảng Cửa Việt... Chỉ 3 tháng cuối năm 2014 nhưng khối lượng dự án khởi công là khổng lồ “Bộ GTVT đã tập trung, khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công, triển khai thi công mới 54 công trình, dự án; trong đó, có 24 công trình, dự án được khởi công trong quý III/2014 như các dự án: cao tốc Bến Lức - Long Thành (gói thầu J2), quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ; dự án kéo dài, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đậu máy bay Cảng hàng không Pleiku...”, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Bên cạnh khởi công, ngành GTVT cũng thực hiện rốt ráo nhiều giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB tất cả các dự án, bảo đảm tiến độ hoàn thành đoạn tuyến từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh trong năm 2014.

Có câu chuyện là trong điều kiện nợ công đã đến mức báo động, trở thành đề tài “nóng” tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIII vừa kết thúc, tiền đâu ra lắm thế để đầu tư hạ tầng GTVT? Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách để huy động được các nguồn lực xã hội, DN, tư nhân cũng như nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Kết quả khả quan. Gần 3 năm qua việc huy động vốn ở ngoài xã hội cho kết cấu hạ tầng giao thông đạt 160.000 tỷ đồng, bằng 60% tổng vốn đầu tư của các nguồn như ODA, ngân sách, trái phiếu Chính phủ…

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP Bộ GTVT cho biết hiện nay, Bộ GTVT đang quản lý 65 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư khoảng 155.739 tỷ đồng, trong đó có 18 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác với tổng mức đầu tư 18.086 tỷ đồng; 47 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư với tổng mức đầu tư 137.655 tỷ đồng (Dự án BOT 43 dự án, tổng mức đầu tư 121.350 tỷ đồng, dự án BT 4 dự án, tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng). Từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ GTVT đã huy động được 34.297 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức BOT, đạt 107,1% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, “lĩnh vực đầu tư chủ yếu là đường bộ. Bên cạnh đó, việc huy động từ các tổ chức tín dụng chủ yếu là trong nước, mới chỉ có 3 dự án do nhà đầu tư trong nước vay được từ các tổ chức tín dụng nước ngoài”, ông Huy nói.

TƯ DUY MỚI VỀ HẠ TẦNG

"Chuyển giao quyền khai thác được coi là khâu đột phá để có tiền đầu tư cho hạ tầng. Hiện nay đã đầu tư được 524 km đường cao tốc; nếu chuyển nhượng hết thì sẽ lấy tiền này làm thêm 524 km nữa, cứ thế cuốn chiếu thì đến năm 2020 sẽ có 2.000 km đường cao tốc”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định điều này trước Quốc hội, chiều 18.11. Bộ trưởng từng cho rằng, đó là cách làm mới để có vốn quay vòng đầu tư làm đường khác. Nếu không thay đổi tư duy, chỉ trông vào ngân sách nhà nước hay trái phiếu Chính phủ, thì sẽ thất bại.

Hiện nay Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), chủ đầu tư dự án BOT đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang xây dựng, đã ký hợp đồng nguyên tắc với nhóm đối tác do doanh nghiệp Ấn Độ đứng đầu về việc bán 70% cổ phần tại dự án này cho đối tác nước ngoài. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đánh giá: "Nếu không bán lại, thì các chủ đầu tư phải tiến hành thu phí, mà như vậy để hoàn được vốn cho dự án là rất lâu, tiền quay vòng đầu tư dự án khác không có”. “Trong khi, hiện tại, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước, họ tính toán được hiệu quả của dự án, thì có thể bán cho họ. Trên cơ sở đó chủ đầu tư có thể lấy tiền khác để đầu tư cho các dự án án khác trước",
ông nói.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, VEC sẽ chào bán cả 5 dự án cao tốc (Nội Bài - Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Bến Lức - Long Thành; TP.HCM - Long Thành; Đà Nẵng - Quảng Ngãi). Trong đó, hai dự án có thể thu hút đầu tư nhất là Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP.HCM - Long Thành vì có lưu lượng phương tiện khá lớn. Ông Tuấn Anh khẳng định là bán dự án chứ không phải bán đường (Tất nhiên bán đường thì không nói VEC, Bộ GTVT đều chưa có thẩm quyền). “Sẽ có 3 lĩnh vực, thứ nhất là đầu tư hạ tầng; thứ hai là khai thác vận hành thu phí; thứ 3 dịch vụ trên đường cao tốc. Tất cả những khâu này đều bán được. Còn bán với giá nào thì mỗi phương thức sẽ có mức tính khác nhau”, quan chức VEC này hy vọng.

Đây thực sự là tư duy mới về đầu tư, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng GTVT hiện nay

* Tổng cộng các nguồn vốn dự kiến giải ngân trong năm 2014 là 83.862 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Bộ GTVT đã thực hiện 77.011,5 tỷ đồng, đạt 91,8%; giải ngân 75.140 tỷ đồng, đạt 89,6% kế hoạch năm 2014. Trong đó:

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và trái phiếu chính phủ (TPCP) được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm 2014 (35.509,146 tỷ đồng): thực hiện 45.884,6 tỷ đồng, đạt 129,2%; giải ngân 45.082,9 tỷ đồng, đạt 127% kế hoạch.

- Nguồn vốn NSNN và TPCP ứng trước từ năm 2013 chuyển sang giải ngân trong năm 2014 (2.355 tỷ đồng): đã thực hiện và giải ngân 2.355 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

- Nguồn vốn NSNN và TPCP ứng trước kế hoạch năm 2015 (4.698 tỷ đồng): thực hiện 1.386,9 tỷ đồng, đạt 29,5%; giải ngân 1.318,1 tỷ đồng, đạt 28,1% kế hoạch.

- Nguồn vốn ngoài ngân sách (41.300 tỷ đồng): thực hiện 27.385 tỷ đồng, đạt 66,3%; giải ngân 26.384 tỷ đồng, đạt 63,9% kế hoạch.

* Đối với các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Kế hoạch giải ngân năm 2014 là 28.354 tỷ đồng): thực hiện 21.850 tỷ đồng, đạt 77,1%; giải ngân 22.110 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kết cấu hạ tầng và tư duy mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO