Phát triển logistics xanh như thế nào? (Kỳ 1)

Nguyễn Tương|18/04/2023 16:12

Xu hướng logistics xanh, logistics thông minh đang phát triển mạnh mẽ trong ngành dịch vụ logistics thế giới. Ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng đang tiếp cận và phát triển theo hướng hiện đại đó - Logistics xanh gắn với chuyển đổi số.

Thuật ngữ “logistics xanh” lần đầu tiên được đề cập vào những năm 1980. Kể từ đó, rất nhiều tổ chức và nhà nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm khác nhau về logistics xanh từ nhiều cách tiếp cận khác nhau. Có thể hiểu Logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.

concept-technology-renewable-resources-reduce-pollution-carbon-emission-compressed.jpeg

Phát triển logistics xanh nhấn mạnh vào những nỗ lực và biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động logistics, từ đó đạt tới sự cân bằng bền vững giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

Các nội dung phát triển logistics xanh cần làm:

Xanh hóa hoạt động vận tải: Có hai yếu tố chính của vận tải ảnh hưởng đến môi trường, bao gồm hệ thống mạng lưới giao thông và hoạt động của các phương tiện vận tải. Các phương tiện vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu và thải ra môi trường khí thải độc hại, đặc biệt, phương tiện giao thông đường bộ. Hơn nữa, đường bộ, sân bay, bến cảng được xây dựng ngày càng nhiều là nguồn gây ô nhiễm lớn. Tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa hai chiều của phương tiện, nhất là ô tô nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả vận tải. Việc chon phương thức vận tải phù hợp trong hoạt động logistics cũng đóng góp vào việc tác động đến môi trường.

Xanh hóa hoạt động kho bãi: Thiết kế và xây dựng kho không chỉ yêu cầu đảm bảo lưu trữ an toàn cho hàng hóa mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Kho bãi với các tính năng thân thiện môi trường như sử dụng năng lượng mặt trời, ánh sáng tự nhiên, diện tích phù hợp, tường và sàn dày hoặc cho phép tái chế tại chỗ sẽ tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tiếng ồn và khí thải. Ngoài ra, lựa chọn sử dụng các trang thiết bị tại kho thân thiện với môi trường và tổ chức vận hành hoạt động kho một cách tối ưu cũng giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Quy hoạch mặt bằng kho tốt không chỉ giúp tận dụng tối ưu không gian kho mà còn cắt giảm được chuyển động trong kho. Điều này buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn thiết kế xanh hóa kho bãi để không chỉ đạt được hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tăng thêm tính xanh trong hoạt động logistics của mình. Ngoài ra, môi trường làm việc và cây xanh quanh khu vực kho bãi cũng góp phần vào logistics xanh. Vệ sinh thiết bị containers cần được chú ý để giảm chất thải và làm ô nhiễm môi trường.

green-transport-truck-driving-through-blurred-green-meadow-sunrise-generative-ai-compressed.jpeg

Xanh hóa hoạt động đóng gói: Đóng gói là một quy trình quan trọng đối với tất cả các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Thường có ba loại bao bì là bao bì chính, bao bì thứ cấp và bao bì vận chuyển. Bao bì chính chứa đựng sản phẩm. Kích thước, hình dạng và vật liệu cấu tạo bao bì có ảnh hưởng đến chi phí kho hàng và chi phí vận chuyển. Việc đóng gói sản phẩm tốt hơn cùng với các vật liệu tái sử dụng và pallet được sắp xếp theo mô hình tối ưu sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí nhờ việc giảm sử dụng vật liệu, tăng sử dụng không gian nhà kho và dung tích phương tiện vận tải, giảm số lượng bao bì cần xử lý. Bao bì không phù hợp có thể dẫn đến hư hỏng sản phẩm trong quá trình vận chuyển và gây lãng phí bao bì, tăng lượng rác thải. Do đó, công nghệ đóng gói sáng tạo sẽ giúp giảm thiểu tổn thất của sản phẩm trong quá trình vận chuyển, đồng thời giảm tác động đến môi trường. Việc thu hồi vật liệu dư thừa sau khi hoàn thành đóng gói cũng rất quan trọng.

Xanh hoá hệ thống thông tin: Một hệ thống thông tin hoàn hảo có thể tăng mức độ xanh hóa hoạt động logistics bằng việc cung cấp những thông tin thực tế về mặt thời gian và điều khiển một cách chính xác, tối ưu các hoạt động trong logistics như đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối, xếp dỡ, xử lý hàng tồn kho... nhằm tuân thủ các yêu cầu về kinh tế cũng như môi trường, tạo điều kiện cho việc thực hiện dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm môi trường. Bên cạnh đó, việc số hóa dữ liệu không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động, thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, quản lý dữ liệu mà còn giảm thiểu in ấn, giấy tờ đồng nghĩa với giảm tác hại đến môi trường. Đặc biệt, mạng lưới liên kết thông tin giữa các doanh nghiệp với cơ quan chuyên ngành sẽ giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cũng như hạn chế việc di chuyển, góp phần giảm thiểu tác động xấu tới môi trường.

engineer-green-transport-flat-illustration-compressed.jpeg

Phát triển logistics xanh không thể thiếu phát triển logistics ngược: Bao gồm hai hoạt động chính là thu hồi, tái sử dụng sản phẩm và xử lý chất thải. Logistics ngược là quá trình các doanh nghiệp thu hồi sản phẩm khách hàng trả lại, sản phẩm cần bảo hành, bảo dưỡng hoặc sản phẩm, bao bì kết thúc sử dụng từ người tiêu dùng cuối cùng; tận dụng nguyên liệu tái chế, phế phẩm, phụ phẩm trong quá trình sản xuất, tận thu phế liệu từ vật liệu đóng gói, vận chuyển.

Do đó, hoạt động logistics ngược sẽ góp phần bảo vệ môi trường và mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Quản lý chất thải là một nội dung quan trọng để bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên. Chẳng hạn như, khi nhà kho phát sinh số lượng lớn chất thải bao bì hay khi sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng thì chúng trở thành phế thải. Khi đó, việc xử lý chất thải thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường là vô cùng quan trọng.

Bài liên quan
  • Logistics xanh trong sản xuất công nghiệp
    Logistics xanh có một vai trò quan trọng trong quá trình thương mại, vận chuyển và giao hàng. Tuy nhiên, cả thế giới đang đứng trước lo ngại về khí thải carbon dioxide cả trong sản xuất công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển logistics xanh như thế nào? (Kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO