Từ câu chuyện ô tô điện Việt "xuất ngoại"
Một ngày trước khi VinFast chính thức xuất khẩu (ngày 25/11) những chiếc ô tô điện đầu tiên sang Mỹ, hình ảnh hàng dài những chiếc VF8 nối đuôi nhau chờ “lên tàu” đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.
Trước đó, hình ảnh con tàu khổng lồ mang logo “VinFast” neo ở bờ biển khu vực cảng Đình Vũ cũng thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Theo kế hoạch trước đó từ nhà sản xuất ô tô Việt, những chiếc xe này sẽ được bàn giao đến tay người dùng Mỹ, Canada trước khi năm 2022 kết thúc.
“Câu chuyện” không chỉ mang lại lòng tự hào cho người Việt về một thương hiệu ô tô Việt Nam; mà còn là sự “kiêu hãnh” Việt trước một vấn đề lớn của thời đại.
Khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng “tấn công” vào sản xuất ô tô; đã không ít hoài nghi. Sự hoài nghi rất “căn tính” người Việt. Rằng, các thương hiệu ô tô nổi tiếng thế giới đã có cả trăm năm; rằng, tâm lý người Việt vốn sính ngoại nên rất khó thành công. Tuy nhiên, VinFast từng bước chinh phục thị trường, trong nước và cả quốc tế.
Nhớ lại, cách đây 20 năm, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020 (sau đó, năm 2014 sửa đổi bằng Quyết định 1168/QĐ-TTg). Tuy nhiên, chỉ đến khi xuất hiện Trường Hải của tỷ phú Trần Bá Dương và VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thì công nghiệp ô tô Việt Nam mới thành công.
Mục tiêu (mục C) tại Quyết định 1168/QĐ-TTg là, “Đến năm 2035: Ngành công nghiệp ô tô bảo đảm hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội cũng như các yêu cầu về môi trường và xu hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia vào chuỗi sản xuất, chế tạo ô tô thế giới, có giá trị xuất khẩu lớn”, (Nguồn: Thư viện Pháp luật).
Tại hội nghị quốc tế về các giải pháp chống biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP-26) diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh (đầu tháng 11/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh ba thông điệp quan trọng. Thứ nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.
Theo tính toán của Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, khi không kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy, lượng phát thải là 469.963 tấn CO, 37.956 tấn HC mỗi năm. Trong khi đó, ước tính theo lượng xe mới, hàng năm các loại khí này tăng từ 24,8 – 43,3%. Do đó, việc kiểm soát khí thải phát sinh do mô tô, xe gắn máy đóng góp rất lớn trong bảo vệ môi trường không khí của đô thị Việt Nam.
Việc đi đầu trong sản xuất xe điện (xe bus đô thị, xe máy điện, ô tô điện....) của VinFast nhằm bảo vệ môi trường, chính là “Xu hướng xanh” của tương lai.
... Đến "Logistics xanh"
Logistics là một ngành dịch vụ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn. Tại Hội nghị COP-26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một mục tiêu khó khăn, đòi hỏi tính trách nhiệm và sự tham gia mạnh mẽ của các ngành, trong đó có logistics.
Năm 2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BCT, quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Đây là sự cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014) và Nghị định của Chính phủ. Theo đó, việc lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án; trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có những yêu cầu và được thanh kiểm tra nghiêm ngặt.
“Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng được tổ chức từ 25/11/2022 và diễn ra trong 2 ngày tại thành phố Hải Phòng có chủ đề là “Logistics Xanh”. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự và chỉ đạo đã cho thấy tính “thời sự” vừa vi mô, vừa vĩ mô của “Logistics xanh”.
Ô nhiễm bụi, khói (khí thải), ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn... ở Việt Nam đã và đang trong tình trạng báo động. Theo đánh giá của WHO, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất.
Trong đó, Hà Nội ở vị trí 214 và TP Hồ Chí Minh là 279... Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí chính là giao thông vận tải.
Các chuyên gia môi trường cho biết, khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu để vận hành, động cơ sẽ phát thải một lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tham gia giao thông và sinh sống dọc các tuyến đường giao thông.
Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) đã quy định về vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải. Thực hiện Luật này và các cam kết quốc tế, Chính phủ đã vàn đang ban hành các chính sách, lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
Điều này cho thấy, để có “Logistics Xanh”, không chỉ mình Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng... các tổ chức, đơn vị kinh doanh, tham gia trong chuỗi giá trị Logistics phải cùng phối hợp hành động, mà đó là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và người dân. Đã đến lúc phải khởi động, xây dựng “Văn hóa logistics xanh”, dù khó khăn, lâu dài nhưng phải hành động bền bỉ.