Quy định mới về quản lý xuất nhập khẩu của Trung Quốc: Hiểu rõ để tránh gián đoạn xuất khẩu

Báo Hải quan|09/11/2021 09:39

(VLR) Lệnh 248 về "Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu (NK)" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (XNK)" của Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Để tránh gián đoạn xuất khẩu (XK) sang thị trường này, DN chế biến, XK thực phẩm cũng như các DN sản xuất, XK nông, thuỷ sản Việt Nam cần lưu ý tuân thủ đầy đủ quy định mới.

DN nông, thuỷ sản cần có điều chỉnh kịp thời để đáp ứng các quy định thay đổi trong Lệnh 248, 249

DN nông, thuỷ sản cần có điều chỉnh kịp thời để đáp ứng các quy định thay đổi trong Lệnh 248, 249

Địa phương, doanh nghiệp còn lúng túng

Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo Lệnh 248 và 249, đối với hệ thống quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, Trung Quốc sẽ thiết lập chế độ kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý an toàn thực phẩm ở nước ngoài (gồm hệ thống của quốc gia và DN); bổ sung phương thức kiểm tra đánh giá, quản lý đăng ký DN nước ngoài, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và truy hồi sản phẩm theo yêu cầu giám sát; yêu cầu trách nhiệm đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền quản lý của quốc gia XK.

Ngoài ra, Lệnh 248, 249 cũng nhấn mạnh việc gia tăng các quy định kiểm soát gồm nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm NK tương ứng. DN phải đăng ký khi sản xuất và XK 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại này, DN sẽ tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện.

Từ góc độ địa phương, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận chia sẻ: Sản lượng thanh long của Bình Thuận khoảng 600 – 700 nghìn tấn/năm. Trong đó, khoảng 70 – 80% sản lượng được XK sang thị trường Trung Quốc. Từ năm 2018 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã cấp 68 mã số vùng trồng và 268 cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm thanh long XK sang thị trường Trung Quốc. Đây là điều thuận lợi.

Tuy nhiên, hiện nay các DN mới XK sản phẩm vào thị trường Trung Quốc vẫn còn lúng túng với các quy định mới của Lệnh 248, 249. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn các thủ tục theo quy định của 2 Lệnh này cũng còn lúng túng. “Do đó, chúng tôi đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam, các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT ra văn bản hoặc hướng dẫn kỹ hơn để các địa phương, DN, hợp tác xã… triển khai thuận lợi", ông Tấn nói.

Với tỉnh Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, từ năm 2015, tỉnh đã nhận thức phải chuẩn hóa vùng nguyên liệu. Hiện, tỉnh đã cấp nhiều mã số vùng trồng (217 mã số) và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu. Riêng với thị trường Trung Quốc, Long An cấp được 69 mã số. Long An chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu có thể truy xuất được nguồn gốc, gắn với trách nhiệm của người dân, DN.

Riêng với Lệnh 248, 249, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Long An về việc xây dựng bộ quy chế thích ứng. “Long An sẽ thay đổi triệt để nhận thức của người dân về thị trường Trung Quốc. Tỉnh đã tập hợp 26 DN trên địa bàn để đăng ký. Ngoài ra, tỉnh cũng rà soát các mặt hàng XK, tổ chức nhiều hội nghị phổ biến cho DN XK thanh long”, bà Khanh nhấn mạnh.

Chia sẻ khó khăn hiện nay của tỉnh Long An là việc cập nhật khi cơ sở thay đổi mã số vùng trồng, lãnh đạo Sở NN&PTNT Long An kiến nghị Bộ NN&PTNT có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về thủ tục, quy cách kiểm tra trực tuyến. “Mặt hàng thanh long của Long An chủ yếu hướng đến XK. Vì vậy, tỉnh rất mong muốn có tài liệu, hình ảnh minh họa để phổ biến chi tiết đến DN. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, Sở NN&PTNT Long An đề nghị Cục Bảo vệ thực vật có thêm nhiều buổi hướng dẫn trực tiếp để chuẩn hóa quy trình. Cùng với đó, địa phương cũng mong muốn thông tin thông suốt từ các bên như cửa khẩu, DN đối tác cũng như cơ quan quản lý phía Trung Quốc”, bà Đinh Thị Phương Khanh nói.

Lập Tổ công tác hướng dẫn doanh nghiệp

Về phía DN, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu nhìn nhận, những quy định mới của thị trường Trung Quốc là tín hiệu khiến tư duy sản xuất nông sản của Việt Nam thay đổi. Tuy nhiên, điều bà Vy lo lắng hiện tại là thực trạng của các DN XK sang Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. “Đề xuất các cơ quan quản lý điều phối, thông báo cho Sở NN&PTNT các tỉnh để khảo sát các DN, các cơ sở đã có mã số trước khi phía Trung Quốc thực hiện kiểm tra trực tuyến. Điều này sẽ giúp cho các DN, cơ sở thực sự đảm bảo được các tiêu chuẩn phía đối tác đưa ra”, bà Ngô Tường Vy nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoa Việt chia sẻ, hiện nay, Công ty Hoa Việt đang đặt mục tiêu XK sầu riêng, khoai lang, ớt theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường cả thế giới “thèm muốn” chứ không chỉ riêng Việt Nam. “Công ty chúng tôi XK chuối sang thị trường Trung Quốc từ năm 2013 nhưng chắc chắn không ai biết chúng tôi kinh doanh chuối. Bởi, chúng tôi chỉ làm trung gian XK cho các nhà NK Trung Quốc. Lệnh này cũng là việc để các DN Việt Nam được thể hiện mình trên bao bì đóng gói”, bà Nguyễn Lan Hương nói.

Về phát triển trong dài hạn, lãnh đạo Công ty Hoa Việt cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể để làm thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Muốn xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ quản lý chất lượng nông sản, từ quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói và vận chuyển. “Các cơ quan quản lý nhà nước cần thành lập Trung tâm, Tổ công tác để hướng dẫn các DN, hợp tác xã, cơ quan chuyên trách của địa phương thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền để được hướng dẫn cụ thể vấn đề này”, bà Nguyễn Lan Hương khẳng định.

Đại diện một số DN nông, thuỷ sản cho rằng, trước mắt Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan liên quan cần ban hành bộ tài liệu tiêu chuẩn để hướng dẫn thực hiện từng bước các thủ tục theo yêu cầu của các thị trường với từng sản phẩm cụ thể.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Quy định mới về quản lý xuất nhập khẩu của Trung Quốc: Hiểu rõ để tránh gián đoạn xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO