RPA: Công cụ đắc lực cho ngành Tài chính - Ngân Hàng

Quang Anh, Thụy Hậu|15/12/2020 09:24

(VLR) Ngày nay, việc áp dụng RPA đang ngày càng trở nên phổ biến. Riêng đối với ngành tài chính - ngân hàng, RPA được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quá trình tối ưu vận hành và số hóa của doanh nghiệp. Là công cụ đắc lực giúp đẩy mạnh tốc độ xử lý công việc, đảm bảo sự chính xác, mang lại hiệu quả cao trong dịch vụ khách hàng.

RPA - Công cụ đắc lực

RPA là viết tắt của từ Robotic Process Automation (RPA). RPA làm việc với các phần mềm khác như excel, phần mềm kế toán, ngân hàng, và ứng dụng trí thông minh nhân tạo để thực hiện các công việc khối lượng lớn, lặp đi lặp lại theo chu kỳ như: nhập liệu, tạo đơn hàng, cấp quyền truy cập và các công việc đòi hỏi liên tục giao tiếp với nhiều hệ thống khác nhau. Hay hiểu đơn giản RPA là một con robot vận hành liên tục 24/7/365, xử lý công việc tự động trên máy tính, giúp giảm thiểu tối đa các sai sót, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực với chi phí hợp lý nhất.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các doanh nghiệp lớn hiện nay đã bắt kịp xu hướng sử dụng robot phần mềm để nâng cao tính cạnh tranh, năng suất lao động và giảm nhẹ gánh nặng cho nhân viên. Các doanh nghiệp trong ngành y tế, ngân hàng, tài chính,... đã và đang áp dụng công nghệ này trong một số thao tác đặc thù lặp đi lặp lại như các lệnh chuyển tiền, khai báo, nhập và xử lý dữ liệu...

Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Kế toán Quản trị Hoa Kỳ (IMA) về chuyển đổi chức năng tài chính với công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot, RPA là một công nghệ tự động hóa quy trình kinh doanh. RPA sẽ tự động hoàn thành các quy trình kinh doanh không quá phức tạp, làm tăng năng suất vận hành và có thể giúp doanh nghiệp tạo ra hàng triệu USD dưới dạng tiết kiệm tài chính.

Trong một hội thảo về RPA gần đây do IMA tổ chức với gần 1.500 người tham dự trên toàn cầu, 34% người tham dự đánh giá RPA sẽ là công nghệ mới nổi có tác động lớn nhất đến ngành tài chính và kế toán trong ba năm tới. Ngoài ra, hơn 75% người tham dự tin rằng các quy trình tài chính và kế toán của tổ chức họ có thể được hưởng lợi đáng kể đến từ RPA.

Chúng ta có AI, có RPA, nhưng vẫn cần có con người. Người và máy kết hợp sẽ cho ra hiệu suất tốt nhất chứ không chỉ người hay máy. Lịch sử cách mạng công nghiệp cho thấy, khi công nghệ mới ra đời có thể lấy đi công việc của con người nhưng về dài hạn, sẽ tiếp tục tạo ra những công việc mới.

Ông Bùi Đình Giáp, Giám đốc nền tảng RPA akaBot - FPT Software

Ông Loreal Jiles, Giám đốc Nghiên cứu, Công nghệ số và Chuyển đổi tài chính tại IMA cho biết: “Trong môi trường kinh doanh ngày nay, các chuyên gia tài chính và kế toán không còn muốn thực hiện các quy trình thủ công nhàm chán, thay vào đó họ muốn được giảm tải và tập trung vào công việc tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. RPA có rất nhiều tiềm năng và có thể được áp dụng một cách đơn giản cho tất cả các doanh nghiệp. Không giống như các dự án chuyển đổi kỹ thuật số khác, các dự án RPA thí điểm ban đầu có thể được triển khai trong vài ngày đối với các quy trình đã được lập tư liệu bài bản, còn các kỹ năng RPA có thể được phát triển chỉ trong một vài tuần, thay vì vài tháng hoặc vài năm”.

RPA trong ngành Tài chính - Ngân hàng

Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ và toàn cầu hóa, ngân hàng truyền thống đứng trước yêu cầu phải nhanh chóng và linh hoạt hơn bao giờ hết. Nhờ sử dụng RPA tự động hóa quy trình, nhân viên được giải phóng khỏi công việc thủ công lặp đi lặp lại mà thay vào đó là tập trung vào những chiến lược sáng tạo nhằm cải thiện dịch vụ và phát triển kinh doanh.

Đặc trưng của ngành tài chính - ngân hàng là dữ liệu thông tin đầu vào khổng lồ phải tiếp nhận hàng ngày. Việc nhập liệu, xử lý, phân loại thông tin được tự động hóa với RPA sẽ giảm tuyệt đối sai sót trong quá trình làm việc, đồng thời đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc.

Nếu con người thường bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài như sức khỏe, thời gian làm việc kéo dài, mất tập trung,... thì RPA có thể hoạt động liên tục 24/24 với tốc độ cao và ổn định, độ chính xác được đảm bảo tuyệt đối giúp giảm sai sót, đồng thời thực hiện nghiêm túc quy trình làm việc hơn rất nhiều.

Tại chương trình FPT Techday 2020 diễn ra ngày 19/11, ông Bùi Đình Giáp, Giám đốc nền tảng RPA akaBot - FPT Software chia sẻ câu chuyện về một ngân hàng mỗi ngày xử lý 400 khoản vay. Trước đây, các chuyên viên phải xử lý hoàn toàn thủ công. Khi đưa giải pháp tự động hóa thông minh RPA vào ứng dụng, các nhân viên kinh doanh chỉ cần chụp ảnh hồ sơ khách hàng, đưa vào website, akaBot tải về và chuyển đổi thành dữ liệu có cấu trúc. Sau đó, các chuyên viên chỉ cần vào hệ thống để duyệt khoản vay, thay vì nhập liệu thủ công.

Sau khi duyệt, robot có thể truy cập CIC để kiểm tra lịch sử tín dụng, đi vào core banking để kiểm tra dữ liệu khách hàng 100%. Trên quy trình đó, robot cũng có thể gửi email để thông báo cho chuyên viên vào kiểm duyệt nếu có phát sinh. Đây là một trong những điển hình thành công của akaBot. Ngoài ra nền tảng này cũng có thể đọc fax để chuyển đổi sang dữ liệu có cấu trúc, đưa vào core banking.

“Chúng ta có AI, có RPA, nhưng vẫn cần có con người. Theo lời của cựu CIO của IBM, người và máy kết hợp sẽ cho ra hiệu suất tốt nhất chứ không chỉ người hay máy. Lịch sử cách mạng công nghiệp cho thấy, khi công nghệ mới ra đời có thể lấy đi công việc của con người nhưng về dài hạn, sẽ tiếp tục tạo ra những công việc mới”, ông Bùi Đình Giáp khẳng định.

Ngoài ra, RPA còn có chức năng hỗ trợ quản lý tuân thủ quy trình nội bộ và quản lý rủi ro hiệu quả; Tối ưu hoá chi phí; Thúc đẩy mở rộng phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ; Không can thiệp và thay đổi hệ thống có sẵn.

RPA và AI là hai công nghệ lõi ưu việt có tiềm năng biến đổi hoàn toàn lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Chúng giúp tăng tốc quy trình kinh doanh, giảm bớt các tác vụ thủ công, tiết kiệm chi phí và tạo ra trải nghiệm khách hàng độc đáo. Tạo sức mạnh cộng hưởng từ việc ứng dụng các giải pháp AI và RPA sẽ giúp tạo ra tăng trưởng đột phá.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
RPA: Công cụ đắc lực cho ngành Tài chính - Ngân Hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO