Tăng cường kết nối, gia tăng giá trị hàng nông - thủy sản ĐBSCL

Quang Anh|24/04/2019 09:05

(VLR) Ngày 23/4, UBND TP. Cần Thơ phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long”.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Phó Bá Cường)

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Phó Bá Cường)

Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 200 đại diện đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng nông sản và thủy sản, các doanh nghiệp vận tải, logistics,… Đặc biệt trong dịp này các doanh nghiệp trong nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) hàng nông sản và thủy sản, dây chuyền cung ứng hàng lạnh đến từ Hàn Quốc và Cảng Pyeongteak.

Thực trạng và những thách thức trong quản trị chuỗi cung ứng

Việt Nam là nước nhiệt đới, thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có trồng cây ăn quả. Tính riêng 15 loại cây ăn quả có diện tích trên 10 ngàn hecta/loại, hiện chiếm hơn 86% tổng diện tích. Trong đó, ĐBSCL là vùng cây ăn trái chủ lực, chiếm 50% tổng diện tích và 60% sản lượng trái cây của cả nước (theo VINAFRUIT).

Việt Nam hiện đang là 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu (XK) thủy sản hàng đầu thế giới với tỷ lệ XK cao sang các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, EU, Nhật, đứng thứ 3 thế giới về nuôi trồng thủy sản (sau Trung Quốc, Ấn Độ). Tổng sản lượng thủy sản 2018, cả nuôi trồng và đánh bắt, là 7,74 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 8,9 tỷ đô la Mỹ, trong đó chủ yếu là khu vực ĐBSCL chiếm 4% - 5% GDP (theo VASEP).

Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc tại Hội nghị (Ảnh: Phó Bá Cường)

Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc tại Hội nghị (Ảnh: Phó Bá Cường)

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho rằng: “Hệ thống logistics của ĐBSCL đang có nhiều vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ. Cảng Cái Cui dù được kỳ vọng có thể đưa hàng hóa XK cho vùng nhưng trên thực tế tàu tải trọng lớn không vào cảng được do vướng luồng vào. Hiện tại, Cần Thơ đã quy hoạch hơn 242ha tại Cảng Cái Cui để làm trung tâm logistics hạng II, với hy vọng đây sẽ là cơ sở tác động giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp XK hàng nông thủy sản”.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA cho rằng chi phí logistics cho hàng nông thủy sản xuất khẩu tại ĐBSCL hiện nay là khá cao (Ảnh: Phó Bá Cường)

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA cho rằng chi phí logistics cho hàng nông thủy sản xuất khẩu tại ĐBSCL hiện nay là khá cao (Ảnh: Phó Bá Cường)

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phát biểu tại hội thảo: “Xuất khẩu nông thủy hải sản đã và đang là thế mạnh của của Việt Nam nói chung cũng như của đồng bằng sông Cửu Long và TP. Cần Thơ nói riêng, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch XNK của nước ta cũng như sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Tuy nhiên qua các số liệu thống kê trong ít nhất 5 năm trở lại đây, chi phí logistics cho XK thủy sản và trái cây chiếm tỷ lệ vào khoảng 20% - 25% , như vậy là khá cao so với các nước trong khu vực (vào khoảng 10% - 15%), kết nối hạ tầng logistics tại khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập, ngay cả các cơ quan chức năng TW và địa phương còn chưa rõ nên đẩy mạnh theo hướng nào”.

Tại hội thảo, PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) chia sẻ về những thách thức mà ngành logistics ĐBSCL đặc biệt là logistics nông sản. đang gặp phải. “Tính kết nối giữa ĐBSCL và thị trường XNK còn kém, khả năng kết nối giao thông nội vùng bị hạn chế; thiếu các trung tâm logistics trọng điểm, bãi container rỗng, hệ thống kho lạnh cho sản phẩm nông nghiệp và thủy sản ở các cảng, nguồn nhân lực còn hạn chế về cả số lượng lẫn chất lượng” - PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa chia sẻ.

Giải pháp tăng hiệu quả vận tải và giảm chi phí logistics

Việc phát triển ngành dịch vụ logistics ở Cần Thơ nói chung và xây dựng phát triển một trung tâm logistics hạng II cấp vùng ở Cần Thơ là nhu cầu cách bách và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, cũng như chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước ta.

Phiên thảo luận về các giải pháp tăng hiệu quả vận tải và logistics (Ảnh: Phó Bá Cường)

Phiên thảo luận về các giải pháp tăng hiệu quả vận tải và logistics (Ảnh: Phó Bá Cường)

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ, để xây dựng phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm logistics vùng ĐBSCL, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau: Một là, nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển logistics; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, đào tạo chuỗi cung ứng logistics; dịch vụ logistics với các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước; Hai là, tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển thêm hệ thống các kho ngoại quan tại các cảng đầu mối theo hướng hiện đại hóa, tăng lưu lượng hàng hóa qua các cảng, giúp hàng hóa được thông quan thuận tiện, giảm chi phí xuất nhập khẩu; Ba là, cần quan tâm đào tạo phát triển và thu hút nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics, cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố”.

Hội thảo tạo ra diễn đàn trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề tồn tại và đưa ra các giải pháp, các mô hình vận tải và logistics hiệu quả để cắt giảm chi phí logistics hướng đến thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu hàng nông sản và thủy sản tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Logistics Hiệp hội VLA, đánh giá: “ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa cất cánh. Muốn có nguồn hàng, có ngành dịch vụ logistics chuẩn và đủ lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển thì cần những người tiên phong trong lĩnh vực này, nhất là các nhà quản lý địa phương. ĐBSCL nếu có trung tâm logistics đủ lớn sẽ giảm chi phí một cách bài bản cho vùng. Đồng thời phải tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL. Các công ty logistics cũng cần có nguồn hàng ổn định để thiết kế bài toán phát triển”.

Cũng theo PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, các đơn vị XK nông sản cần quan tâm các phương án dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất; Tăng tỷ lệ thuê ngoài logistics để tăng tính chuyên môn hóa, giảm tỷ lệ hao hụt, tổn thất; Kết hợp với các doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ logistics để tận dụng lợi thế nhờ quy mô; tạo sức mạnh của mạng lưới chủ hàng.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Tổng công ty Cảng biển Pyeongtaek - Hàn Quốc và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao thương và phát triển ngành logistics (Ảnh: Phó Bá Cường)

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Tổng công ty Cảng biển Pyeongtaek - Hàn Quốc và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao thương và phát triển ngành logistics (Ảnh: Phó Bá Cường)

Còn đối với đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, liên kết các đơn vị để tạo chuỗi dịch vụ tại ĐBSCL giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian; Thiết lập địa điểm tập kết container chuẩn trong hệ thống khai thác của hãng tàu cho khu vực ĐBSCL ở Cần Thơ hoặc lân cận để có địa điểm tập kết container rỗng, qua đó khuyến khích phát triển vận tải thủy.

Đối với các cơ quan quản lý, cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics (hạ tầng cứng bao gồm hạ tầng giao thông và trung tâm logistics và hạ tầng mềm ICT) và đầu tư hạ tầng cho khu vực, đặc biệt hạ tầng vận tải thủy nội địa; Truyền thông về kết nối hạ tầng logistics cho các tuyến, luồng hàng hóa, định tuyến lại để phục vụ tăng trưởng xuất khẩu nông sản khu vực ĐBSCL; Có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kết nối, gia tăng giá trị hàng nông - thủy sản ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO