Trong tiến trình hội nhập, thông qua hoạt động giao thương giữa các quốc gia, giữa các khu vực kinh tế trên thế giới đã tác động tích cực đến sự phát triển chung của nền thương mại toàn cầu. Đối với bất cứ nền kinh tế nào, việc lưu thông phân phối hàng hóa, trao đổi thương mại giữa các vùng trong nước, giữa các nước luôn là hoạt động thiết yếu.
Thực tế cho thấy, hoạt động logistics không những làm cho quá trình lưu thông, phân phối được thông suốt, chuẩn xác và an toàn, mà còn góp phần làm giảm các chi phí, đặc biệt là chi phí vận tải. Thông qua dịch vụ logistics hàng hóa được đưa đến thị trường một cách nhanh chóng, kịp thời. Người tiêu dùng có thể mua được hàng hóa một cách thuận tiện, linh hoạt, thỏa mãn nhu cầu của mình. Vì thế, vai trò của logistics càng trở nên quan trọng. Có thể nói logistics là công cụ hữu hiệu dùng để liên kết các hoạt động kinh tế, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao và đáp ứng nhu cầu của khách hàng – người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.
Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics.
Tỉ lệ tăng trưởng giai đoạn 2022- 2030 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá là Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều chính sách nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển mạng lưới trung tâm logistics, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu của hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa; khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics; đồng thời, nâng cao trình độ, đạt mức tiên tiến trong khu vực và thế giới, đưa ngành logistics Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%- 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%- 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.” (Quyết định số 221/TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi bổ sung Quyết định số 200/ TTg ngày 14/2/2017).
Dù vậy, nhìn từ thực tiễn khách quan hiện nay, các doanh nghiệp logistics nước ta đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Về nội tại, do phần đông doanh nghiệp dịch vụ logistics nước ta đa số là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao. Vì vậy doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn.
Từ thực tế trên đã và đang đặt ra yêu cầu cho ngành logistics Việt Nam cần phải có giải pháp để duy trì sự bền bỉ trong chống chịu, đảm bảo vai trò của logistics trong duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ, vừa phải có tư duy tầm nhìn và giải pháp phù hợp, định hình hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, tạo bước đột phá cho phục hồi kinh tế - xã hội trong năm 2023 và cho cả giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030.