Nâng cao vai trò của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh mới (Phần 1)

GS.TS Đặng Đình Đào - Ths. Đặng Thế Hùng|17/07/2023 09:49

Logistics cùng với công nghệ thông tin - truyền thông, dịch vụ tài chính - ngân hàng và dịch vụ du lịch được coi là các ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế quốc dân và ngày càng đóng vai trò rất quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và là ngành được Đảng và Nhà nước ta xác định là ngành ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2050.

Vai trò của ngành logistics trong nền kinh tế quốc dân

Đặc biệt, trong Chiến lược tổng thể phát triển Khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 531/ QĐ-TTg ngày 01/04/2021 cũng đã xác định dịch vụ logistics cùng với dịch vụ du lịch, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ tài chính - ngân hàng là 4 ngành dịch vụ hàng đầu được ưu tiên phát triển đến năm 2050.

9b5b2ffd1bca71a0f4e99340d270416e_201841810431-compressed.jpeg

Mặc dù dịch vụ logistics đã và đang trở thành ngành dịch vụ quan trọng, mũi nhọn của nhiều địa phương, thành phố nhưng nhiều vấn đề như cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics và hệ thống kho hàng, bến bãi – bất động sản logistics lại chưa được quan tâm, đầu tư và phát triển tương xứng, chưa được luật hóa, nhiều chính sách pháp luật Việt Nam vẫn rất ít đề cập đến các vấn đề quan trọng này.

Hiện nay chúng ta vẫn chưa có những giải pháp đột phá cho phát triển logistics từ chính sách pháp luật logistics; đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics; phát triển hệ thống các doanh nghiệp logistics có sức cạnh tranh cao; mở rộng thị trường logistics và phát triển nguồn nhân lực logistics và nguồn nhân lực số nhằm góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững...

Có nghịch lý không, khi tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng “Quá trình sản xuất sản phẩm chỉ kết thúc khi sản phẩm, hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng trong và ngoài nước”. Nhận thức vấn đề như vậy, nhưng chúng ta lại không quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics một cách bài bản, xây dựng và vận hành thị trường bất động sản logistics một cách hiệu quả, ngay cả các điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và một số chính sách khác về phát triển logistics... chậm đi vào cuộc sống và cũng chưa thật sự khuyến khích thu hút các doanh nghiệp logistics, tập đoàn logistics nước ngoài vào Việt Nam đầu tư kinh doanh logistics.

758-ben-canh-van-don-tiendungxangdauphat-gmail-compressed.jpeg

Mặc dù, thời gian qua ngành logistics Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong hoàn thiện khung pháp lý và thể chế về logistics, nâng cao vai trò của ngành logistics trong nền kinh tế quốc dân theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Logistics đã có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất khẩu thành một điểm sáng (tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 và năm 2022 đạt mức kỷ lục 735,00 tỷ USD, tăng 9,46% so với năm 2021). Cơ sở hạ tầng logistics từng bước được quan tâm hơn, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics phục vụ cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu...

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, Logistics Việt Nam tuy có phát triển thuận lợi nhưng chưa khai thác hết được lợi thế địa - kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin,... cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều tồn tại, bất cập như: Chi phí logistics, đặc biệt là giá cước vận tải biển tăng cao gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tình trạng đứt gãy, xáo trộn, ùn ứ cục bộ trong chuỗi cung ứng vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ, đường sắt và đường biển...

Đến nay vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics vẫn còn nằm trong mã 75106 - Quản lý công nghiệp với mã cấp IV (từ tháng 10/2017) và nay là Thông tư 09/2022/TT - BGDĐT ngày 06/06/2022 thì logistics vẫn nằm trong mã ngành 85106 - Quản lý công nghiệp? Trong khi tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics ở Việt Nam đến năm 2025; Quyết định 221/QĐ-TTg, ngày 22/02/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/QĐ-TTg, tại phần Phụ lục kèm theo có đề ra 60 nhiệm vụ và ở mục “V” Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực đã xác định nhiệm vụ cụ thể là: Đẩy mạnh đào tạo về logistics ở cấp đại học... Các trường đại học nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo về logistics, thành lập khoa logistics. Công nhận chuyên ngành đào tạo logistics và Thủ tướng đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải thực hiện trong năm 2023.

xuat-xu-hang-hoa_2901113612-compressed.jpeg

Thực tế còn có rất nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho logistics Việt Nam chưa thực sự phát huy vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững ở nước ta, như không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu xuất FOB và nhập CIF; hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về logistics còn hạn chế cả về nhân lực và trình độ; nhiều cán bộ chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, hoạt động theo phương thức kiêm nhiệm; biên chế nhà nước bố trí cho công tác quản lý về logistics còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng công việc được giao. Đến nay bộ phận chuyên trách về logistics tại Bộ Công Thương chưa được thành lập nên công tác điều phối và phát triển logistics quốc gia còn hạn chế... (NQ 163/2022/NQ-CP).

Chính điều này làm cho ngành logistics Việt Nam mới chỉ đóng góp 4,46% GDP (NGTK, 2021,tr.196), (mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GDP cũng chỉ ở mức 5%-6% theo như QĐ 221/QĐ-TTg, ngày 22/02/2021), trong khi hiện nay, dịch vụ du lịch đã đóng góp tới 7% GDP.

Xuất phát từ thực tế trên đây, việc nâng cao nhận thức vai trò ngành logistics trong nền kinh tế quốc dân nhằm góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững là rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Và thực tế vẫn còn không ít người ở cả các cơ quan, bộ, địa phương và các doanh nghiệp còn cho rằng, “thuật ngữ logistics được thay thế cho dịch vụ giao nhận trước kia” hay dịch vụ logistics chỉ là dịch vụ vận tải... Điều này dẫn tới nhận thức không đầy đủ về vai trò ngành logistics, làm cho sự quan tâm và mức ủng hộ để xây dựng môi trường logistics quốc gia ở các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương thấp, thậm chí không nói là còn bị lãng quên. Hệ thống logistics Việt Nam kém phát triển đã làm cho chi phí logistics tăng cao so với khu vực, giá trị gia tăng của hàng hóa thấp và hàng hóa sản xuất ra rất khó tiêu thụ. Nguồn lực đầu tư công sử dụng và khai thác hiệu quả thấp, tổn thất sau thu hoạch cả trong khâu bảo quản, chế biến, vận chuyển có chi phí khá cao, gây nhiều tổn thất cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh...

(Còn tiếp Phần 2: “Giải pháp nâng cao vai trò ngành logistics trong bối cảnh mới”)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh mới (Phần 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO