Chùa Thầy toạ lạc dưới chân núi Sài (núi Thầy) thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía Tây Nam. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Cả hay Thiên Phúc Tự
Chùa thầy được xây dựng từ thời Lý, gắn liền với giai thoại cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lúc đầu chùa chỉ am nhỏ gọi là Hương Hải am. Sau đó, được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng lại gồm 2 cụm chùa là chùa Cao trên núi (Đỉnh Sơn Tự) và chùa Dưới (Thiên Phúc Tự).
Chùa Thầy là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh – người có những đóng góp to lớn cho nhân dân và ông tổ của bộ môn múa rối nước.
Chùa Thầy nằm tựa vào núi, được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Chùa nằm trên khu đất hình hàm rồng. Phía trước là một sân rộng nhìn ra hồ Long Trì (ao rồng), tạo thành hàm trên, bờ hồ bên trái là hàm dưới. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn.
Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất.
- Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền. Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương.
- Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương.
- Chùa Thượng hay chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng Bảo điện, đồng thời là nhà Thánh, để tượng Di Đà tam tôn, tượng ba kiếp của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tượng cha mẹ Từ Đạo Hạnh.
Cầu Nguyệt tiên nối với đường lên trên núi đến với chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am – nơi tu hành đầu tiên của Thiền su Từ Đạo Hạnh. Chùa Cao có quy mô kiến trúc khá nhỏ gồm gác chuông, tiền đường, thượng điện.
Đi ngược lên trên là đến đền Thượng. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu.
Trước sân chùa Thầy, tòa Thủy đình nổi lên như bông sen trên mặt nước với những mái đao uốn cong làm cho cảnh sắc nơi đây thêm cổ kính.
Hàng năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch, hội chùa Thầy được tổ chức. Tăng ni, phật tử và du khách từ khắp nơi trong vùng cùng về dự lễ, vãn cảnh, dâng hương khấn Phật cầu duyên,...
Đặc biệt hơn nữa, mỗi mùa tháng ba về cây gạo - một loài cây đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ, lại nở đỏ thắm một góc sân. Màu đỏ đậm của hoa, cùng với màu xanh của núi, màu rêu phong của chùa tạo nên một bức tranh thiên nhiên xinh đẹp, thơ mộng.