Cần hơn 265 tỷ đồng cho đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Nghệ An

Duy Ngợi|20/09/2022 11:10

Chiều 19/9, UBND tỉnh Nghệ An họp để nghe và cho ý kiến dự thảo đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030.

nongngiephuuco1.jpg
Nhiều doanh nghiệp ở Nam Đàn (Nghệ An) đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Nghệ An có diện tích đất nông nghiệp lớn, sản phẩm đa dạng, có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ; hiện nay trên địa bàn đã có Tập đoàn TH và một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả. Tuy nhiên, sản phẩm có khả năng phát triển sản xuất hữu cơ còn phân tán, nhỏ lẻ. Môi trường đất, nước cần phải xử lý, chi phí cao. Chi phí giá thành cao, mẫu mã không đẹp, năng suất thấp hơn sản xuất thông thường; sự phân biệt sản phẩm chưa được quản lý, khó phân biệt. Trong khi đó, chính sách chưa đủ mạnh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ...

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Nghệ An, xuất phát từ xu hướng phát triển sản xuất sạch để bảo đảm sức khỏe, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững. Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Nghệ An có diện tích đất nông nghiệp lớn, sản phẩm đa dạng, có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ...

Đề án được xây dựng trên quan điểm phát triển nông nghiệp hữu cơ phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022-2030; gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương. Đây được xem là một trong những khâu đột phá trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo đó, có 7 sản phẩm chủ lực triển khai thực hiện gồm: Lúa (gạo); trái cây (cam, bưởi, dứa); nguyên liệu phục vụ chế biến (chè, mía); thịt (lợn, gia cầm); sữa bò tươi; gỗ và sản phẩm từ gỗ; tôm, cá. Kinh phí ngân sách hỗ trợ ước tính cần khoảng trên 265 tỷ đồng.

nongngiephuuco2.jpg
Vườn cây ổi, thanh long trồng theo hướng hữu cơ tại xã Quỳnh Tam (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Tham gia góp ý vào nội dung dự thảo Đề án, các đại biểu đã phân tích thuận lợi và thách thức khi triển khai thực hiện Đề án. Trong đó, về thách thức, đa số ý kiến cho rằng để có được sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần phải đầu tư chi phí lớn; mẫu mã sản phẩm không được đa dạng, bắt mắt, năng suất thấp hơn sản xuất thông thường.

Bên cạnh đó, chưa có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, nếu ban hành chính sách riêng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ cần nghiên cứu thật kỹ tránh trường hợp không công bằng với các phương thức sản xuất nông nghiệp khác; không hỗ trợ về giá mà nên hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các sản phẩm nông nghiệp.

Để có thể triển khai hiệu quả Đề án, góp ý vào các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, một số đại biểu cho rằng cần phải tìm được thị trường, cũng như đưa sản phẩm hữu cơ đến gần với người tiêu dùng...

Tại cuộc họp, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh đề án phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX và các chính sách ưu tiên. Việc phát triển sản xuất sạch, thân thiện với môi trường đang là xu hướng hiện nay. Đề án cần bổ sung nhóm sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; rà soát lại các chỉ tiêu để tiệm cận với mức bình quân cả nước...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cần hơn 265 tỷ đồng cho đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO