Vinalines – Dấu ấn một hành trình

Ngô Đức Hành|21/08/2018 08:39

(VLR) Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có văn bản đăng ký thực hiện bán đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đăng ký cổ phần và đăng ký giao dịch cổ phần trên hệ thống giao dịch UpCoM.

Cổ phần hóa “đoàn tàu” Vinalines

Ngày 20.6.2018, tại Quyết định số 751/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ – Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo Quyết định này, hình thức cổ phần hóa công ty mẹ – Vinalines là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Sau khi cổ phần hóa, công ty mẹ – Vinalines sẽ có vốn điều lệ 14.046,058 tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn nhà nước là 11.946,058 tỷ đồng. Cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại công ty mẹ – Vinalines là Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 14,8% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và tổ chức công đoàn 2% vốn điều lệ. Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Vinalines tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, xử lý các vấn đề liên quan đến người lao động và một số nội dung khác. Trong văn bản, vị đứng đầu Vinalines đề xuất, số lượng cổ phần bán đấu giá dự kiến là 280,9 triệu cổ phần với mã cổ phần MVN, thời gian dự kiến tổ chức đấu giá trong tuần đầu tháng 8 tới đây. “Số lượng cổ phần đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCoM là số cổ phần trúng đấu giá đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán”, văn bản nêu rõ.

Theo “lộ trình” Vinalines sẽ tiến hành IPO trong quý 3.2018. Trong kế hoạch IPO báo cáo Thủ tướng, Vinalines dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2018 lợi nhuận âm 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất các kết quả doanh thu cùng sự khởi sắc từ các công ty con, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 khả quan hơn nhiều so với số liệu tài chính dự kiến trước đó trong phương án cổ phần hóa Công ty mẹ được duyệt. Cụ thể, sản lượng vận tải biển đạt hơn 12,2 triệu tấn đạt hơn 57% kế hoạch; sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 41,4 triệu tấn đạt 43% kế hoạch, tổng doanh thu đạt hơn 6.600 tỷ đồng đạt gần 50% kế hoạch. Lợi nhuận Công ty mẹ đạt 73 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2018 là 668 tỷ đồng thì con số 73 tỷ đồng Vinalines đạt được 6 tháng đầu năm có vẻ “hơi mỏng” là do Tổng công ty đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả, đồng thời, phải xử lý tài chính trước khi chuyển sang công ty.

Ngoài ra, Vinalines cũng đang khai thác và vận hành 14 cảng biển tại các vị trí chiến lược trải dài Việt Nam chiếm gần 27% công suất thiết kế và 20% tổng chiều dài cầu bến cả nước. Trong đó, Vinalines đã được phê duyệt kế hoạch giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại Cảng Hải Phòng từ 92,56% xuống 65%, và tại Cảng Đà Nẵng từ 75% xuống 65% để gia tăng nguồn vốn phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Đồng thời, Vinalines sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đầu tư hoàn thiện cảng Tiên Sa và Hiệp Phước giai đoạn 2, phát triển các tuyến dịch vụ mới nhằm nâng cao hiệu quả của các cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép - Thị Vải và Quảng Ninh.

Mục tiêu phía trước và con đường hy vọng

Vinalines vẫn giữ mục tiêu đến năm 2020 là doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Đây sẽ là những “mỏ vàng” mà nhà đầu tư nhắm tới thông qua sở hữu cổ phần của Công ty mẹ. Mặt khác, với lợi thế là “ông lớn” hàng hải có đủ ba mũi nhọn dịch vụ vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, Vinalines sẽ đẩy mạnh dịch vụ logistics trọn gói để phát huy lợi thế độc nhất đó.

“Dự kiến, đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực có năng lực cạnh tranh cao, phát triển mảng kinh doanh vận tải biển theo hướng củng cố đội tàu container và tàu hàng khô, chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu, thị trường nội địa và tham gia thị trường nội Á”, ông Sơn đánh giá.

Ngày 29.4.2018 vừa qua, Vinalines tròn 23 tuổi. Trong 23 năm trưởng thành và phát triển đó, có đến gần một nửa thời gian về sau, Vinalines phải gồng mình để vượt qua cơn bão khủng khoảng vận tải biển. Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải này đang đứng trước cơ hội phát triển mới, khi thực hiện IPO và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào nửa cuối của năm 2018.

Mặc dù vận tải biển vẫn chưa thoát khỏi suy thoái, nhưng Vinalines lại nắm trong tay cổ phần của nhiều công ty kinh doanh có lợi nhuận cao trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ hàng hải. Kết quả kinh doanh của các công ty con này được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Vinalines, góp phần giảm lỗ của mảng vận tải biển. Cụ thể, trong năm 2017, khối cảng biển thuộc hệ thống của Vinalines đã mang lại lợi nhuận trước thuế hơn 1.100 tỷ đồng.

Có khá nhiều lý do khiến Vinalines quyết giữ quyền chi phối tại một số cảng biển trọng yếu, ngoài việc hoạt động kinh doanh khởi sắc của khối cảng biển và dịch vụ đã gánh đỡ các khoản thua lỗ của mảng vận tải biển, giúp cân bằng thu chi. Về dài hạn, Vinalines sẽ tập trung phát triển, khai thác hiệu quả các cảng chiến lược, đóng vai trò quan trọng tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam và giữ vai trò huyết mạch trong mạng lưới giao thông vận tải quốc gia. Các dự án cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế được ưu tiên đầu tư gồm cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng quy mô 2 bến container và tổng hợp có thể tiếp nhận tàu có sức chở đến 8.000 TEU; Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu quy mô 2 bến, có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải đến 100.000 tấn.

Bên cạnh đó, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ được hoàn thiện, đưa vào khai thác và tiếp tục được đầu tư thêm giai đoạn 2. Việc nâng cao hiệu quả kinh doanh các cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, phát triển cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, Cần Thơ, Cam Ranh… cũng sẽ được Vinalines chú trọng. “Các cảng biển với giá trị tiềm năng trong cả ngắn hạn và dài hạn, sẽ làm tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư khi cổ phần hóa công ty mẹ”, ông Lê Anh Sơn khẳng định.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vinalines – Dấu ấn một hành trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO