Nhiệm kỳ IX của Hiệp hội có thời hạn là 3 năm (2024-2027). Đây là thời kỳ được dự báo quốc gia, khu vực, thế giới đối mặt với nhiều thách thức, suy thoái kinh tế, vấn đề địa chính trị,… Do vậy, phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều điều chỉnh, thay đổi để có thể thích ứng và phát triển trong thời kỳ mới.
Hướng tới sự thay đổi thích ứng phù hợp với bối cảnh và tình hình mới trên cơ sở mục tiêu phục vụ lợi ích hội viên, xây dựng cộng đồng logistics Việt vững mạnh. Đồng thời phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu mà Quyết định 200/2017, ngày 14/2/2017 và QĐ 221/2021 ngày 22/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra cho ngành dịch vụ 2017-2025.
Trong nhiệm kỳ IX, VLA sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức và phát triển hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của hội viên, gắn bó hơn với Hiệp hội, có đóng góp nhiều hơn cho Hiệp hội. Phấn đấu phát triển mỗi năm thêm được từ 70 - 100 hội viên mới.
Đẩy mạnh nâng cao năng lực cho hội viên:
- Chú trọng công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, tập trung thực hiện các dự án có hiệu quả cao cho Hội viên. Phấn đấu tới năm 2030, 100% Hội viên thực hiện có kết quả công tác chuyển đổi số, phục vụ kinh doanh có hiệu quả. Triển khai mạnh mẽ hoạt động Logistics xanh, Logistics thông minh và Logistics phục vụ hiệu quả xuất nhập khẩu nông sản.
- Tổ chức các hoạt động kết nối kinh doanh: B2B Matching (xây dựng chương trình riêng, tổ chức B2B với các tổ chức, Hiệp hội trong và ngoài nước); VILOG 2024;
- Triển khai Dự án Xếp hạng doanh nghiệp logistics (LSP).
- Tổ chức các hội thảo chuyên đề hỗ trợ doanh nghiệp hội viên phát triển: xây dựng thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, tư vấn pháp luật.
Thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hội viên:
- Đẩy mạnh công tác khảo sát, xin ý kiến hội viên, trên cơ sở đó tổng hợp, đóng góp ý kiến đối với các văn bản có liên quan đến doanh nghiệp, kiến nghị nhằm giải quyết khó khăn cho DN hội viên.
- Tổ chức các hoạt động kết nối hội viên. Tiếp tục tổ chức các hoạt động giao lưu văn, thể, mỹ, các hoạt động xã hội thiện nguyện để kết nối hội viên, tận dụng nguồn lực của hội viên góp phần phát triển xã hội: Giải chạy online; Chương trình từ hiện Xuân yêu thương, Hiến máu, Vì miền Trung thân yêu;…
Tiếp tục làm tốt công tác phản biện, tư vấn chính sách của trung ương và địa phương nhằm góp phần phát triển, hoàn thiện ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
- Tư vấn, góp ý kiến vào chiến lược phát triển logistics quốc gia, các địa phương.
- Căn cứ kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh/vùng Việt Nam hàng năm do VLA chủ trì tổ chức thực hiện để có những tư vấn chính sách phù hợp cho các địa phương trên cả nước.
- Tập trung đề xuất xây dựng quy hoạch vùng: phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, logistics, kho bãi, đào tạo, cải thiện môi trường kinh doanh…
- Tư cấn chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong bối cảnh tình hình mới.
- Tiếp tục làm tốt công tác phản biện chính sách, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các văn bản chính sách liên quan của các bộ, ngành, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên. Chủ động đề xuất một đến hai vấn đề về chính sách phát triển dịch vụ logistics với nhà nước. Hiệp hội có ít nhất là hai công trình nghiên cứu về phát triển trung tâm dịch vụ logistics vùng trọng điểm kinh tế.
- Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành nghề liên quan trong việc có tiếng nói chung với các cơ quan nhà nước.
- Phát triển công tác tư vấn, phản biện chính sách của các ban chuyên môn.
- Tiếp tục hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề trong nước và phát huy vai trò VLA trong hoạt động của AFFA và Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA): nhằm thực hiện việc trao đổi, chia sẻ thông tin nghiệp vụ và chính sách; tham gia, tổ chức gian hàng quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại tại Đại hội thường niên của FIATA, AFFA, các Hội nghị thường niên của vùng RAP, RAME, RAMS.
- Tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ logistics quốc tế, tập trung vào các thị trường khu vực ASEAN, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh.
- Nghiên cứu, hợp tác tổ chức các đoàn công tác cho doanh nghiệp hội viên tham gia xúc tiến thương mại ở thị trường quốc tế.
- Thúc đẩy quan hệ hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề trong nước, nhất là các Hiệp hội đã ký MOU hợp tác, trước hết là phối hợp công tác phản biện chính sách và kết nối doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo kiến thức pháp lý cho Hội viên, công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Phát triển đào tạo Chứng chỉ FIATA Higher Diploma tại chỗ và chuyển giao cho các trường đại học góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành logistics.
- Tiếp tục định kỳ tổ chức Cuộc thi “VLA FIATA YOUNG LOGISTICS PROFESSIONALS (YLP) AWARD 2023”. Cuộc thi được tổ chức nhằm lựa chọn ứng viên sáng giá tham gia vào cuộc thi YLP do FIATA tổ chức hàng năm. Cuộc thi sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm tạo sân chơi, khuyến khích các bạn trẻ tham gia, theo đuổi đam mê ngành logistics.
- Chú trọng công tác truyền thông hơn nữa các hoạt động của Hiệp hội, tập trung vào các vấn đề về vai trò trọng yếu và hiệu quả hoạt động logistics.
- Các phương tiện truyền thông của Hiệp hội phục vụ kịp thời cho các hoạt động của Hiệp hội và Hội viên. Quan hệ chặt chẽ với báo chí để tuyên truyền phù hợp cho các hoạt động của Hiệp hội.
- Nghiên cứu, thực hiện biên soạn và phát hành các ấn phẩm nghiệp vụ phục vụ nâng cao kiến thức của doanh nghiệp hội viên.
- Công tác truyền thông tuyên truyền về hoạt động logistics gắn với các văn bản về chính sách liên quan đến ngành của các cơ quan quản lý nhà nước.
- Tập trung phát triển các kênh truyền thông nội bộ như website, trang xã hội của VLA, nhóm hội viên.
- Đối với đơn vị truyền thông trực thuộc Hiệp hội: Tạp chí Vietnam Logistics Review (VLR): đẩy mạnh triển khai mô hình “Tòa soạn thông minh”, định hướng phát triển phù hợp xu hướng số hóa báo chí hiện đại…
- Bổ sung hoàn thiện Bộ quy chế hoạt động của BCH, Văn Phòng Hiệp hội và các Ban/Tiểu ban giúp việc Ban chấp hành.
- Thành lập các Ban chuyên môn giúp việc Ban chấp hành, gồm 6 ban (Ban Công tác hội viên; Ban Vận tải và Giao nhận; Ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại; Ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Ban Pháp luật; Ban Logistics). Đảm bảo các Ban chuyên môn hoạt động có hiệu quả thực sự nhằm kết nối, hỗ trợ hội viên.
- Phát huy vai trò của VLI trong công tác đào tạo, nghiên cứu và VLR trong công tác truyền thông phối hợp với Văn Phòng Hiệp hội.
- Tập trung mọi nguồn lực để tổ chức tốt Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA World Congress – FWC) năm 2025 tại Hà Nội. Đây là công tác trọng tâm của Hiệp hội trong thời gian tới.
Ban chấp hành Hiệp hội mới sẽ căn cứ vào hoạt động thực tế để triển khai kế hoạch cụ thể các phương hướng, nhiệm vụ chính trên đây trong nhiệm kỳ.