Là đại biểu được mời lên phát biểu đóng góp ý kiến đầu tiên tại Hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức ở TP. HCM, Ông Lê Duy Hiệp Chủ tịch VLA tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời VLA đánh giá cao nội dung Chiến lược mà bản dự thảo đã nêu. Để Chiến lược thực sự giúp ngành logistics Việt Nam đạt được các mục tiêu lớn và tạo được lợi thế cạnh tranh, theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, ban soạn thảo Chiến lược cần nghiên cứu xem xét điều chỉnh và bổ dung một số nội dung sau:
- Về các mục tiêu lớn của ngành logistics
Tốc độ tăng trưởng: Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành logistics đạt 15-20%, theo VLA, đây là con số kỳ vọng quá cao khi phát triển logistics Việt Nam đã qua giai đoạn bùng nổ (14-16%). Do đó bộ Công Thương nên cân nhắc tốc độ tăng trưởng ngành tới năm 2023 vào khoảng 12% - 14%.
Mục tiêu về tỷ lệ thuê ngoài đặt ra là đến năm 2030 đạt 70-80%. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, hiện nay ngành logistics Việt Nam đã đạt được con số này. Bởi thương mại điện tử phát triển bùng nổ trong suốt 5 năm vừa qua và vẫn giữ được đà tăng trưởng này. Trong khi đó, tỷ lệ thuê ngoài logistics của thương mại điện tử gần như tuyệt đối. Chính vì vậy, chiến lược cần đặt mục tiêu cao hơn cho hạng mục này.
Về mục tiêu chi phí logistics tới năm 2030 là 16 – 18% tương đương GDP, theo đại diện của VLA là con số phù hợp với thời điểm hiện tại, còn mốc 2030, chi phí logistics so GDP sẽ còn được kéo giảm hơn nữa bởi GDP Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt trong suốt giai đoạn vừa qua. Trong khi đó chi phí logistics Việt Nam đã được tổ chức quốc tế tính toán và lấy số liệu cách đây hàng chục năm. VLA đề xuất, Bộ Công Thương cần tính toán lại chi phí logistics để đưa ra mục tiêu bám sát với tình hình.
Về thứ bậc xếp hạng LPI đứng trong Top 45 là mục tiêu hơi khiêm tốn khi 2028 Việt Nam đứng thứ 39, năm 2023 đứng thứ 43. Chính vì vậy mục tiêu nên điều chỉnh LPI đứng thứ 35 – 40 sẽ phù hợp hơn.
- 2. Về các nhiệm vụ, đề án thực hiện chiến lược phát triển dịch vụ logistics Niệt Nam
Ngay trong quyết định 200 và 221 của Thủ tướng Chính phủ, vai trò, nhiệm vụ của VLA đã được quy định rất cụ thể. Trong suốt thời gian qua (2017 đến nay), VLA cũng đã theo sát và thực hiện rất tốt các nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, trong Chiến lược phát triến lược phát triển ngành logistics lần này, vai trò của VLA cần được nhìn nhận rõ hơn nữa. VLA hiện nay với hơn 750 hội viên, quy tụ được các doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam, chính vì vậy vai trò dẫn dắt, kết nối, thực thi các nhiệm vụ, chiến lược cần được ban soạn thảo đề ra cụ thể hơn, rõ ràng hơn (trong chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị phần, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xếp hạng doanh nghiệp, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số….)
Hiệp nay, doanh nghiệp logistics hầu hết là vừa và nhỏ, chính vì vậy chiến lược cần đưa ra mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhóm doanh nghiệp này. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển ngành logistics Việt Nam, đặc biệt đối với nhiệm vụ nâng cao thị phần nội địa.
Các mục tiêu chuyển đổi, tự động hóa số, hay bảo vệ môi trường cần được cụ thể hóa như tỷ lệ số hóa chứng từ vận tải; số hóa giao nhận hàng hóa tại cảng; như tỷ lệ doanh nghiệp logistics đạt ESG; tỷ lệ phương tiện giao thông, làm hàng sử dụng năng lượng xanh; tỷ lệ kho hàng lắp đặt pin mặt trời áp mái….
Ở Hội thảo góp ý cho Dự thảo tại Hà Nội, đại diện của VLA là ông Lê Quang Trung Phó Chủ tịch Hiệp hội, đặc biệt đề xuất Chiến lược phát triển sớm loại hình hạ tầng Khu thương mại tự do liền kề với các Cảng biển – sân bay – cửa khẩu đường bộ trọng điểm để thu hút dòng hàng trung chuyển đến Việt Nam cũng như tạo tiền đề giúp Việt Nam trở thành Trung tâm phân phối hàng hoá của Đông Nam Á và Cảng trung chuyển quốc tế Châu Á.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp. Các Bộ liên quan đến công tác Kiểm tra chuyên ngành cần có quy định minh bạch, tạo thuận lợi hóa để doanh nghiệp xuất nhập khẩu tuân thủ quy định, tiết kiệm thời gian chi phí.
VLA đề xuất điều chỉnh tên gọi Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại thành Ủy ban chỉ đạo quốc gia về tạo thuận lợi thương mại và dịch vụ logistics Việt Nam. Bên cạnh đó hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban để có khả năng lãnh đạo liên ngành thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển thương mại và dịch vụ logistics Việt Nam. Hiệp hội cũng đề xuất hình thành một đơn vị thường trực trực thuộc Bộ Công Thương làm đầu mối điều phối các hoạt động liên quan dịch vụ logistics.
Đề nghị các Bộ, Ban, ngành liên quan hướng dẫn, quan tâm hỗ trợ về thủ tục hành chính và cấp nguồn kinh phí nhất định đối với các Hoạt động sự kiện xúc tiến thương mại, hợp tác kinh doanh của Hiệp hội VLA với các Hiệp hội khu vực/ Liên đoàn chuyên ngành như AFFA, FIATA .Đây sẽ là là các cầu nối để liên kết, hợp tác những nhà cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải, logistics trong và ngoài nước nhằm kiến tạo vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt nam; tham gia vào việc thúc đẩy sự phát triển dịch vụ logistics Việt Nam hiện đại, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển doanh nghiệp trong ngành cũng như phát triển kinh tế Việt nam. (Hiệp hội VLA đã tổ chức rất thành công Triển lãm logistics quốc tế 2023 - VILOG, là triển lãm chuyên ngành đầu tiên về logistics tại VN).
Bên cạnh các nhiệm vụ, chiến lược dài hạn, VLA đề xuất Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành quan tâm, chỉ đạo, phối hợp hỗ trợ Hiệp hội trong việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA World Congress – FWC) năm 2025 tại Hà Nội.
Tổng Cục Thống kê cần công bố và phổ biến rộng rãi số liệu điều tra về ngành dịch vụ logistics hàng năm. Đây là nguồn số liệu chính thống để sử dụng trong các báo cáo, văn bản của Nhà nước và các Bộ, Ban, ngành. Đồng thời là dữ liệu tham khảo quan trọng khi thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các các Doanh nghiệp.
Trong suốt hơn 30 hình thành và phát triển, đặc biệt trong nhiệm kỳ VIII (2021 – 2024), tư vấn, xây dựng và phản biện chính sách là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của VLA và công tác này sẽ tiếp tục được Hiệp hội đẩy mạnh trong thời gian tới. Bởi chính sách, hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, công bằng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ngành logistics tuân thủ quy định sẽ tạo xung lực phát triển mạnh mẽ cho ngành, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế đất nước.