Với ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, câu nói của Isaac Newton “Nếu tôi nhìn được xa hơn người khác, ấy là bởi tôi đang đứng trên vai những người khổng lồ” luôn đúng trong cuộc hành trình biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể.
Xuất phát điểm với nhiều khó khăn
Ông Hồ Minh Hoàng sinh năm 1971 tại Bình Định nhưng học tập, lớn lên tại Phú Yên. Được biết, gốc của ông bắt nguồn từ dòng Hồ Quỳnh Lưu ở Nghệ An. Gia đình của Hồ Minh Hoàng có ông và bà nội đều là liệt sĩ, bố ông là chiến sĩ biệt động Thành.
Hồ Minh Hoàng theo học trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật HCM, tốt nghiệp vào năm 1995. Thuở thiếu thời, ông ước mơ trở thành nhà giáo. Nhưng ước mơ đấy nhanh chóng tiêu tan khi hợp tác xã do cha ông quản lý, đang đứng trước nguy cơ bị phá sản. Lúc này, Hồ Minh Hoàng buộc phải chọn kinh doanh nối nghiệp gia đình.
Bằng tài năng xuất chúng, Hồ Minh Hoàng đã thành công đưa một hợp tác xã đang gánh nợ phát triển lên công ty. Không chỉ vậy, ông cũng đứng ra thực hiện nhiều dự án lớn, mang lại nhiều tiềm năng phát triển cho tỉnh Phú Yên. Một Hồ Minh Hoàng trẻ tuổi khi ấy, luôn được kính trọng bởi thái độ kính nghiệp và sự hết mình vì gia đình, vì quê hương.
Xứng danh “vua hầm đất Việt”
Đèo Cả từ lâu đã nổi tiếng là một con đèo hiểm trở bậc nhất nước ta, dài khoảng 12km. Con đèo này nằm giáp Phú Yên và Khánh Hòa, đồng thời cắt ngang qua núi Đại Lãnh. So với những đèo khác, Đèo Cả không dài, nhưng hiểm trở vì độ dốc và các khúc cua. Đây cũng là nơi xảy ra nhiều tai nạn xe thương tâm, nhất là những chuyến xe khách đông người.
Thời điểm đấy, Hồ Minh Hoàng mang trong mình một khát vọng xây dựng huyết mạch thông miền Trung với Tây Nguyên. Ông mạnh dạn nêu lên ý tưởng làm hầm đường bộ xuyên qua núi Đèo Cả. Mong muốn trước mắt, ông muốn đem lại những giá trị vận tải đến cho Phú Yên. Rộng lớn hơn, đây sẽ tuyến đường trọng điểm có ý nghĩa to lớn với mạng lưới giao thông của đất nước sau này.
Xuất phát điểm với nhiều khó khăn, chẳng ai nghĩ danh xưng “Vua đào hầm” sẽ đi theo Hồ Minh Hoàng cho đến bây giờ. Một mình ông Hồ Minh Hoàng khi ấy là không đủ sức để thực hiện dự án lớn này. Nhất là khi ông Hồ Minh Hoàng khởi đầu gần như không biết gì về chuyện đào hầm, khoét núi. Chưa kể, đây không phải là một dự án đơn giản. Chúng thậm chí còn có tính rủi ro cao và dễ để lại hậu quả không lường trước được nếu như thất bại. Theo báo Giao thông, khi được hỏi duyên cớ nào đang làm đèn đường lại quay sang làm hầm, doanh nhân Hồ Minh Hoàng đáp rằng, “làm doanh nhân thì mục đích đầu tiên là kiếm tiền, làm giàu cho mình và xã hội, nhưng việc này tôi làm không chỉ vì tiền”. Ông cho biết, chứng kiến nhiều tai nạn thảm khốc trên Đèo Cả cũng là một phần lý do khiến ông có thêm động lực để thực hiện dự án, dù biết sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ vấn đề kỹ thuật, đến việc đảm bảo độ an toàn cũng như thu xếp nguồn vốn.
Năm 2010, Hồ Minh Hoàng quyết định ra Hà Nội lập Công ty CP Đầu tư Đèo Cả với sự góp vốn của các cổ đông: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây nguyên, Công ty CP Đầu tư Hải Thạch BOT, Công ty CP Á Châu. Hồ Minh Hoàng từng chia sẻ với báo giới rằng: “Công ty lập đúng lúc nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, Mai Linh gặp khó khăn, xin rút vốn. Trong khi hồ sơ doanh nghiệp mới tinh, ít người dám tin chúng tôi có thể thực hiện được dự án, nên khó khăn chồng chất. Có những lúc tôi tưởng phải bỏ cuộc”.
Nói thêm về Đèo Cả, ban đầu Dự án dự định triển khai theo hình thức tổng thầu EPC, sử dụng nguồn vốn vay của các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, do gặp quá nhiều vướng mắc trong khâu huy động vốn và tổng mức đầu tư vọt lên cao, nên công trình đã phải trì hoãn gần chục năm.
Năm 2011, Chính phủ chuyển hướng đầu tư dự án bằng nguồn vốn trong nước, cùng với đó là dùng nhà đầu tư, nhà thầu 100% trong nước, chỉ có tư vấn giám sát thuê của nước ngoài, trước bối cảnh đó, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã được lựa chọn làm nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng.
Sau hơn 4 năm triển khai thi công, cuối tháng 8/2017, dự án hầm đường bộ có quy mô lớn nhất cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ với chiều dài hơn 13km, trong đó hầm Đèo Cả dài hơn 4km, hầm Cổ Mã dài 500m và khoảng 9km cầu, đường dẫn.
Cái được lớn nhất của dự án này theo đánh giá của nhiều người đó là sự khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam khi lần đầu tiên một công trình hầm đường bộ có quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật phức tạp nhưng được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn lực trong nước.
Sau thành công vang dội tại dự án hầm đường bộ đầu tiên, Đèo Cả nhận được sự tin tưởng lớn của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành khi tiếp tục được "chọn mặt gửi vàng" làm nhà đầu tư tại hai công trình hầm đường bộ lớn khác là dự án mở rộng đường bộ Hải Vân và dự án xây dựng hầm Cù Mông, đưa Đèo Cả trở thành "vua" hầm đường bộ tại Việt Nam.
Vượt khó như một lẽ sống
Hồ Minh Hoàng từng chia sẻ với truyền thông rằng: Hầm đường bộ Đèo Cả như một món nợ mà tôi tự nhận với quê hương Phú Yên của mình…ban đầu khi tôi đưa ra ý tưởng về việc làm hầm đường bộ xuyên qua núi Đèo Cả, nhiều người nói thẳng với tôi “mày là một thằng khùng”, ông Hoàng nói.
Ông Hồ Minh Hoàng quan niệm, những việc thông thường mà nhiều doanh nghiệp làm được, thì khó đến lượt mình. Vị doanh nhân thế hệ 7x coi "áp lực là thành công".
Nhìn lại chặng đường 38 năm từ HTX Hải Thạch đến Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, nhìn lại những biến chuyển trên những cung đường đèo hiểm trở khu vực Nam Trung bộ trong vòng một thập kỷ vừa qua cho thấy, Hồ Minh Hoàng đã khắc tạc vào lịch sử ngành giao thông Việt Nam những kỳ tích tuyệt đỉnh. 25km đường hầm xuyên núi, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2 đóng vai trò quan trọng khơi thông huyết mạch giao thông quốc gia, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm thiểu tai nạn trên đèo, tạo ra diện mạo nhiều đổi thay tích cực về kinh tế - xã hội.
Được mệnh danh là “vua đào hầm”, nhưng ông thành thật chia sẻ với truyền thông rằng, mình không có nhiều thời gian để nghĩ về danh xưng này. “Nếu là một cái tên để ghi nhận, thì điều đó thể hiện niềm tin của mọi người dành cho tôi và Đèo Cả. Chúng tôi coi đó như một áp lực cho chính mình, phải luôn tốt hơn từng ngày, phải luôn đi trên mặt đất, không ngủ quên trên chiến thắng”, ông Hoàng nói.
Với tinh thần vượt khó như một lẽ sống, ông Hồ Minh Hoàng đã chứng minh sức mạnh vượt trội của mình bằng việc xây dựng thành công những công trình giao thông đường bộ trọng điểm trải dài khắp mọi miền Tổ quốc, mang lại những giá trị đích thực cho xã hội, góp phần đem lại cuộc sống an toàn cho đất nước và con người Việt Nam.