Vùng Đông Nam bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là đầu tàu kinh tế của cả nước

Vĩnh Quang|13/08/2024 08:01

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam bộ đã chủ trì Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng tại TP.Hồ Chí Minh. Đồng chủ trì có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức tham dự hội nghị.

ha-1-dong-nai-12082024.png
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - ảnh CTV

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Vùng Đông Nam bộ trong 7 tháng đầu năm mặc dù có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước. Trong 7 tháng, Vùng Đông Nam bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.

Các thành viên Hội đồng đã hoàn thành 28/41 nhiệm vụ được giao tại Quyết định ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ điều phối vùng năm 2023, hoàn thành 5/30 nhiệm vụ được giao hoàn thành trong năm 2023 tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24. Các nhiệm vụ còn lại các bộ, địa phương đang khẩn trương triển khai do đây là các nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian thực hiện trong các năm tiếp theo.

Về kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam bộ: Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4-5-2024 đã thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam ộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương trong vùng Đông Nam bộ.

Đến nay, có 17/18 bộ, ngành và 5/6 địa phương vùng Đông Nam Bộ có ý kiến tham gia. Sau khi có đủ ý kiến của các thành viên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, rà soát, chỉnh sửa, cập nhật và hoàn thiện Kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

ha-2-dong-nai-12082024.png
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu ý kiến tại hội nghị - ảnh CTV

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vùng Đông Nam bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của vùng là một đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển. Mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích nhưng Vùng Đông Nam bộ đóng góp khoảng 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước.

Các kết quả có được là nhờ quyết tâm, nỗ lực và sự trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp của vùng Đông Nam bộ, với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, đổi mới. Thủ tướng cũng đã ghi nhận đóng góp của vùng vào kinh tế-xã hội của cả nước và biểu dương sự đóng góp trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương trong Vùng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động giải quyết, nắm chắc tình hình, tập trung vào: rà soát lại mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 của các cấp, của chính địa phương để tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Triển khai công tác quy hoạch thông qua Kế hoạch thực hiện quy hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương trình phê duyệt Quy hoạch Thành phố, không cầu toàn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Rà soát, phát hiện các vướng mắc, các điểm nghẽn về pháp lý của các Luật, từ đó sửa đổi; tập trung góp ý cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa Luật Đầu tư công; đồng bộ với đó là các Nghị định, Thông tư của Chính phủ, các bộ, ngành cũng phải sửa.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực trong nhân dân; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, sản xuất chíp, trí tuệ nhân tạo (AI), hydrogen, điện toán đám mây. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong vùng để cùng giải quyết khó khăn, mở ra các kết nối trong vùng tốt hơn.

ha-3-dong-nai-12082024.png
Quang cảnh hội nghị

Thủ tướng yêu cầu tập trung “3 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, dẫn dắt, thu hút nguồn lực toàn xã hội; Đẩy mạnh ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành mới nổi khác liên quan sản xuất chíp, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây; Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia hàng đầu để tạo động lực mới, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Thủ tướng giao Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án Đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp của Hội đồng vào tháng 11-2024; giao Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành phấn đấu khởi công vào dịp 30-4-2025.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Vùng Đông Nam bộ có nhiều thời cơ thuận lợi hơn so các vùng khác. Đây cũng là kỳ vọng của Nhân dân cả nước, do đó đối với Vùng, đây vừa là vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm cao. Vì vậy, các thành viên Hội đồng, các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng xác định tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển; không những phát triển kinh tế - xã hội trong Vùng mà còn phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định trật tự an toàn xã hội.

Theo dongnai.gov.vn
Copy Link
Bài liên quan
  • Tìm giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế Đồng Nai
    Ngày 3-7, UBND tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, định hướng 2050”. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lại Thế Thông và GS TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh đồng chủ trì hội thảo.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vùng Đông Nam bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là đầu tàu kinh tế của cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO