(Vietnam Logistics Review) Bắt đầu từ vụ thu hoạch lúa đông xuân 2015-2016, Nông trường sông Hậu sẽ xuất khẩu những tấn rơm đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, nếu mọi việc được triển khai thuận lợi, theo ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường sông Hậu.
Trao đổi với báo chí bên lề buổi ký kết bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa Nông trường sông Hậu (Cần Thơ) với Hiệp hội xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-BIX) được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ ngày 18.11, ông Phú cho biết đây là bước đi đầu tiên trong việc triển khai hợp tác xuất khẩu rơm sang thị trường Nhật Bản và thực hiện dự án nuôi bò bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản tại Nông trường sông Hậu.
“Tuy nhiên, hai bên sẽ triển khai thực hiện xuất khẩu rơm sang Nhật trước,” ông cho biết.
Để thực hiện dự án này, tại buổi ký kết, hai bên đã thống nhất thỏa thuận là phía J-BIX sẽ cử chuyên gia sang Nông trường sông Hậu để tập huấn cho đội ngũ cán bộ ở đây về quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm. “Đồng thời, phía Nhật Bản cũng sẽ cung cấp các thiết bị công nghệ tiên tiến nhất cho nông trường để thu gom rơm và chế biến thành thức ăn cho bò để xuất khẩu sang quốc gia này,” ông Phú nói.
Theo ông Phú, nếu điều kiện thuận lợi, dự kiến từ vụ thu hoạch lúa đông xuân 2015-2016 tới, Nông trường sông Hậu sẽ xuất khẩu những tấn rơm đầu tiên sang Nhật Bản, “nhưng số lượng cụ thể bao nhiêu thì hiện vẫn chưa thể biết được.”
Đại diện J-BIX và Nông trường sông Hậu ký biên bản ghi nhớ
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Yutaka Aoyama, Giám đốc J-BIX, cho biết hiện nhu cầu nhập khẩu rơm hàng năm của Nhật Bản là 220.000 tấn, trong đó Trung Quốc cung cấp khoảng 100.000 tấn/năm. “Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đã ngưng nhập khẩu rơm từ Trung Quốc vì phát hiện trong rơm có vi khuẩn nên không được phép nhập vào (Nhật Bản),” ông cho biết.
Theo ông Yutaka Aoyama, đó cũng chính là lý do J-BIX tìm nguồn cung thay thế từ Việt Nam cũng như thực hiện việc ký kết bản ghi nhờ hợp tác với Nông trường sông Hậu hôm nay, 18-11.
Theo ông Phú, việc xuất khẩu rơm sang Nhật Bản được xem là cơ hội rất lớn để gia tăng thu nhập cho nông dân của nông trường nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung. “Thông thường, sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ sẽ được bà con nông dân đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường, hoặc cày vùi vào trong đất gây ngộ độc hữu cơ trên đồng ruộng, cho nên việc xuất khẩu rơm sang Nhật sẽ là cơ hội vừa giúp tăng thu nhập cho người nông dân vừa làm vệ sinh đồng ruộng, giúp mùa màng đạt hiệu quả hơn,” ông Phú cho biết.
Được biết, ngoài xuất khẩu rơm, Nông trường sông Hậu và J-BIX sẽ triển khai hợp tác thực hiện dự án chăn nuôi bò tại nông trường này bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Phú cho rằng trước mắt hai bên sẽ bắt tay vào xây dựng chi tiết dự án và tùy vào đó sẽ đề nghị Chính phủ Nhật hỗ trợ, chứ còn hiện nay con số cụ thể về quy mô nuôi hay vốn hỗ trợ vẫn chưa có. “Hôm nay, ký MOU chỉ về nguyên tắc chung thôi, trên cơ sở đó mới bàn bạc cụ thể để thống nhất việc thành lập dự án và trình Chính phủ Nhật Bản xem xét phê duyệt,” ông Phú thông tin.