Hội nghị còn có sự tham dự đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đại diện một số tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo Bộ NN&PTNT, ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng, đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của vùng. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây. Vùng này đóng góp 56% sản lượng lúa gạo (24,5 triệu tấn), 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước (4,3 triệu tấn), 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên trong những năm qua, vùng kinh tế ĐBCSL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc. Trình độ sản xuất của nông dân còn thấp, năng suất lao động thấp. Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư còn chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Để giải quyết những khó khăn trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhờ những chính sách này, năm 2023 tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 100.000 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Một số dự án đầu tư lớn như, nhà máy chế biến gạo 100.000 tấn/năm tại tỉnh Long An (vốn 1.000 tỉ đồng); dự án trồng và chế biến trái cây công nghệ cao tại tỉnh Tiền Giang (vốn 500 tỉ đồng); dự án nuôi thủy sản công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau (vốn 200 tỉ đồng)…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trình bày các vấn đề về chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp- PTNT tại ĐBSCL; thách thức và cơ hội xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới; xu hướng đầu tư xanh vào nông nghiệp tại ĐBSCL…
Các ý kiến tại hội nghị, cho rằng, để thu hút vốn đầu tư vào NN-PTNT tại ĐBSCL, cần tập trung vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đây là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, đặc biệt là ở các khu, cụm công nghiệp nông nghiệp, thủy sản. Đồng thời, nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Các địa phương cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam gợi mở một số vấn đề để vùng ĐBSCL nghiên cứu thực hiện, như khai thác tốt các sản phẩm nông nghiệp từ cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh: Các tỉnh ĐBSCL cần triển khai nhanh đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL ngay trong vụ lúa đông xuân năm 2023-2023, trên diện tích 180.000 ha. Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo phải chia sẻ lợi ích với nông dân trên cơ sở phải liên kết chặt với nông dân, các hợp tác xã…
Bên cạnh đó, vùng cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, lĩnh vực logistics, nhất là ở các vùng nguyên liệu tập trung lớn, trong đó có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế giúp nâng cao chất lượng và ổn định giá thành, tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng…