Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Theo Kim Yến (SBV)|19/09/2023 07:08

Vừa qua, tại thành phố Cần Thơ, Hội nghị về đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của Vùng ĐBSCL, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu, “Xác định đây là một vùng rất quan trọng nên trong chỉ đạo điều hành, ngành Ngân hàng đã có rất nhiều cơ chế chính sách riêng cho ĐBSCL, và trong đó chủ yếu tập trung vào vấn đề lúa gạo, thủy hải sản”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức, Hội nghị có lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN TW, NHNN chi nhánh một số tỉnh ĐBSCL, đại diện lãnh đạo UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các hiệp hội, ngành hàng (thủy sản, tôm, cá tra, lúa gạo, rau quả...), các doanh nghiệp đầu mối, hợp tác xã có quan hệ tín dụng với các TCTD tại một số tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, một số Sở, ngành và các Hiệp hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ...

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu trao đổi, chia sẻ kết quả đạt được, nhận diện và tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.

Dòng vốn tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL

Với vị trí, vai trò quan trọng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về chiến lược vĩ mô, các chủ trương, chính sách trọng tâm cho phát triển ĐBSCL. Về phía ngành Ngân hàng, NHNN đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các ngành hàng kinh tế chủ lực của vùng. Hoạt động ngân hàng trong khu vực không ngừng được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các ngành hàng nông sản chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản. Ngành ngân hàng luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, các dịch vụ tài chính, ngân hàng an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, là khu vực phát triển năng động, đã và đang triển khai nhiều giải pháp kinh tế mang tính chất khu vực. Xác định đây là một vùng rất quan trọng nên trong chỉ đạo điều hành, ngành Ngân hàng đã có rất nhiều cơ chế chính sách riêng cho ĐBSCL, và trong đó chủ yếu tập trung vào vấn đề lúa gạo, thủy hải sản.

ha-1-tckt-18092023.png
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội nghị

Phó Thống đốc cho biết, gần đây, NHNN đã có văn bản gửi chính quyền địa phương để cùng với NHNN chỉ đạo các sở, ban, ngành, các hiệp hội, NHNN Chi nhánh, NHTM trên địa bàn có trách nhiệm tháo gỡ, đẩy mạnh tín dụng trên địa bàn. Vấn đề làm sao để đẩy mạnh tín dụng, rõ ràng cần giải quyết vướng mắc từ hai phía. Một là từ phía doanh nghiệp, làm sao để tạo khả năng hấp thụ vốn hơn nữa của doanh nghiệp, tháo gỡ cho doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hoá... Về phía ngân hàng, ngân hàng đã và đang phải sử dụng rất nhiều các biện pháp tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho phát triển đẩy mạnh tín dụng, tích cực cho vay...

Báo cáo về “Chính sách tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy thu mua, tiêu thụ xuất khẩu thủy sản, lúa, gạo vùng ĐBSCL” tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, các cơ chế, chính sách tín dụng đã không ngừng được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, ngành lúa gạo, thủy sản nói riêng thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP, triển khai hiệu quả các chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp… theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, NHNN cũng đã có chính sách trần lãi suất ngắn hạn VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên (hiện nay tối đa là 4%/năm), chính sách cho vay bằng ngoại tệ để để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ.

NHNN luôn coi nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên để điều hành tập trung tín dụng, khuyến khích TCTD cho vay để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất - chế biến - đến thu mua, tiêu thụ; chỉ đạo TCTD thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn.

Kết quả, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản – là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng, cụ thể: Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng đối với 02 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yêu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

Dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung.

Cần sự nỗ lực, quyết tâm và chung tay để triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp, các TCTD đã chia sẻ về kết quả đạt được của hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu đối với ngành hàng chủ lực thủy sản, lúa, gạo trên địa bàn vùng ĐBSCL và đưa ra những đề xuất, kiến nghị để cùng tháo gỡ.

Phát biểu tại hội nghị, đ/c Nguyễn Văn Hồng – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp có thiếu vốn hay không, không phải là do ngân hàng không cho vay mà do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Do đó, ngoài sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần sự quyết tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, góp phần mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp.

ha-2-tckt-18092023.png
Đ/c Nguyễn Văn Hồng – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ

Kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, làm sao để khu vực ĐBCCL phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần nhiều hơn nữa cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các biện pháp và quá trình triển khai thực hiện của chính quyền địa phương, sự vào cuộc hiệu quả hơn nữa của tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh của khu vực và hệ thống cung ứng vốn, bài toán vốn cho nền kinh tế khu vực.

ha-3-tckt-18092023.png
Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu tại Hội nghị

Chia sẻ về cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng của cả nước thời gian qua, Phó Thống đốc cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều chỉ đạo trong vấn đề tăng cường khả năng, vai trò bà đỡ của ngân hàng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Về cơ chế chính sách, ngành Ngân hàng đã 4 lần hạ lãi suất điều hành để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay; đảm bảo được mục tiêu lớn là kiểm soát lạm phát, tỷ giá; tạo cơ chế chính sách, quy định thông thoáng tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại cung ứng các sản phẩm mới, có hành lang pháp lý để thực hiện; thực hiện chính sách giãn hoãn theo Thông tư 02 – một chính sách rất linh hoạt, đặc trưng của Việt Nam; đặc biệt, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi như 120.000 tỷ cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây lại các chung cư cũ; gói 15.000 tỷ cho lâm sản xuất khẩu thủy hải sản, cũng như một số ngân hàng đã đưa ra nhiều chính sách tín dụng ưu đãi khác...

Bên cạnh những cơ chế, chính sách, về tổ chức chỉ đạo của ngành Ngân hàng, NHNN đã có nhiều hoạt động như kêu gọi các NHTM đồng thuận hạ lãi suất, đây là điều kiện rất tích cực trong việc giảm giá thành, giảm giá đầu vào, duy trì và vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối giữa ngân hàng, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cùng ngồi với nhau tìm ra khó khăn, chia sẻ khó khăn và giải quyết tận gốc những khó khăn của các doanh nghiệp; truyền thông để người dân nắm bắt các thông tin, chính sách của ngành Ngân hàng…

Từ những chính sách cơ chế và tổ chức thực hiện đó, Phó Thống đốc cũng chia sẻ tại Hội nghị về một số nhiệm vụ thời gian tới:

Đối với các TCTD, tiếp tục giảm lãi suất khoản vay mới và xem xét cả những khoản cũ, cả lãi suất với ngoại tệ và nội tệ; tiếp tục cắt giảm phí, các thủ tục không cần thiết, nghiêm cấm việc bán bảo hiểm kèm tín dụng mới giải ngân; linh hoạt hơn các hạn mức tín dụng, gắn với mùa vụ; tăng cường liên kết, cho vay chuỗi giá trị…

Đối với NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố, ngoài việc kết nối, báo cáo chính quyền địa phương, theo dõi đánh giá khó khăn thực tế trên địa phương, cần phải thực sự là nơi đầu mối kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, nắm đc những khó khăn thực tế của doanh nghiệp hiện nay. Trên cơ sở đó, cùng các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực cần sự ưu tiên, ưu đãi.

Đối với các doanh nghiệp, Phó Thống đốc bày tỏ trong giai đoạn hiện nay, rất chia sẻ với những khó khăn với doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp cũng phải tìm ra hướng đi mới cho mình, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại thị trường; tăng cường nguồn lực; minh bạch tài chính, minh bạch dòng tiền, phối hợp với tư tưởng đồng hành, chia sẻ, gắn bó, cởi mở, báo cáo trung thực tài chính với ngân hàng; chủ động trong việc trao đổi những khó khăn với ngân hàng để đề xuất giải pháp, cộng sinh cùng tháo gỡ khó khăn; quan tâm đến chuyển đổi số…

Theo sbv.gov.vn
Copy Link
Bài liên quan
  • Bức tranh khu công nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long ngày một hoàn thiện
    Trong những năm gần đây, nhiều nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp đã tìm đến Đồng bằng Sông Cửu Long như một điểm đến đầu tư mới và nhiều tiềm năng để đầu tư những dự án quy mô lớn. Cùng với đó, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng đang trong kế hoạch phát triển cũng khiến hệ thống giao thông kết nối của khu vực ngày càng hoàn thiện, tiêu biểu là 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.166 km.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO