5 chiến lược cơ bản để doanh nghiệp da giày Việt Nam thâm nhập hiệu quả thị trường Hoa Kỳ

Hoàng Lê|29/04/2025 17:00

Thị trường Hoa Kỳ luôn được đánh giá là một trong những thị trường lớn và đầy tiềm năng nhất đối với ngành da giày Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với quy mô thị trường khổng lồ là những yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng và tính cạnh tranh cao bậc nhất toàn cầu. Để khai thác hiệu quả cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp cận thị trường này theo cách “thử và sai”, mà cần một chiến lược bài bản, tổng thể và linh hoạt.

1. Chuẩn hóa chất lượng, chìa khóa bước vào sân chơi lớn

Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết để gia nhập sân chơi này. Thị trường Hoa Kỳ nổi tiếng nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sản phẩm, trách nhiệm xã hội và môi trường. Các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn tại Mỹ đều yêu cầu nhà cung cấp có các chứng nhận như ISO 9001, BSCI, WRAP, hay các tiêu chuẩn an toàn hóa chất như REACH, CPSIA. Doanh nghiệp không chỉ cần đáp ứng các yêu cầu về vật liệu, kết cấu sản phẩm mà còn phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đầu vào đến đóng gói cuối cùng. Việc đầu tư bài bản vào quản trị chất lượng ngay từ đầu không chỉ giúp sản phẩm dễ dàng vượt qua các rào cản kỹ thuật mà còn nâng cao uy tín, tạo niềm tin với đối tác và người tiêu dùng Mỹ.

2. Nghiên cứu thị trường & lựa chọn phân khúc phù hợp

robotic-quality-checks-footwear-industry.jpg

Cần nghiên cứu thị trường và xác định phân khúc khách hàng phù hợp. Hoa Kỳ là một thị trường rộng lớn và đa dạng, mỗi khu vực lại có đặc điểm tiêu dùng, văn hóa và thị hiếu khác nhau. Các doanh nghiệp cần phân tích sâu thị trường theo vùng – chẳng hạn thị trường bờ Đông (East Coast) có xu hướng ưa chuộng sản phẩm thời trang cổ điển, trong khi bờ Tây (West Coast) lại thiên về phong cách năng động, sáng tạo. Đồng thời, việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng nổi bật như giày dép thân thiện môi trường, sản phẩm dành cho sức khỏe (comfort footwear), hay phân khúc giá trung bình với thiết kế cá tính sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được bộ sưu tập sản phẩm đúng thị hiếu. Một khi lựa chọn đúng phân khúc, doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa được chiến lược tiếp thị, định giá và phân phối.

3. Xây dựng thương hiệu & nhãn hiệu OEM/ODM

Thay vì chỉ gia công đơn thuần, doanh nghiệp nên cân nhắc xây dựng thương hiệu riêng hoặc trở thành nhà sản xuất OEM (gia công theo đơn đặt hàng) /ODM (thiết kế và sản xuất trọn gói) cho các thương hiệu Mỹ. Trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến tính độc đáo, bản sắc sản phẩm và câu chuyện thương hiệu, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu riêng với yếu tố bản địa như vật liệu tự nhiên, thiết kế thân thiện môi trường hoặc các yếu tố văn hóa truyền thống. Ngoài ra, hợp tác với các thương hiệu có sẵn tại Mỹ theo hình thức OEM hoặc ODM cũng là chiến lược khả thi, vừa tiết kiệm chi phí marketing, vừa tận dụng được hệ thống phân phối có sẵn. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần chuẩn hóa năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng ổn định và có khả năng phản ứng nhanh với các đơn hàng lớn, đa dạng.

491.jpg

4. Kết nối chuỗi cung ứng và thương mại điện tử xuyên biên giới

Doanh nghiệp chúng ta nên tận dụng thương mại điện tử và chuỗi cung ứng hiện đại. Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận người tiêu dùng Mỹ thông qua các nền tảng như Amazon, eBay, Zappos hay Etsy. Điều này đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có điều kiện mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Mỹ. Tuy nhiên, để bán hàng thành công trên các nền tảng này, doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng hình ảnh sản phẩm, mô tả chi tiết, dịch vụ khách hàng và hệ thống logistics hậu cần. Việc hợp tác với các kho trung chuyển (fulfillment centers) tại Mỹ sẽ giúp rút ngắn thời gian giao hàng và tăng trải nghiệm khách hàng. Ngoài ra, đầu tư vào hạ tầng số như website thương mại, marketing kỹ thuật số cũng là bước đi cần thiết để xây dựng hiện diện thương hiệu tại thị trường này.

5. Tận dụng hỗ trợ từ các tổ chức & hiệp định thương mại

Chúng ta nên chủ động tìm kiếm và tận dụng các hỗ trợ từ hiệp hội ngành hàng, cơ quan xúc tiến thương mại và các hiệp định thương mại tự do. LEFASO và Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các chương trình hội chợ, hội thảo, kết nối doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận thị trường và đối tác quốc tế. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA mang lại nhiều ưu đãi thuế quan và mở ra cánh cửa thuận lợi để hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ và các nước phát triển. Chúng ta cần theo dõi sát các chính sách, cập nhật kiến thức pháp lý và xây dựng kế hoạch xuất khẩu dựa trên lộ trình thực thi cam kết quốc tế.

Tôi cho rằng, Thị trường Mỹ là bài toán dài hạn – cần chuẩn bị từ gốc. Đây không chỉ là thị trường xuất khẩu, mà là một “sân chơi chiến lược” nơi mọi chi tiết – từ thiết kế, tính bền vững đến dịch vụ hậu mãi – đều có thể quyết định thành công. Thay vì tìm kiếm lối đi nhanh, doanh nghiệp cần bắt đầu từ nền tảng: tư duy thị trường, xây dựng năng lực nội tại và tạo giá trị khác biệt. Càng sớm đầu tư đúng hướng, càng tăng cơ hội trụ vững và phát triển lâu dài tại thị trường quan trọng bậc nhất này” – Ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch LEFASO

Thị trường Hoa Kỳ vẫn luôn giữ vị trí chiến lược đối với ngành da giày Việt Nam nhờ vào quy mô lớn, sức mua cao và tiềm năng phát triển dài hạn. Tuy nhiên, để không chỉ tiếp cận mà còn tạo dựng chỗ đứng vững chắc, doanh nghiệp cần một lộ trình bài bản với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ bên trong. Năm chiến lược cơ bản nêu trên không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững. Khi được dẫn dắt bởi tầm nhìn dài hạn và chiến lược phù hợp, doanh nghiệp da giày Việt hoàn toàn có thể tự tin chinh phục và khẳng định giá trị tại thị trường Hoa Kỳ.

Bài liên quan
  • Bà Rịa – Vũng Tàu: Từ tinh thần giải phóng đến khát vọng một siêu đô thị tầm cỡ khu vực
    Tối 26/4/2025, tại Quảng trường Công viên Bà Rịa, trong không khí trang nghiêm và xúc động, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (27/4/1975 - 27/4/2025) và chương trình nghệ thuật đặc sắc. Tham dự sự kiện có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành bạn; cùng đông đảo nhân dân, chiến sĩ và thế hệ trẻ tỉnh nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
5 chiến lược cơ bản để doanh nghiệp da giày Việt Nam thâm nhập hiệu quả thị trường Hoa Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO