Tuy người vận chuyển “có nghĩa vụ chứng minh” nhưng trong nhiều trường hợp họ tìm cách thoái thác nghĩa vụ này bằng cách đưa vào vận đơn một điều khoản có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau về nghĩa vụ chứng minh theo luật để buộc người khiếu nại phải chứng minh họ có lỗi gây ra tổn thất nếu muốn được bồi thường. Vụ tranh chấp dưới đây - Exportadora Valle de Colina SA and others v A P Moller Maersk A/S (t/a Maersk Line) 2010 EWHC 3224 (Comm) do các luật sư Fionna Gavin và Ruth Monahan (Công ty luật Ince & Co) viết bằng tiếng Anh - rất đáng chú ý về trách nhiệm chứng minh nguyên nhân tổn thất hàng hóa để các bên có liên quan đến chứng từ vận chuyển nói chung và vận đơn, chứng từ vận tải đa phương thức nói riêng tham khảo. Khi hàng hóa được bốc lên tàu trong tình trạng tốt và dỡ ra khỏi tàu trong tình trạng bị hư hỏng, luật và tập quán phổ biến là người vận chuyển phải chứng minh tổn thất là do một nguyên nhân mà họ không phải chịu trách nhiệm. Trong vụ kiện này, khiếu nại liên quan đến hư hỏng của khoảng 57 container lạnh chở nho. Người vận chuyển (Bị đơn) cho rằng, khi hư hỏng hàng hóa có thể là do (could be attributed to) việc thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng vận chuyển thì quy tắc thông thường không được áp dụng và người khiếu nại phải chứng minh phần hư hỏng nào là do người vận chuyển vi phạm hợp đồng.
Tóm tắt vụ việc và miễn trách nhiệm của người vận chuyển
Nguyên đơn là người trồng và xuất khẩu nho. Nguyên đơn đóng hàng vào container và những container này được vận chuyển bằng 10 chuyến riêng biệt từ Chi-Lê đi châu Âu theo các điều khoản thuộc vận đơn tiêu chuẩn của Bị đơn. Tòa thẩm phán chấp nhận chứng cứ là hàng hóa được bốc lên tàu trong tình trạng tốt nhưng dỡ ra khỏi tàu trong tình trạng bị hư hỏng. Tuy vậy, đây là vận tải đa phương thức và không biết được hư hỏng xảy ra ở chặng nào.
Theo điều 6.1 của vận đơn, Người vận chuyển được miễn trách nhiệm đối với hư hỏng hàng hóa xảy ra do (i) đóng gói không đầy đủ hoặc không phù hợp; (ii) việc xử lý hoặc sắp xếp hàng hóa là do người giao hàng thực hiện và (iii) khuyết tật ẩn tì. Điều 6.1(b) cũng quy định rằng nếu Người vận chuyển chứng minh mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa “có thể là do một hoặc nhiều” nguyên nhân này thì phải giả định rằng hư hỏng là do nguyên nhân như vậy và bên có quyền lợi về hàng hóa phải “chứng minh rằng mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa đã xảy ra không phải là do toàn bộ hay một phần của những nguyên nhân hay sự kiện này”.
Nhóm từ “có thể là do” ở điều 6.1(b) rất gần với cách thể hiện ở Điều 18(2) của Công ước quốc tế CMR về Vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ (CMR Convention on International Carriage by Road). Áp dụng cách tiếp cận của CMR thì nhóm từ “có thể là do” có nghĩa là Người vận chuyển chỉ phải chứng minh rằng một hoặc nhiều nguyên nhân được miễn trách nhiệm mà họ dựa vào dường như đã gây ra hư hỏng. Nếu Người vận chuyển có thể làm như vậy thì giả định theo điều 6.1(b) được áp dụng và Nguyên đơn phải chứng minh rằng những nguyên nhân loại trừ đó không gây ra hư hỏng cho hàng hóa.
Nguyên nhân hư hỏng hàng hóa
Trong quá trình Người vận chuyển chăm sóc hàng hóa, có một số giai đoạn máy làm lạnh của container bị “ngắt điện”. Đó cũng là việc thông thường do một số trường hợp được phép và cần thiết phải ngắt điện vì lý do khai thác tàu như bốc dỡ hàng, làm tan đá của máy làm lạnh. Nhưng trong hầu hết mọi trường hợp container bị khiếu nại, người ta thấy rằng giai đoạn thực sự bị ngắt điện đều vượt quá thời gian cần thiết, thời gian cho phép hoặc không biết thực tế thời gian này là bao lâu. Những khoảng thời gian vượt quá và thời gian thực tế không xác định được là bao lâu này đã cấu thành sự vi phạm nghĩa vụ chăm sóc hàng hóa của Người vận chuyển và Người khiếu nại cho rằng đây chính là nguyên nhân hư hỏng hàng hóa.
Người vận chuyển bác bỏ lập luận của nguyên đơn và cho rằng
a. Hư hỏng “có thể là do” một hoặc nhiều nguyên nhân được miễn trừ theo Điều 6.1, tức là (i) đóng gói không đầy đủ hoặc không phù hợp; (ii) sắp xếp hàng hóa không tốt (bad stowage) hoặc (iii) khuyết tật ẩn tì. Giả định rằng hư hỏng là do nguyên nhân nêu tại điều khoản loại trừ. Vì vậy, Người khiếu nại phải chứng minh rằng những nguyên nhân được loại trừ không gây ra hư hỏng hàng hóa.
Trên cơ sở tình tiết thực tế của vụ tranh chấp, Tòa thẩm phán kết luận rằng Người khiếu nại không có trách nhiệm chứng minh những khả năng gây ra hư hỏng hàng hóa khi trả hàng không thuộc một trong ba nguyên nhân được loại trừ.
b. Ngay cả khi việc loại trừ những nguyên nhân có thể là do không được áp dụng thì Người khiếu nại vẫn có trách nhiệm chứng minh rằng Người vận chuyển đã vi phạm nghĩa vụ và sự vi phạm này đã gây ra hư hỏng hàng hóa, tức là, Người khiếu nại phải đưa ra nguyên nhân gây ra hư hỏng mà người vận chuyển phải chịu trách nhiệm.
Lý lẽ thứ hai này của Bị đơn được đưa ra trên cơ sở chuyên gia của Người khiếu nại, trong khi bác bỏ chứng cứ của Bị đơn rằng thời gian ngắt điện không được phép đã không gây ra hư hỏng, đã đưa ra bằng chứng rằng nho có thể đã bị hư hỏng là do thời gian ngắt điện được phép, tức là, đó là yếu tố chính và không thể tránh khỏi của quá trình vận chuyển. Thẩm phán đã không chấp nhận cách giải thích như vậy của Bị đơn nhưng vẫn xem xét khả năng đó có thể xảy ra hay không.
Lý lẽ của Người vận chuyển đi ngược lại với nguyên tắc đã có từ lâu là khi hàng hóa được bốc lên tàu trong tình trạng tốt và dỡ ra khỏi tàu trong tình trạng bị hư hỏng thì người vận chuyển có trách nhiệm chứng minh rằng hư hỏng hoàn toàn do nguyên nhân mà họ không phải chịu trách nhiệm. Người vận chuyển né tránh trách nhiệm này bằng cách đưa ra lập luận là cần phải phân biệt giữa các tình huống sau:
a. Người vận chuyển dựa vào các trường hợp miễn trách nhiệm là nguyên nhân của tổn thất, ví dụ như: một trong những trường hợp miễn trách nhiệm nêu trong quy tắc Hague-Visby. Trong trường hợp như vậy, quy tắc chung được áp dụng và người vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường trừ khi họ không phải chứng minh rằng rủi ro (peril) được loại trừ là nguyên nhân của tổn thất.
b. Người vận chuyển dựa vào yếu tố chính và không thể tránh khỏi của quá trình vận chuyển (việc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc hàng hóa, chứ không phải là không thực hiện nghĩa vụ đó) là nguyên nhân gây ra tổn thất. Trong trường hợp này, Người vận chuyển cho rằng nguyên tắc chung không được áp dụng và Người khiếu nại phải chứng minh rằng phần khiếu nại nào là do Người vận chuyển vi phạm nghĩa vụ chứ không phải hư hỏng là do việc thực hiện nghĩa vụ của người vận chuyển.
Vì hư hỏng có thể xảy ra trong “những khoảng thời gian ngắt điện” cho phép và “những khoảng thời gian ngắt điện” cho phép đó không phải là những rủi ro được loại trừ mà là một phần trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của Người vận chuyển, Người vận chuyển cho rằng Người khiếu nại phải chỉ ra mức độ hư hỏng do Người vận chuyển vi phạm gây ra chứ không phải chỉ cho rằng hư hỏng xảy ra trong những khoảng thời gian ngắt điện” cho phép. Vì người khiếu nại không thể chỉ ra phần hư hỏng nào là do “những khoảng thời gian ngắt điện” không được phép và những hư hỏng nào là do “những khoảng thời gian ngắt điện” được phép nên họ không thể thoái thác trách nhiệm chứng minh.
Thẩm phán cho rằng lý lẽ của Người vận chuyển là không phù hợp với quan điểm đã được thống nhất từ trước đến nay về vấn đề tranh chấp vì nguyên tắc chung không giới hạn trong những trường hợp mà nguyên nhân gây ra tổn thất theo Người vận chuyển là họ không phải chịu trách nhiệm vì được miễn trách nhiệm. Nguyên tắc chung phải được áp dụng cho mọi tình huống (như trường hợp này) khi Người vận chuyển cho rằng một số hoặc toàn bộ tổn thất là do nguyên nhân mà họ không phải chịu trách nhiệm. Thẩm phán khẳng định rằng khi người khiếu nại đưa ra bằng chứng suy đoán về sự vi phạm thì người vận chuyển có trách nhiệm chứng minh toàn bộ hoặc một phần cụ thể của hàng hóa bị tổn thất là do một hoặc nhiều nguyên nhân mà người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp người vận chuyển không thể làm được như vậy thì họ phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ tổn thất.
Quy định tại điều 6 của vận đơn này (vận đơn cho lô hàng bị tổn thất) cũng phải được hiểu và áp dụng như trên. Trong giai đoạn vận chuyển như đã nêu mà nguyên nhân của tổn thất là “không biết” thì Người vận chuyển vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường trừ khi chứng minh được tổn thất là do một trong những nguyên nhân được miễn trách nhiệm bồi thường.
Bình luận
Bản án khẳng định nguyên tắc đã được công nhận đối với bên có trách nhiệm chứng minh trong trường hợp hàng hóa bị tổn thất và là một lưu ý bổ ích, có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề này, đặc biệt là đối với vận chuyển hàng hóa bằng tàu container.