Tài chính phản chiếu qua “khuôn mặt” chính trường
Tờ Washington Post nhìn nhận vấn đề qua sự việc bà Liz Truss từ chức Thủ tướng Anh hôm 20/10, chỉ sau 45 ngày tại vị. Một trong những nguyên nhân là kế hoạch tăng vay nợ chính phủ và cắt giảm thuế bất chấp lạm phát trên 10% của bà khiến thị trường tài chính nước này hỗn loạn.
Theo Washington Post, bà Truss thất bại vì đưa ra một kế hoạch kinh tế đầy rủi ro mà không được các nhà phân tích độc lập xem xét. Kết quả là, các quỹ hưu trí của Anh đã trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng.
Tại Anh, nhiều nhà quản lý quỹ hưu trí đã dùng một chiến lược được gọi là đầu tư dựa trên trách nhiệm pháp lý (LDI). Nó được thiết kế nhằm mục tiêu giúp kiếm thêm lợi nhuận từ lương hưu trong thời kỳ lãi suất thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Với LDI, các quỹ về cơ bản sẽ cầm cố trái phiếu, để đổi lại tiền mặt. Họ dùng nguồn vốn này để tái đầu tư nhằm tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, kế hoạch kinh tế mà bà Truss tung ra khiến giới đầu tư lo ngại chính phủ sẽ vay mượn nhiều hơn, gây bất an về nợ công giữa lúc lãi suất tăng cao. Kết quả, trái phiếu chính phủ Anh mất giá và lợi suất tăng đột biến. Điều này buộc các quỹ hưu trí phải phải nhanh chóng huy động tiền mặt để bù đắp chênh lệch giữa giá trị ban đầu của trái phiếu họ đã cầm cố và mức giá thấp hiện tại.
Cách nhanh nhất để huy động tiền là bán trái phiếu chính phủ. Nhưng điều đó tạo ra một vòng luẩn quẩn: giá trái phiếu giảm đồng nghĩa với nhu cầu về tài sản thế chấp nhiều hơn, đòi hỏi phải bán trái phiếu nhiều hơn, đẩy giá xuống nhiều hơn.
"Đây là những điều chúng ta đã thấy trong các cuộc khủng hoảng tài chính và đó là điều đáng lo ngại. Chúng ta không biết rủi ro tiếp theo sẽ thay đổi thị trường là gì", John Waldron, Chủ tịch kiêm CEO Goldman Sachs, bình luận.
Những biến động trên thị trường tài chính Anh có thời điểm được các nhà đầu tư đánh giá là có rủi ro tín dụng còn tệ hơn so với Italy. Sau những khó khăn bất ngờ của các quỹ hưu trí, nỗi lo một thành phần nào đó tiếp theo trong nền tài chính sẽ lao đao nếu lãi suất tiếp tục tăng dâng lên.
Các nhà phân tích cho biết, các quỹ tương hỗ trái phiếu, quỹ lương hưu, trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ các nơi đều đang được dò xét kỹ lưỡng để tìm ra những điểm yếu tiềm ẩn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm.
Dự báo gây sốc
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 20/10, nhà kinh tế học - giáo sư Đại học New York Nouriel Roubini dự báo, các thị trường tài chính toàn cầu sẽ phải chịu đựng một giai đoạn suy giảm nghiêm trọng hơn so với sự sụp đổ của những năm 1970 và 2008.
Theo ông Roubini, các ngân hàng trung ương cuối cùng sẽ từ bỏ chính sách tiền tệ thắt chặt của họ trước khi lạm phát bị đánh bại. Nhà kinh tế học này cảnh báo: "Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ, suy thoái kinh tế và bạn sẽ đối mặt với khủng hoảng tài chính".
Ông chỉ ra rằng các cổ phiếu sẽ giảm hơn 20% trong năm nay, căng thẳng về vốn cổ phần tư nhân, bất động sản Mỹ giảm nhiệt và thị trường tín dụng lao dốc. "Lạm phát sẽ không giảm đủ nhanh vì bạn gặp phải cú sốc cung tiêu cực. Hãy nhớ rằng khi bạn gặp cú sốc cung tiêu cực, bạn sẽ chứng kiến suy thoái và lạm phát cao"
Theo ông Roubini, kết quả của tất cả những điều này sẽ là một thời kỳ kết hợp giữa những điều tồi tệ xảy ra vào những năm 1970 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. "Đây chỉ là sự khởi đầu của nỗi đau đó. Chờ cho tới khi đó là nỗi đau thật sự".
Ông Nouriel Roubini là Giáo sư danh dự và là Giáo sư Kinh tế thuộc trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, đồng thời là Chủ tịch của Roubini Macro Associates LLC, một công ty tư vấn kinh tế. Ông từng dự đoán đúng về bong bóng bất động sản năm 2007-2008. Nhờ đó, ông có biệt danh là “Dr.Doom” - người chuyên dự đoán về các cuộc khủng hoảng.
Sau nhiều năm nới lỏng tiền tệ, Fed đang dẫn dắt các ngân hàng trung ương thắt chặt tín dụng để chống lạm phát. Lãi suất đã tăng mạnh hơn ở Mỹ, Anh, châu Âu, Canada và hàng chục quốc gia nhỏ hơn.
Theo các nhà phân tích, khó khăn của thị trường không có nghĩa là một cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra. Nhưng nó cho thấy sự chuyển đổi nhọc nhằn của nền kinh tế toàn cầu từ hơn một thập kỷ lãi suất thấp sang thời kỳ tín dụng đắt đỏ. Với việc Fed hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng lãi suất, thị trường dự báo vẫn sẽ có nhiều biến động.