Container hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng - Ảnh: N.linh
Đồng thời, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành chịu trách nhiệm chỉ đạo điều hành, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Tổ công tác và hướng dẫn Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng tại cục hải quan các tỉnh, thành phố để xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu.
Bên cạnh đó, để triển khai hoạt động của Tổ công tác liên ngành trong việc xử lý phế liệu tồn đọng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại công văn 2227/VPCP-KTTH ngày 21/3/2019, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Quốc Phòng, Giao thông vận tải, Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương) phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cử lãnh đạo cấp Tổng cục hoặc cấp vụ, cục thuộc Tổng cục Môi trường tham gia Tổ công tác liên ngành để thực hiện các nhiệm vụ như:
Chỉ đạo công tác phân loại hàng hóa tồn đọng tại cảng biển để xác định hàng tồn đọng là chất thải hay phế liệu;
Đánh giá năng lực của các doanh nghiệp (DN) về khả năng tiêu hủy hàng hóa tồn đọng là chất thải, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
Để xuất danh sách các DN đủ năng lực, điều kiện xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu để Tổ trưởng Tổ công tác xem xét quyết định các DN tham gia đấu giá hàng hóa tồn đọng…
Về phía Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề nghị bộ cử lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam tham gia Tổ công tác liên ngành để tham mưu trong việc yêu cầu các hãng vận tải thực hiện trách nhiệm vận chuyển hàng hóa tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Bộ Tư pháp cử lãnh đạo vụ, cục thuộc Bộ tham gia Tổ công tác liên ngành để rà soát các cơ sở pháp luật nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng theo đúng quy định pháp luật và thông lệ quốc tế.
Bộ Quốc phòng cử lãnh đạo cấp cục, vụ thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tham gia Tổ công tác liên ngành để tham mưu, đề xuất các nội dung, vướng mắc phát sinh tại cảng biển trong quá trình giải quyết, xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu.
UBND các tỉnh, thành phố cử đại diện tham gia Tổ công tác liên ngành để tham mưu, đề xuất các nội dung, giải quyết vướng mắc phát sinh tại cảng biển trong quá trình giải quyết, xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại địa phương.
Bộ Tài chính cũng đề nghị bộ, UBND các tỉnh, thành phố nêu trên tham gia Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng theo Giấy mới của cục hải quan các tỉnh, thành phố trên địa bàn và thực hiện theo chức năng nhiệm vụ để xử lý phế liệu tồn đọng.
Tính đến ngày 19/4, số container khai báo trên E-manifest là phế liệu hiện lưu giữ tại cảng biển là hơn 15.300 container (giảm 1.923 container so với tháng trước), trong đó số lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày là 4.651 container; số lượng tồn đọng (lưu giữ trên 90 ngày) là 9.362 container (giảm hơn 100 container).
Liên quan đến quản lý phế liệu, mới đây Tổng cục Hải quan có công văn 2188/TCHQ-GSQL chỉ đạo các đơn vị thực hiện tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng NK chất thải và chống buôn lậu, gian lận thương mại trong NK phế liệu; hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố về việc khai sửa, bổ sung manifest về tên người nhận hàng đối với hàng hóa NK là phế liệu.