Bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm nhiều mảng sáng tích cực

Ngô Đức Hành|02/08/2022 12:10

Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay của Chính phủ là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

kt-viet-nam.jpg
7 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi trên nhiều lĩnh vực. Ảnh minh họa: vtv.vn

Bức tranh nhiều điểm sáng

Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7-2022 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%.

Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 cũng tăng 9,7%).

Ngoài ra, tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD; tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,7%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2022 thì ước đạt 215,59 tỷ USD - tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 3,31 tỷ USD).

Bình quân 7 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 15,54 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn thực hiện ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2%. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

Một tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế là theo thống kê lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm ước đạt hơn 1,09 triệu tỷ đồng (bằng 77,5% dự toán năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, lũy kế chi ngân sách 7 tháng đạt 842.700 tỷ đồng (bằng 47,2% dự toán năm), bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Đáng chú ý là về lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Đặc biệt, trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm gần 87,1% - gấp 13,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, có thể khẳng định, sau khi mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15-3-2022, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những tín hiệu tích cực. Những kết quả trên của ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện doanh thu và lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú du lịch và vận tải du lịch...

xk.jpg

Cán cân thương mại 7 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 764 triệu USD. Nguồn TCTK

Ưu tiên số 1 của Chính phủ

Sáng 30/7, khi chủ trì cuộc đối thoại với Đại sứ Hàn Quốc và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Việt Nam xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ.

Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay của Chính phủ Việt Nam là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Buổi chiều 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc thảo luận về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Điều đó cho thấy rõ hơn vấn đề “ưu tiên số 1”.

Tình hình thế giới đang biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, chưa dự báo được và tác động, ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều phương diện đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Trong đó nổi bật là xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; đại dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, nhất là tăng giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, thiết yếu và gián đoạn sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, an ninh năng lượng và an ninh lương thực đang ở mức đáng báo động, các vấn đề an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp.

Lạm phát ở nhiều nước tăng cao kỷ lục. Nhiều quốc gia, đối tác lớn thay đổi chính sách theo hướng tăng mạnh lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khoá. Rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục xu hướng gia tăng. Tình hình ngày càng khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và áp lực rất lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành, trong khi khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế.

Trong tình hình như vậy, Chính phủ đã rất chủ động, bình tĩnh nhưng không chủ quan, phản ứng chính sách kịp thời, có giải pháp đúng và trúng trong điều hành để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hồi nhanh kinh tế sau đại dịch. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam là một trong số ít các quốc gia phục hồi nhanh và tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Tại cuộc gặp với các doanh nghiệp Hàn Quốc (nói trên), Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá cao việc thực hiện thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam. “Việt Nam sẽ dễ dàng đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay, đồng thời đủ khả năng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, ngay cả khi kinh tế thế giới bất ổn, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, đây là điều vô cùng ấn tượng", ông nhận định.

Rõ ràng, càng khó khăn, càng phải chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm nhiều mảng sáng tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO