Cảng Chân Mây, địa chỉ hấp dẫn của tàu biển du lịch hạng sang quốc tế

Bảo Hân (tổng hợp) |04/10/2023 19:58

Nhiều tàu biển hạng sang cỡ lớn cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên – Huế) và đưa nhiều du khách trong nước và quốc tế đến Cố đô Huế tham quan các danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa…

z4727914905518-136e7b0d985154a95ddb41aea59f1491.jpg
Nhiều tàu biển hạng sang cập cảng biển Chân Mây chở theo hàng trăm ngàn lượt khách quốc tế. Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên – Huế nằm ở vị trí trung tâm của miền Trung và trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc sắc của khách du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh du lịch di sản và văn hóa là trọng tâm thì du lịch đường biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đang đóng góp quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch.

Theo quy hoạch cảng biển tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cảng biển Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hiện đang là cảng đón tàu du lịch duy nhất với vị trí hàng hải thuận lợi kết nối với Singapore, Philippines, Hong Kong… do nằm ở vị trí trung tâm của miền Trung và nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế - Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cảng Chân Mây gần các trung tâm di sản thế giới như Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Quần thể di tích cố đô Huế và kề cận các khu du lịch trọng điểm quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân, Vườn quốc gia Bạch Mã).

Cảng biển Chân Mây được xem là “trái tim” của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) với diện tích mặt nước khoảng 20 km2 và cửa biển rộng 7 km hướng ra biển Đông, độ sâu khu nước -12.5m không bị bồi lấp. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay cảng Chân Mây có 3 bến đủ điều kiện đón được nhiều loại tàu hàng, tàu container, tàu du lịch cỡ lớn… đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Quảng Trị và khu vực…

Cảng Chân Mây có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 DWT và tàu khách du lịch đến 225.000 GT và trong những năm gần đây đã tổ chức đón nhiều chuyến tàu biển hạng sang nhập cảng như Royal Caribbean, Celebrity Cruise, Tui Cruise, Costa Criere, Vinking Ocean Cruise, Smaill Cruise, Princess Cruise, Ovation of the seas, Mary Queen 2… đã góp phần nào khẳng định giá trị thương hiệu Cảng Chân Mây trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Từ năm 2018 đến tháng 6/2023, các đơn vị liên quan đã giải quyết thủ tục cho 116 lượt tàu du lịch mang theo 208.390 khách du lịch và 91.282 thuyền viên đến và rời cảng từ nhiều quốc gia trên thế giới (khách chủ yếu đến từ các nước Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha...). Cụ thể, năm 2018 là 41 chuyến tàu/87.321 khách du lịch và 36.466 thuyền viên, năm 2019 là 45 chuyến tàu/82.349 khách du lịch và 35.781 thuyền viên, năm 2020 là 14 chuyến tàu/30.356 khách du lịch và 13.273 thuyền viên, năm 2021 không đón tàu biển do dịch Covid-19, năm 2022 là 4 chuyến tàu/424 khách du lịch và 424 thuyền viên và 6 tháng đầu năm 2023 là 12 chuyến tàu/7.940 khách du lịch và 5.338 thuyền viên (theo số liệu Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây).

z4727994932608-1d024d880ad0b691464f3157f7ac1807.jpg
Các tập thể, cá nhân có thành tích trong quản lý về hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế, giai đoạn 2018 - 2023, nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Theo kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 được Công ty Cổ phần cảng Chân Mây và đại lý hành hải cung cấp, cảng biển Thừa Thiên - Huế dự kiến tiếp nhận 14 lượt tàu với 33.400 hành khách cùng 12.330 thuyền viên. Trong đó, có cả tàu du lịch đã đăng ký cập cảng từ năm 2024 đến 2026 với năm 2024 đón 30 lượt tàu/47.987 hành khách và 18.718 thuyền viên, năm 2025 đón 26 lượt tàu/29.576 hành khách và 12.753 thuyền viên, năm 2026 đón 7 lượt tàu/18.000 hành khách và 6.000 thuyền viên.

Năm 2022 chỉ có 850 khách tàu biển đến cảng Chân Mây nhưng 7 tháng đầu năm 2023 đã có 13.300 khách tàu biển (chiếm 44% tổng số khách đến Việt Nam theo đường tàu biển) đến Cảng Chân Mây. 

Theo thông tin từ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, lượng tàu du lịch dự kiến đăng ký cập cảng năm 2024 sẽ đón 30 lượt tàu với gần 48.000 hành khách và gần 19.000 thuyền viên; năm 2025 sẽ đón 26 lượt tàu với gần 30.000 hành khách và gần 13.000 thuyền viên; năm 2026 đón 7 lượt tàu với 18.000 hành khách và 6.000 thuyền viên.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo vẻ mỹ quan, lịch sự khi khách đến cảng Chân Mây. Hiện nay, Công ty Cổ phần cảng Chân Mây đã triển khai xây dựng thêm một nhà bán hàng lưu niệm và đầu tư xe hút bụi, xe xịt nước, nhà vệ sinh công cộng cùng các trang thiết bị khác để phục vụ khách du lịch.

"Nhằm phát huy hệ thống hạ tầng cùng lợi thế cảng biển quốc tế Chân Mây, thời gian qua, Công ty cổ phần Cảng Chân Mây đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; mở rộng tìm kiếm khách hàng; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ...", bà Hồ Hoàng Thi, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Chân Mây cho biết.

vbf-20201112152947hlc.jpg
Các bến số 4, 5 dự kiến hoàn thành vào quí 1/2025

Hiện nay, Cảng Chân Mây đã đầu tư xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m và trong đó cầu cảng số 1 dài 360m, cầu cảng số 2 dài 280m và số 3 dài 270m. Các bến số 4, 5 cảng Chân Mây với tổng chiều dài 540m đang triển khai các thủ tục về xây dựng, đất đai, môi trường... dự kiến dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động giai đoạn I vào quý I/2025.

Ngoài ra, việc hoàn thiện hạng mục bổ sung 2 trụ neo 200 tấn thuộc Công trình nâng cấp bến số 1 đã đem lại hiệu quả trong việc đón tàu khách cập cảng. Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các công trình hạ tầng giao thông, duy trì hệ thống cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng tại địa bàn Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được Ban Quản lý Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế quan tâm triển khai.

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, cảng biển Chân Mây là một trong những điểm đến dễ tiếp cận và kết nối với các trung tâm cảng biển hiện đại của thế giới và đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất kỹ thuật đón tàu du lịch duy nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với nhiều tiềm năng nên trong thời gian qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quan tâm đầu tư nâng cấp cảng Chân Mây nhằm xây dựng cảng Chân Mây và khu vực lân cận thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Vừa qua (2/10), khi kiểm tra dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2) kéo dài thêm 300m với tổng chiều dài 2 giai đoạn là 750m, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị chủ đầu tư, các nhà thầu tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tổ chức thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn. Đồng thời yêu cầu UBND huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) phối hợp với chủ đầu tư tạo điều kiện tối đa để nhà thầu thi công, hoàn thành đúng thời hạn.

Được biết, dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây hoàn thành sẽ tăng năng lực khai thác hàng hoá và năng lực cạnh tranh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển khu bến Chân Mây.

Bài liên quan
  • Cảng Chân Mây trong chuỗi logistics miền Trung
    Sáng ngày 25/12, Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây phối hợp Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An tổ chức khai trương tuyến container tại Cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, đánh dấu việc mở ra dịch vụ vận tải mới, góp phần thúc đẩy phát triển logistics, kết nối cảng biển Chân Mây với các bến cảng nội địa và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cảng Chân Mây, địa chỉ hấp dẫn của tàu biển du lịch hạng sang quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO