Chuỗi cung ứng dưới tác động của công nghiệp 4.0

28/11/2016 07:23

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Khái niệm công nghiệp 4.0 (industry 4.0) hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lần đầu tiên được đề cập trong bản kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được Chính phủ Đức thông qua vào năm 2012, là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo.

(Vietnam Logistics Review) Khái niệm công nghiệp 4.0 (industry 4.0) hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lần đầu tiên được đề cập trong bản kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được Chính phủ Đức thông qua vào năm 2012, là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo.

Công nghiệp 4.0 về cơ bản là một kế hoạch chi tiết cho việc số hóa chuỗi giá trị từ nhà máy đến khách hàng. Nó kết hợp các hoạt động logistics, sản xuất, công nghệ thông tin, kỹ thuật… để từ đó số hóa các hoạt động kinh doanh. Công nghệ bao gồm: Internet of Things (IOT) và Internet of Services (IOS), từ đó tạo ra các nhà máy thông minh và các mô hình kinh doanh mới.

Đây được xem là làn sóng mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp. Giống như các cuộc cách mạng trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hứa hẹn đem lại các lợi ích hết sức to lớn. Công nghệ hiện đại giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới với chi phí hợp lý hơn. Trong tương lai, lĩnh vực cung ứng cũng sẽ có nhiều đổi thay với những lợi ích lâu dài về tính hiệu quả và năng suất dưới tác động của cuộc cách mạng này.

Chi phí vận chuyển và thông tin liên lạc giảm, hệ thống logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên minh bạch và hiệu quả hơn, từ đó làm cho chi phí kinh doanh được giảm thiểu. Tất cả những yếu tố đó sẽ mở ra những thị trường mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Công nghiệp 4.0 đòi hỏi các DN phải thực hiện nhiều thay đổi lớn đối với chức năng kinh doanh của mình, bao gồm cả các hoạt động trong chuỗi cung ứng, mặc dù những tác động này có thể không ngay lập tức như với các lĩnh vực khác. Simon Jacobson, thuộc hãng phân tích Gartner, đã chỉ ra bốn tác động của Công nghiệp 4.0 đến chuỗi cung ứng:

(1) Nhà máy thông minh - Quy trình sản xuất tự động và linh hoạt được tích hợp với khách hàng và các đối tác (xây dựng dựa trên cơ sở tiếp cận mạng lưới và dữ liệu di động) làm thay đổi vòng đời sản phẩm – sẽ tác động đến việc bố trí nhà máy hiện tại, thay đổi phương thức thiết kế sản phẩm, chiến lược marketing và cả hệ thống phân phối của DN.

(2) Internet of Services - Việc quản lý dịch vụ thông qua công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ thông qua mạng Internet sẽ tạo ra các mô hình kinh doanh mới, các kênh phân phối mới và phá vỡ thiết kế chuỗi cung ứng hiện tại.

(3) Dữ liệu lớn (Big data) - Không chỉ là dây chuyền sản xuất hoặc các nhà máy, hệ thống dữ liệu lớn và các phân tích dự báo được sử dụng linh hoạt trong cả quá trình sản xuất kinh doanh – điều này sẽ gây thêm nhiều áp lực lên các tổ chức để có thể sử dụng các dữ liệu này một cách tối đa và hiệu quả.

(4) Nguồn nhân lực chất lượng cao -. Sự gia tăng của các nhà máy thông minh trong tương lai khiến năng lực (chứ không phải nguồn vốn), sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. Điều này khiến nhu cầu sử dụng lao động có chất lượng tăng cao, đòi hỏi các nhà quản lý chuỗi cung ứng phải cải thiện kỹ năng và năng lực.

Và để đối phó với những thay đổi này, các nhà quản lý chuỗi cung ứng cần phải tập trung:

Quản lý nhà cung cấp: Sự biến động liên tục của thị trường và cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi sự liên kết và quản lý chặt chẽ hơn nữa các nhà cung cấp trong
quá trình phân phối sản phẩm.

Thực hiện chuỗi cung ứng minh bạch: Để phản ứng nhanh chóng với các thay đổi trên thị trường, chuỗi cung ứng cần phải được thực hiện một cách minh bạch. Điều này sẽ làm tăng năng suất và giảm thiểu rủi ro.

Hoạch định nhu cầu: Nhu cầu của người tiêu dùng đang dần thay đổi khi tính minh bạch của chuỗi cung ứng ngày càng cao, điều này đòi hỏi DN phải hoạch định nhu cầu để đảm bảo quá trình sản xuất, kinh doanh và phân phối đạt hiệu quả.

Thiết kế mạng lưới cung ứng: Để đối phó với các mô hình kinh doanh và kênh phân phối mới một cách nhanh chóng, mạng lưới cung ứng sẽ cần phải tổ chức lại.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chuỗi cung ứng dưới tác động của công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO