Công nghiệp thế hệ 4.0: Nắm bắt hay “lỡ chuyến tàu”?

10/03/2017 09:03

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Gần đây, cụm từ “Cách mạng công nghiệp thứ 4”, hay “Công nghiệp thế hệ 4.0” (sau đây gọi tắt là CN 4.0) được nhắc tới khá nhiều trên thế giới, nhưng nội dung của nó thì vẫn khá xa lạ với nhiều người Việt. Nếu không nhanh chóng nhận diện, nắm bắt cơ hội và thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng này ngay từ năm 2017, Việt Nam có nguy cơ “lỡ một chuyến tàu lớn”.

(Vietnam Logistics Review) Gần đây, cụm từ “Cách mạng công nghiệp thứ 4”, hay “Công nghiệp thế hệ 4.0” (sau đây gọi tắt là CN 4.0) được nhắc tới khá nhiều trên thế giới, nhưng nội dung của nó thì vẫn khá xa lạ với nhiều người Việt. Nếu không nhanh chóng nhận diện, nắm bắt cơ hội và thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng này ngay từ năm 2017, Việt Nam có nguy cơ “lỡ một chuyến tàu lớn”.

Nhận diện CN 4.0

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, nhiều cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 bắt đầu từ cuối thế kỷ 18, đánh dấu bằng sự ra đời của động cơ hơi nước, rồi động cơ đốt trong, mở ra kỷ nguyên sản xuất cơ khí và phát triển giao thương. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra từ đầu thế kỷ 20, với sự ra đời của máy phát điện, đèn điện, động cơ điện, mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt sử dụng điện năng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 diễn ra vào những thập niên 1960-1990, với sự xuất hiện của chất bán dẫn, các thiết bị điện tử, rồi việc sáng chế ra máy tính và Internet, cung cấp khả năng truyền thông, giám sát và điều chỉnh quy trình sản xuất.

Sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện các công nghệ số, đặc biệt là các hệ thống mạng đã trở nên ngày càng phổ biến, được tích hợp cả về tính năng lẫn phạm vi ứng dụng, làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, chính là cơ sở ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CN 4.0).

Theo GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tác giả cuốn sách “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, CN 4.0 có sự khác biệt rất lớn và toàn diện so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Đó là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT) và Internet kết nối các hệ thống (Internet of Systems - IoS).

Đặc trưng của CN 4.0 là hệ thống sản xuất thực - ảo (Cyber Physical Systems - CPS), trong đó các “sản phẩm thông minh” gắn đầy cảm biến báo cho máy móc biết chúng cần được xử lý như thế nào, các quy trình có quyền “tự trị” trong một hệ thống mô-đun phân cấp, các thiết bị nhúng thông minh làm việc với nhau thông qua mạng không dây hoặc “đám mây”. Nói một cách ngắn gọn thì viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định, có vẻ sẽ không còn xa xôi nữa.

CN 4.0 là mảnh đất nảy sinh những công nghệ mới như công nghệ na-nô, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền, công nghệ của trí tuệ nhân tạo, internet của vạn vật… Những công nghệ này có tiềm năng kết nối hàng tỷ người trên thế giới, gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động cho các tổ chức, doanh nghiệp, tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí khôi phục lại những tổn thất mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước gây ra. Vì vậy, chúng sẽ tác động to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, thậm chí thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người.

Thế giới nắm bắt CN 4.0 như thế nào?

CN 4.0 đồng nghĩa với tự động hóa hơn nửa môi trường sản xuất, tạo nên các sản phẩm phong phú hơn với giá thành thấp hơn, đem lại lợi ích cho các bên liên quan. Việc số hóa và nối mạng sản phẩm và dịch vụ hứa hẹn cho phép các công ty cung cấp các dịch vụ mới cho khách hàng và mang lại doanh thu đáng kể.

Các công ty có cơ hội đưa nhà máy sản xuất về lại nước mình, giành lại công việc từ các nước có giá nhân công thấp như Trung Quốc (vốn được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”). Chẳng hạn, hãng giày Adidas, sau hai thập kỷ không sản xuất tại Đức vì giá nhân công đắt đỏ, hiện đang xây dựng nhà máy ở miền Nam nước này, với thành phần lao động chủ yếu là robot. Đối thủ của họ là Nike cũng đang xây dựng một nhà máy hầu như hoàn toàn tự động tại bang Atlanta (Mỹ). Đó là lý do tại sao CN 4.0 đang được chính phủ các nước phương Tây, đặc biệt là Đức, Mỹ và Anh quan tâm.

Năm ngoái, McDonald’s công bố sẽ xây mới thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng robot. Tháng 5.2016, Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay thế bằng robot. Tháng 11.2015, Ngân hàng Anh Quốc đưa ra một dự báo còn đáng lo ngại hơn là sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới tại riêng Mỹ và Anh, tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này.

Công nghệ robot đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của đời sống và sản xuất. Hầu như robot đã thay thế con người trong dây chuyền lắp ráp sản xuất ô tô, trong nhiều công đoạn của các dây chuyền sản xuất thuốc chữa bệnh, tham gia các quá trình tự động hóa trong nhà máy cũng như trên đồng ruộng, chăm sóc người bệnh…

Trong thế giới mới pha trộn không gian ảo và thực, con người sẽ làm quen với việc cùng robot làm việc. Infineon Technologies đang thử nghiệm sản xuất cộng tác, để robot và người cùng làm việc tại các nhà máy ở Dresden (Đức) và Villach (Áo). Còn tại nhà máy Spartanburg của BMW ở South Carolina (Mỹ), các robot cộng tác đã làm việc bên cạnh công nhân trên dây chuyền lắp ráp mà không hề có một hàng rào cách ly nào.

Đức đặc biệt chú trọng đến CN 4.0 vì ngành sản xuất là xương sống của nền kinh tế nước này. Các công ty công nghiệp Đức như hãng sản xuất ô tô BMW và nhà sản xuất bán dẫn Infineon Technologies vừa đề cập đang đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp mới. Khảo sát của Strategy & và PwC với 235 công ty công nghiệp có trụ sở tại Đức hồi tháng 10.2014 cho thấy, công nghệ CN 4.0 chiếm hơn 50% số vốn đầu tư hoạch định cho giai đoạn 2015-2020, tức là có thể lên đến 40 tỷ EUR mỗi năm. Cũng theo khảo sát này, 85% công ty kỳ vọng sẽ thực hiện công nghệ CN 4.0 ở tất cả các khâu quan trọng vào năm 2020.

Cùng với quá trình phát triển của cảm biến và trí tuệ nhân tạo, khả năng của các phương tiện tự hành cũng được cải thiện với tốc độ nhanh chóng. Người ta dự báo trong khoảng mười năm tới, 10% xe chạy trên đường ở Mỹ sẽ là xe không người lái, 5% sản phẩm tiêu dùng được sản xuất bằng công nghệ in 3D, và chiếc ô tô đầu tiên sẽ ra đời bằng công nghệ in 3D.

Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Không phải vô cớ mà gần đây CN 4.0 được nhắc đến trong nhiều văn bản của Nhà nước và phát biểu của một số quan chức. CN 4.0 cũng chiếm vị trí quan trọng của một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương trong năm 2017. Bởi vì, CN 4.0 đang xảy ra rầm rộ và là bước phát triển tất yếu mà nếu chậm chân, VN sẽ lại “lỡ một chuyến tàu lớn”.

Một trong những hệ quả dễ thấy nhất là sức ép đối với những ngành thâm dụng lao động ở VN như may mặc, da giày. Các mô-đun sản xuất tự động và công nghệ in 3D có thể “tước đoạt” lợi thế nhân công rẻ của VN và các thị trường nhập khẩu truyền thống những mặt hàng này như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể mở nhà máy ở nước họ mà không sợ chi phí quá nhiều cho nhân công như Adidas và Nike đã làm. Lúc đó, việc giải quyết việc làm cho một số lượng lớn nhân công trình độ thấp sẽ trở thành một gánh nặng đặt lên nền kinh tế quốc gia.

Chiến lược phát triển công nghiệp của VN trong hơn ba thập kỷ qua, thể hiện rõ ở ba chương trình kinh tế lớn là lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, có vẻ như sẽ không còn phù hợp với bối cảnh của CN 4.0. Một số ngành sản xuất ở VN dựa vào tài nguyên như dầu khí, than đá, quặng, nhiệt điện đang mất dần tính cạnh tranh do sức ép của CN 4.0. Khi robot và tự động hóa lên ngôi, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, đặc biệt là những nhân công trong ngành vận tải, logistics, kế toán, môi giới bất động sản hay bảo hiểm.

Thực ra, CN 4.0 đang ở giai đoạn đầu, nên các nước gần như “bình đẳng” về cơ hội khi bắt đầu tiếp cận cuộc cách mạng này. Một nước đang phát triển như VN có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng hoặc thu hút đầu tư công nghệ mới do các công nghệ này không phụ thuộc vào công nghệ cũ, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách phát triển. Hơn nữa, mặc dù VN đang có mức thu nhập trung bình, vẫn có một số lĩnh vực người dân được thụ hưởng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, như việc sử dụng điện thoại thông minh và kết nối mạng Internet khá phổ biến và tăng trưởng nhanh.

Để nắm bắt cơ hội và thích ứng với xu thế phát triển của CN 4.0, Chính phủ cần thiết kế ngay các chương trình mục tiêu công nghiệp phù hợp để tiếp thu những công nghệ mới, xây dựng các chính sách dựa trên cách tiếp cận mới về xu hướng thay đổi khoa học - công nghệ đang diễn ra. Mặt khác, các cơ sở đào tạo nghề và đại học sẽ gặp khó khăn rất lớn trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động khó dự đoán và thay đổi chóng mặt, nếu không kịp thời thay đổi cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học. Trong bối cảnh cách mạng CN 4.0 đang ập tới như đã phân tích ở trên, đã đến lúc giới đại học buộc phải lựa chọn thay đổi triệt để nếu không muốn trở thành “kẻ bên lề”.

Các công ty nội địa cũng đang đứng trước thách thức phải linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến, hợp lý hóa quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, rút ngắn vòng đời sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Để phát triển, lãnh đạo các tổ chức kinh doanh sẽ phải chủ động đưa tư duy của mình thoát khỏi lối mòn với những ý tưởng, những hệ thống họ thậm chí chưa bao giờ nghĩ tới. Họ cũng sẽ phải đặt câu hỏi về mọi thứ, từ việc suy nghĩ lại các chiến lược, các mô hình kinh doanh cho đến các quyết định đầu tư vào đào tạo nhân lực hay các hoạt động nghiên cứu phát triển.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp thế hệ 4.0: Nắm bắt hay “lỡ chuyến tàu”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO