Đại học Tài chính - Marketing Quyết tâm tăng chất lượng nhân lực logistics

Thụy Hậu|12/10/2019 09:21

(VLR) Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều cơ sở đào tạo khác, nhưng với chiến lược phát triển gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, Ban Chủ nhiệm Khoa Thương mại, Trường Đại học Tài chính - Marketing tự tin sẽ cung ứng cho ngành logistics nguồn nhân lực được đào tạo vững chuyên môn, nghiệp vụ. Tạp chí Vietnam Logistics Review đã có dịp trò chuyện cùng TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Trưởng khoa Thương mại, Trường Đại học Tài chính - Marketing về vấn đề này.

TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Trưởng khoa Thương mại, Trường Đại học Tài chính - Marketing

TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Trưởng khoa Thương mại, Trường Đại học Tài chính - Marketing

Logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, ông đánh giá thế nào tiềm năng phát triển ngành này?

Phát triển ngành logistics hiện đang là vấn đề chiến lược và có tính thời sự được Chính phủ, các Bộ ngành quan tâm đầu tư phát triển. Theo Chỉ số Năng lực quốc gia về logistics - LPI của Ngân hàng Thế giới công bố, năm 2018 Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Những năm gần đây, tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics đạt từ 14% - 16%, đưa logistics trở thành một trong những ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam.

Theo dự báo của HSBC, đến hết năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt mức 623 tỷ USD. Trong giai đoạn 2021 - 2030, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam dự báo sẽ tăng trung bình 10% mỗi năm, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2030 ở mức 750 tỷ USD và khối lượng hàng hóa qua cảng biển dự kiến đạt 1.600 - 2.100 triệu tấn. Điều này, cho thấy tiềm năng phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam là rất lớn và tương lai không xa, logistics sẽ trở thành một trong những ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng, đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Mặc dù rất có tiềm năng, nhưng trên thực tế, ngành logistics Việt Nam chưa phát triển tương xứng. Một trong những rào cản lớn là ngành logistics đang thiếu hụt nguồn nhân lực vững chuyên môn, nghiệp vụ. Thực trạng vấn đề này ra sao, thưa ông?

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong những năm gần đầy đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, kết quả này là chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, vì nhiều rào cản khác nhau. Trong đó, một vấn đề quan trọng là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, cả số lượng và chất lượng. Hiện chỉ có khoảng 200.000 nhân viên chuyên nghiệp trong tổng số gần 1 triệu lao động trong ngành logistics. Có thể nói, nhân lực hoạt động trong ngành logistics thiếu kiến thức toàn diện, chưa theo kịp tiến độ phát triển của logistics thế giới, nhất là trình độ ICT còn hạn chế và chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ, vì thế có hơn 30% các doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên trước khi sử dụng. Nghĩa là, còn có khoảng cách khá lớn giữa nguồn nhân lực được đào tạo và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2017 - 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng và năng lực sử dụng tiếng Anh. Đến năm 2025, con số sẽ là 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ cao chuyên môn, ICT và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển ngành logistics Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên vấn đề nguồn nhân lực, nếu không được tháo gỡ kịp thời thì sẽ là nút thắt gây cản trở sự phát triển của ngành logistics trong những năm tới.

Gần đây, Chính phủ và nhiều Bộ ngành liên quan đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics. Được biết, Trường Đại học Tài chính – Marketing cũng là một trong những đơn vị có đào tạo nguồn nhân lực logistics. Vậy, Nhà trường sẽ làm gì để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động, thưa ông?

Khoa Thương mại Trường Đại học Tài chính - Marketing chủ động xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức quá trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, nhằm phát triển năng lực của người học theo yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, không chỉ cung cấp thông tin về thị trường nguồn nhân lực logistics, mà quan trọng hơn là tham gia cùng Nhà trường xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo thông qua năng lực làm việc sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Quá trình đào tạo, bên cạnh trang bị kiến thức lý thuyết, Khoa chú trọng đến việc phát triển các kỹ năng nghề nghiệp có tính chuyên sâu, các kỹ năng mềm, năng lực hội nhập và khả năng thích ứng của sinh viên trong điều kiện quốc tế hóa thị trường lao động. Do đó, trong quá trình đào tạo, ngoài việc học tập trên giảng đường, sinh viên được thực hành, thực tập nghề nghiệp tại doanh nghiệp; Sinh viên được hỗ trợ nghiên cứu khoa học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Việc sinh viên thực tập tại doanh nghiệp được nhiều người ví như “cưỡi ngựa xem hoa”, sinh viên không được tham gia sâu vào quá trình quản lý, thực hành tại hiện trường. Nhà trường có giải pháp gì cho vấn đề này không, thưa ông?

Ngoài hoạt động thực hành, thực tập nghề nghiệp trong chương trình đào tạo, Khoa còn liên kết với các doanh nghiệp logistics tổ chức các “học kỳ doanh nghiệp” để sinh viên có điều kiện trực tiếp làm quen với hoạt động nghề nghiệp diễn ra tại doanh nghiệp và huấn luyện các kỹ năng mềm cần thiết trong quá trình tác nghiệp. Khoa cũng đang khẩn trương thực hiện đề án xây dựng phòng thực hành mô phỏng giảng dạy nghiệp vụ logistics, nhằm giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận một cách toàn diện các nghiệp vụ logistics (từ xử lý đơn hàng, thực hành sử dụng các thiết bị chuyên dụng, thực hành phân loại, đóng gói và bảo quản hàng hóa...) và đa dạng các tình huống logistics, nhưng quan trọng hơn là giúp sinh viên phát triển tư duy quản trị dịch vụ logistics, điều mà sinh viên không dễ có được thông qua việc thực hành tại doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Trường Đại học Tài chính - Marketing phối hợp Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam và Tạp chí Vietnam Logistics Review tổ chức Hội thảo khoa học: “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế hội nhập”, dự kiến diễn ra vào tháng12/2019. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn tư vấn/phản biện và hoạch định chính sách về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và các doanh nghiệp logistics; đồng thời tạo cơ hội giao lưu, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực logistics giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên và các nhà quản trị doanh nghiệp.

Ban Tổ chức trân trọng kính mời các Nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các giảng viên tham gia viết bài cho Hội thảo. Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ email: vitruong@ufm.edu.vn, nxhiep@ufm.edu.vn


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đại học Tài chính - Marketing Quyết tâm tăng chất lượng nhân lực logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO