Theo đó, về tăng cường quản lý và kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP), Sở An toàn thực phẩm TPHCM phối hợp tham mưu các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành giữa các Sở, ban, ngành và UBND TP Thủ Đức, quận, huyện. Sở An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm. Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm đồng bộ, sử dụng công nghệ số hóa để quản lý chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ. Triển khai hệ thống dữ liệu tập trung để các cơ quan liên quan có thể chia sẻ thông tin.
Về xây dựng nguồn thực phẩm an toàn, Sở An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ tài chính và khuyến khích sản xuất an toàn như triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn để khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP hoặc GlobalGAP.
Sở An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công thương tăng cường hợp tác liên vùng, phối hợp với các tỉnh cung ứng thực phẩm để thiết lập quy chuẩn chất lượng đồng nhất, đảm bảo chất lượng thực phẩm từ nguồn cung cấp vào TP. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân, nhà sản xuất và nhà phân phối.
Về quản lý thực phẩm tại chợ đầu mối và chợ truyền thống, Sở Công thương, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện nghiên cứu cải thiện hạ tầng tại các chợ như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất tại chợ đầu mối và chợ truyền thống để đáp ứng tiêu chuẩn về bảo quản thực phẩm an toàn. Khuyến khích các chợ tham gia mô hình chợ đạt chuẩn theo TCVN 11856:2017.
Sở An toàn thực phẩm phối hợp với UBND TP Thủ Đức và quận, huyện, lực lượng công an và ban quản lý các chợ thực hiện kiểm soát chợ tự phát có giải pháp mạnh mẽ để xử lý tình trạng kinh doanh thực phẩm không kiểm soát tại các chợ tự phát. Lắp đặt bảng cấm dừng, đỗ và camera giám sát xung quanh chợ đầu mối để đảm bảo trật tự và an toàn giao thông. Có kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các tiểu thương tại chợ. Áp dụng biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm để nâng cao tính răn đe.
Về chống thực phẩm bẩn, Sở An toàn thực phẩm phối hợp các Sở ngành và UBND TP Thủ Đức và quận, huyện thực hiện quản lý hiệu quả việc kinh doanh thực phẩm trực tuyến. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn xây dựng quy định cụ thể và rõ ràng trong quản lý kinh doanh thực phẩm trực tuyến. Yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm, đồng thời áp dụng chế tài xử lý vi phạm.
Sở An toàn thực phẩm phối hợp các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện tăng cường công tác xử phạt, nghiên cứu, tham mưu nâng mức xử phạt hành chính đối với các cơ sở vi phạm ATTP. Đề xuất đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở tái phạm nhiều lần.
UBND TPHCM giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Sàn giao dịch thịt heo tại TPHCM để chuẩn hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo chất lượng và minh bạch nguồn gốc.
Sở An toàn thực phẩm chủ trì, tham mưu việc thực hiện xã hội hóa công tác truy xuất nguồn gốc, khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội trong việc cung cấp thực phẩm an toàn.