Để giao thông hoạt động hiệu quả tại TP. HCM

ThS. Cao Ngọc Thành|03/05/2019 14:26

(VLR) TP. HCM đang trở thành đô thị cực lớn với gần 13 triệu người cư trú. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng, gây nên tình trạng kẹt xe và ùn ứ giao thông khá nghiêm trọng. Nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề, nhưng phần nhiều mang tính hành chính, mệnh lệnh nên quá trình thực hiện khó đạt được sự đồng thuận của người dân. Bài viết này sẽ nghiên cứu để có thể đưa ra luận cứ khoa học cho các giải pháp kinh tế về giảm ùn tắc giao thông tại TP. HCM.

Kinh tế là lĩnh vực quan trọng quyết định sự phát triển đối với các lĩnh vực khác như chính trị, xã hội, văn hóa, nghệ thuật,... của một quốc gia. Phát triển, quản lý lĩnh vực giao thông trước tiên cũng cần chú ý đáp ứng các yêu cầu phát triển của kinh tế trước. Bài viết sẽ đánh giá lại hoạt động giao thông vận tải liên quan thế nào đến hoạt động kinh tế, có giúp ích gì cho hoạt động kinh tế của TP. HCM hay không. Để thực hiện việc đánh giá này, tác giả sẽ sử dụng số liệu Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ như là một biến số thể hiện sự hoạt động sinh động của nền kinh tế. Số liệu doanh thu vận tải hàng hóa và doanh thu vận tải hành khách sẽ được sử dụng để làm biến số cho hoạt động giao thông vận tải tại TP. HCM.

Ta biết rằng, doanh thu thì bằng số lượng nhân cho giá. Ở đây, có thể thấy trong thời gian không dài, giá cả biến đổi không nhiều nên số liệu doanh thu vận tải có thể là một biến số thay thế khá tốt cho sản lượng hàng hóa hay số lượng hành khách vận tải. Ngoài ra, chính sách đầu tư là loại chính sách mà chính quyền địa phương như TP. HCM có thể sử dụng trực tiếp nên bài viết cũng xem xét yếu tố chính sách đầu tư là một vấn đề có thể xem xét để nghiên cứu về giao thông. Từ các biến số với dữ liệu này, bài viết sẽ thực hiện hai phương pháp nghiên cứu là phương pháp hệ số tương quan và phương pháp chạy phương trình hồi quy. Các số liệu, tác giả thu thập theo tháng của năm 2018 trong Niên giám thống kê TP. HCM. Chạy kết quả hệ số tương quan thì có kết quả như Bảng 1.

Bảng 1. Hệ số tương quan của biến số kinh tế và giao thông năm 2018 của TP. HCM

Bảng 1. Hệ số tương quan của biến số kinh tế và giao thông năm 2018 của TP. HCM

Từ kết quả có được trong bảng 1, ta có thể rút ra một số nhận định như sau:

  • Vận tải hành khách có mối liên hệ khá thấp đối với Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ với hệ số tương quan là 0,398. Điều này có nghĩa là sự giao thông và vận tải của người dân không có mối liên hệ rõ với hoạt động kinh tế. Người dân đi lại dường như không có mục đích phục vụ kinh tế hay tạo ra giá trị.
  • Vận tải hàng hóa có mối liên hệ khá mạnh đối với Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ với hệ số tương quan khá cao là 0,839. Điều này có nghĩa là sự lưu thông hàng hóa ảnh hưởng khá hiệu quả với kết quả hoạt động kinh tế.
  • Vận tải hành khách và vận tải hàng hóa dường như không có mối liên hệ với nhau với hệ số tương quan nhỏ là 0,117. Điều này một lần nữa cho thấy vận tải hành khách rất ít gắn liền với hoạt động kinh tế.
  • Vốn đầu tư có mối tương quan khá giống nhau với vận tải hành khách (hệ số tương quan là 0,610) và vận tải hàng hóa (hệ số tương quan là 0,612). Điều này có nghĩa là đầu tư tạo ra hạ tầng thì được cả vận tải hàng hóa và vận tải hành khách sử dụng với mức độ gần như nhau.

Để có thể đánh giá thêm về tác động của hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa đối với hoạt động kinh tế ta dựa vào Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả hồi quy

Bảng 2. Kết quả hồi quy

Kết quả tính toán cho thấy biến số Doanh thu vận tải hành khách không có tác động đến Tổng mức bán lẻhànghóavàdịchvụởmứcýnghĩa 5%. Trong khi đó, biến số Doanh thu vận tải hàng hóa có tác động đến hoạt động kinh tế thể hiện bằng biến số Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ với mức ý nghĩa 5%. Như vậy, có thể thấy, tại TP. HCM, sự lưu thông của người dân phần nhiều là không tạo ra giá trị, ít ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh tế. Chính quyền có thể thực hiện các chính sách kinh tế, tác động vào các biến số vĩ mô để ảnh hưởng đến sự đi lại của người dân. Các chính sách kinh tế mà thành phố có thể thực hiện là chính sách đầu tư, chính sách giá ùn tắc (congestion pricing policy)... Các chính sách cần được hoạch định sát với thực tiễn giao thông (ví dụ như lưu ý giải pháp thực thi có tính đến giờ cao điểm...). Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng cần sự hỗ trợ chính sách từ các Bộ, ngành Trung ương. Các chính sách cần được thực hiện để đạt kết quả như sau:

  • Hệ số tương quan giữa Doanh thu vận tải hành khách và Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt mức trên 0,7
  • Hệ số tương quan giữa Vốn đầu tư và Doanh thu vận tải hành khách, Doanh thu vận tải hàng hóa đạt mức trên 0,65.

Nói tóm lại, kẹt xe hay ùn tắc giao thông đang là vấn đề nóng của thành phố, cần có sự tác động sớm nhất để cải thiện tình hình và tăng hiệu quả của kinh tế. Các chính sách được đưa ra cần có ảnh hưởng làm cho sự đi lại của người dân hiệu quả hơn, giảm lãng phí. Bên cạnh các biện pháp hành chính có thể thực hiện thì cần nghĩ đến thực thi các chính sách kinh tế để quá trình tác động là nhẹ nhàng, không làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người dân. Nâng tầm cuộc sống đòi hỏi Nhà nước cần nâng tầm giải pháp chính sách, hiệu quả ngày càng cao và trúng đích các vấn đề cần giải quyết trong quá trình phát triển.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Để giao thông hoạt động hiệu quả tại TP. HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO