Doanh nghiệp phải nắm bắt các giải pháp của bản thân

Anh Tuấn (tổng hợp)|21/01/2023 06:17

Vốn tín dụng dành cho chủ đầu tư dự án và người mua nhà là vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay. Tại tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết các ngân hàng đều quan tâm đến những dự án đầy đủ tính pháp lý.

Dự án đầy đủ pháp lý đảm bảo tiếp cận được vốn tín dụng

Theo ông Hùng, khi thị trường vốn cân bằng với thị trường tiền tệ thì các doanh nghiệp hoạt động bình thường. Tuy nhiên khi thị trường vốn có vấn đề, huy động khó khăn hơn sẽ dồn tất cả vào thị trường tiền tệ là không hợp lý. Vì bản chất thị trường tiền tệ là cho vay bổ sung vốn, cả vốn trung dài hạn và vốn ngắn hạn.
Bong bóng bất động sản xảy ra có phải do vốn tín dụng không? Tốc độ tăng trưởng vốn tín dụng hằng năm bình quân có con số rất rõ rồi, không có gì gọi là "nóng" cả. Những dự án nào đầy đủ pháp lý đều được cho vay, những dự án liên quan đến nhà ở tiêu dùng phục vụ người dân, kể cả tín chấp tiền lương, vẫn được ngân hàng cho vay, người dân có thể tiếp cận được. Còn việc người dân ở nơi này nơi kia không tiếp cận được vốn tín dụng là do tính pháp lý có đảm bảo khả năng trả nợ hay không và có vượt khả năng tài chính của họ hay không?
Xảy ra bong bóng bất động sản là do có hiện tượng không phải mua nhà để ở mà mua nhà để tích luỹ, để đầu cơ, dẫn tới việc đẩy giá lên. Tại sao lại có những người mua cả toà nhà, mua nửa toà nhà? Mua nhiều như vậy để đẩy giá lên và chỉ cần thị trường "đóng băng" thì toàn bộ những khoản nợ đấy nếu ngân hàng cho vay sẽ rủi ro rất lớn.
Vì thế, ngân hàng đã đặt vấn đề lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực rủi ro. Khi cho vay phải xem xét rất thận trọng. Dự án đầy đủ pháp lý thì đảm bảo tiếp cận được vốn tín dụng. Người dân có nhu cầu tiếp cận vốn mua nhà ở thì gần như tất cả đều tiếp cận được để mua nhà.
Với những dự án vừa tiếp cận vốn vừa vướng thủ tục pháp lý thì Ngân hàng không khuyến khích. Vấn đề đặt ra là tỉ lệ cho vay ngắn hạn và cho vay trung dài hạn sẽ dần theo thông lệ quốc tế, đến tháng 10/2023 đưa về 30% phù hợp với thực tiễn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng.

ong-nguyen-quoc-hung-tong-thu-ky-hiep-hoi-ngan-hang-vlr-20012023-tai-toa-dam-thao-go-kho-khan-cho-thi-truong-bat-dong-san-va-trien-vong-nam-2023-anh-vgp-quang-thuong.png
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VLR 20012023 tại tọa đàm Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023. -  Ảnh: VGP/Quang Thương

Doanh nghiệp phải nắm bắt các giải pháp của bản thân

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đặt ra một số câu hỏi cho doanh nghiệp để tìm ra hướng giải quyết trong bối cảnh này như: Vậy doanh nghiệp bất động sản phải làm gì? Các doanh nghiệp bất động sản đã làm gì để tự tháo gỡ khó khăn cho mình chưa? Giá là bao nhiêu? Người dân thực sự có nhu cầu ở đã tiếp cận được nhà chưa? Điểm an toàn vốn của các doanh nghiệp có thể chấp nhận được là gì để có sản phẩm tiêu thụ được ra thị trường? Doanh nghiệp có chấp nhận lãi trước kia 10 phần giờ giảm đi còn 3 phần thôi, còn 7 phần để cho người dân hưởng, lúc đó dòng vốn sẽ luân chuyển.
Cuối cùng, không phải các ngân hàng không cho vay mà tất cả các ngân hàng đều quan tâm đến những dự án đầy đủ tính pháp lý, đầu vào đầu ra hợp lý. Các tổ chức tín dụng cũng đã đặt ra vấn đề là giá sản phẩm bất động sản có hợp lý để đưa ra tính hiệu quả dự án hay không. Giá bán quá cao thì sao tiếp cận được vốn. Giá cao như vậy ngân hàng có dám cho vay khi không có dòng tiền không?
Ông Hùng cho hay, chúng ta đang để bong bóng bất động sản cũng như thị trường chứng khoán, không phải cứ đầu tư vào là có lãi mà tập trung vay vốn huy động, vốn của bạn bè… để đầu cơ kinh doanh và đẩy giá lên. Khi thị trường đóng băng sẽ ảnh hưởng đến việc không thể tiêu thụ sản phẩm.
Quan trọng nhất là Chính phủ đã có kế hoạch sau Tết gặp các doanh nghiệp bất động sản đề bàn về giải pháp tháo gỡ. Ông cho rằng chính các doanh nghiệp cũng phải nắm bắt các giải pháp của bản thân để từ đó có kiến nghị với ngân hàng, với các tổ chức tài chính, Bộ ngành… chứ không thể đưa ra vấn đề tôi có 10 dự án nhưng chỉ có 2 dự án đầy đủ pháp lý, 8 dự án đang hoàn thiện vốn nằm đấy. Như thế thì Ngân hàng cho vay thế nào? Với 8 dự án chưa đầy đủ pháp lý thì làm sao phát hành được trái phiếu.
Đây là những vấn đề trong thời gian tới cần có những giải pháp, những chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nhưng việc tháo gỡ chỉ cho các dự án đã đầy đủ tính pháp lý và có hiệu quả, giá cũng hợp lý với thị trường, sản phẩm đáp ứng được đa số yêu cầu của người dân thì mới lành mạnh được thị trường bất động sản.
Rất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách, ông mong rằng những giải pháp sẽ được đưa ra có thể xử lý triệt để, giúp thị trường bất động sản sớm ổn định.

Bài liên quan
  • Các nước đã làm gì để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản?
    Tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chia sẻ cách ứng xử mà các nước đã làm trong tháo gỡ khó khăn, đưa thị trường bất động sản (BĐS) phát triển nhanh và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp phải nắm bắt các giải pháp của bản thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO