Đồng Nai: điểm sáng phát triển logistics Việt Nam

19/05/2014 09:10

(VLR) Nhìn lại lịch sử thời cận đại của dân tộc, Đồng Nai thuở trước là quê hương của Ông, Cha “Mang gươm đi mở cỏi”, truyền thống này được duy trì trong giai đoạn chiến tranh vệ quốc vĩ đại với những địa danh lừng lẫy như Xuân Lộc nơi mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, đến nay là một tỉnh công nghiệp trù phú của Việt Nam, nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế Đông Nam Bộ.

Nhìn lại lịch sử thời cận đại của dân tộc, Đồng Nai thuở trước là quê hương của Ông, Cha “Mang gươm đi mở cỏi”, truyền thống này được duy trì trong giai đoạn chiến tranh vệ quốc vĩ đại với những địa danh lừng lẫy như Xuân Lộc nơi mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, đến nay là một tỉnh công nghiệp trù phú của Việt Nam, nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế Đông Nam Bộ.

QUÁ KHỨ HÀO HÙNG

Dân số khoảng 3 triệu người (đứng hàng thứ năm của cả nước), diện tích 5.894,74 km2. Bắc giáp với Lâm Đồng, Đông giáp với Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu, Nam và Tây Nam giáp với TP.HCM, Tây giáp với Bình Dương và Bình Phước. Đây là vùng đất bazan mfu mỡ với địa hình cao thích hợp cho xây lắp và phát triển cây công nghiệp, nên trước năm 1975 Mỹ đã xây một số nhà máy phụ trợ và căn cứ hậu cần lớn phục vụ cho chiến tranh dọc theo quốc lộ 1A. Sau giải phóng, trên đà là một địa phương đã công nghiệp hoá, Đồng Nai mạnh dạng kêu gọi đầu tư nhiều khu công nghiệp tầm cỡ khu vực, như khu AMATA, khu công nghiệp Singapore… chẳng những thu hút đầu tư nước ngoài nhanh chóng mà còn góp phần mở cửa, đổi mới thắng lợi.

Mặc dù không phải là địa phương ven biển, nhưng tỉnh này có sông lớn Đồng Nai chảy qua, hợp lưu cùng với một số con sông lớn khác trong vùng, đi thẳng ra biển thuận lợi, tạo thế liên hoàn cho vùng động lực kinh tế phía Nam, trong đó Đồng Nai là cửa ngõ của miền Đông Nam bộ, kết nối bằng nhiều phương thức vận tải với TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta) và phần còn lại của quốc gia ở phía Bắc.

Với ưu thế về dân số, diện tích, địa hình cũng như vị trí đắc địa và trình độ dân trí tương đối. Đồng Nai vươn lên nhanh trở thành một tỉnh phát triển công – nông nghiệp vào bậc nhất nhì của cả nước.

ĐIỂM SÁNG PHÁT TRIỂN LOGISTICS VN

Nói về Đồng Nai là đề cập đến vùng công nghiệp Đông Nam bộ, được phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới. Tuy không phải là tỉnh có cảng biển nước sâu, nhưng sử dụng rất nhiều container trong quá trình chu chuyển, sản xuất ở các đơn vị, nhà máy và khu công nghiệp FDI (bằng vốn trực tiếp đầu tư của nước ngoài). Từ đó logistics là điểm sáng hoạt động sau hệ thống cảng biển quốc gia. Hiện tại Đồng Nai có cảng Đồng Nai, Long Bình Tân và Gò Dầu với kho bãi thao tác, lưu trữ container lên đến 5,6ha đang được mở rộng giai đoạn hai để trở thành cảng tổng hợp và khu vực ICD giành cho logistics của tỉnh. Riêng cảng Gò Dầu có thể tiếp nhận tàu trên 6.000 DWT cập cảng, xếp dỡ hàng hóa. Ngoài ra cảng Đồng Nai còn sở hữu đội sà lan có thể vận chuyển container đến các cảng nước sâu của TP.HCM và Cái Mép Thị Vải thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu để chuyển tải sang tàu lớn.

Cục Hải quan Đồng Nai là đơn vị thuộc ngành Hải quan được vinh danh là đơn vị nổi bật trong công tác cải cách, hiện đại hóa, tiếp tục đồng hành và hỗ trợ DN trong hoạt động xuất nhập khẩu. Riêng năm 2013, đơn vị đã chủ động, phối hợp tổ chức 7 hội nghị đối thoại với DN, trong đó lắng nghe phản ảnh và phổ biến chính sách, luật pháp của ngành và quốc gia để các DN xuất nhập khẩu thực thi đúng qui định.

Logistics là ngành khoa học – kinh tế tổng hợp của đất nước, nếu logistics phát triển sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng GDP quốc gia. Theo dự kiến, GDP VN có mức tăng trưởng 5,4% (năm 2014) và 5,8% (năm 2015), kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu tăng 10% - 12%, lượng container thông qua các cảng biển từ 12,3-15,2 triệu TEU. Nhất định phần đóng góp của tỉnh Đồng Nai sẽ lớn hơn. Hải quan tỉnh Đồng Nai sẽ góp phần không nhỏ trong việc phấn đấu hạ giá thành logistics VN từ 25% GDP xuống 20% trong những năm tới.

TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG VÀ HƯỚNG ĐI CỦA ĐỒNG NAI

Theo thông tin của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển (PortCoast) thì cụm cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ trở thành cảng trung chuyển quốc tế của VN thay cho Cảng Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa. Nhà nước đã phê duyệt điều chỉnh qui hoạch cụm cảng số 5, Bộ GTVT chuẩn bị công bố nay mai, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải. Việc làm này còn thúc đẩy phát triển dịch vụ biển của logistics sau cảng, để hình thành khu kinh tế mở hay khu vực mậu dịch tự do. Nhiều ý kiến đồng tình tỉnh Đồng Nai là nơi thích hợp nhất để thực hiện chủ trương trên. Như vậy, các cơ quan hữu trách ở tầm vĩ mô nên sớm định hình tổ chức mới để giúp địa phương và các ngành chuyên môn thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ.

Cảng trung chuyển quốc tế, khu kinh tế mở, hay khu vực mậu dịch tự do đều là hậu cứ của cảng biển, vì những nơi này diễn ra sự cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng cho các DN hoạt động logistics, song chúng ta đang thiếu. Đó chính là điểm yếu của VN trong quá trình phát triển hệ thống cảng biển nước sâu. Tầm nhìn mới về thế giới hiện nay không chỉ đơn thuần là đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông mà phải quan tâm đặc biệt đến cơ chế, chính sách cũng như luật lệ thông thoáng phù hợp với tập quán và hành lang pháp lý quốc tế trong quá trình hội nhập, nhằm đưa một nước đang phát triển đi nhanh lên thành quốc gia công nghiệp hùng mạnh.

Một nền kinh tế thiếu sức cạnh tranh đó là nền kinh tế đang “Sập bẫy thu nhập trung bình”, dẫm chân tại chỗ, tiến dần đến giảm phát… nếu như chậm cơ cấu lại các ngành sản xuất kinh doanh.

Với kim ngạch xuất khẩu khoảng 10,9 tỷ USD/năm và tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp 2,04 lần cả nước, thu ngân sách đạt bình quân 33.000 tỷ đồng/năm. Kỳ vọng Đồng Nai sẽ vươn lên mạnh mẽ trong tương lai.

Người xưa từng nói rằng: “Rồng chầu ngoài Huế - Ngựa tế Đồng Nai”. Nghiệm ra vẫn còn ý nghĩa trong thời đại đổi mới đất nước.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: điểm sáng phát triển logistics Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO