Dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư 38/2015/TT-BTC (Phần 1)

03/10/2017 08:55

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Thông tư số 38/2015/TT-BTC (Thông tư 38) của Bộ Tài chính có hiệu lực ngày 1.4.2015 nhìn chung đáp ứng được các yêu cầu về quản lý hải quan, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK). Tuy nhiên, một vài điều luật vẫn chưa chặt chẽ dẫn đến dễ bị lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại. Để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi Thông tư 38 bổ sung nhiều nội dung mới quy định chặt chẽ hơn.

(Vietnam Logistics Review)Thông tư số 38/2015/TT-BTC (Thông tư 38) của Bộ Tài chính có hiệu lực ngày 1.4.2015 nhìn chung đáp ứng được các yêu cầu về quản lý hải quan, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK). Tuy nhiên, một vài điều luật vẫn chưa chặt chẽ dẫn đến dễ bị lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại. Để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi Thông tư 38 bổ sung nhiều nội dung mới quy định chặt chẽ hơn.

Những thay đổi khi khai bổ sung

Quy định hiện hành chưa có nội dung quy định về việc khai bổ sung trong trường hợp gửi thừa hàng, nhầm hàng. Trên thực tế, có hiện tượng các đối tượng buôn lậu lợi dụng quy định về việc khai bổ sung để cố tình khai sai tên hàng, mã số, chủng loại, số lượng để trốn tránh nghĩa vụ thuế, trốn thực hiện các chính sách mặt hàng và phân luồng. Nếu cơ quan Hải quan thực hiện việc chuyển luồng tờ khai hải quan hoặc có thông tin về việc các cơ quan quản lý nhà nước khác phối hợp kiểm tra thì doanh nghiệp sẽ thực hiện việc khai bổ sung nhằm hợp thức hóa cho hành vi gian lận, buôn lậu. Do vậy, cần quy định biện pháp xác minh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh nghiêm chỉnh và ngăn chặn doanh nghiệp lợi dụng quy định để thực hiện hành vi buôn lậu. Để đảm bảo công bằng trong kinh doanh và thực thi pháp luật, ban soạn thảo dự kiến bổ sung quy định riêng về việc khai bổ sung, cụ thể:

Khi khai bổ sung trong thông quan, người khai hải quan được khai bổ sung hồ sơ hải quan trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo phân luồng tờ khai. Người khai hải quan phát hiện sai sót sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo phân luồng nhưng trước khi thông quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định về thuế, xử lý vi phạm hành chính. Người khai hải quan thực hiện khai bổ sung theo yêu cầu của cơ quan hải quan khi kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa thì bị xử lý theo quy định về thuế, xử lý vi phạm hành chính.

Khi khai bổ sung sau thông quan, người khai hải quan được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra. Người khai hải quan khai bổ sung quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan hoặc sau khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định về thuế, xử lý vi phạm hành chính.

Khi khai bổ sung hàng gửi nhầm, thừa phải nộp hồ sơ gồm: Văn bản xác nhận gửi nhầm, gửi thừa của người gửi hàng, Hợp đồng mua bán, Hóa đơn thương mại, Vận đơn, Chứng từ thanh toán.

Hạn chế hủy tờ khai hải quan

Tại Khoản 1 Điều 22 Thông tư 38 quy định, một số trường hợp cơ quan Hải quan sẽ tự hủy tờ khai khi quá hạn 15 ngày mà người khai hải quan chưa có hàng hóa đưa vào khu vực giám sát hải quan hoặc chưa thực hiện thủ tục kiểm tra hải quan với cơ quan Hải quan. Trên thực tế, lợi dụng quy định này, một số doanh nghiệp sau khi mở tờ khai hải quan, biết kết quả phân luồng đã cố tình không nộp chứng từ hoặc xuất trình hàng hóa có khả năng vi phạm (khai sai, khai không đúng…) để cơ quan Hải quan kiểm tra mà chờ tờ khai hết hạn hiệu lực để mở tờ khai mới; hoặc đi đăng ký tờ khai mới ngay và để tờ khai cũ tự hết hiệu lực. Như vậy, việc hủy tờ khai cũ cũng đã giúp doanh nghiệp hợp thức hóa được hành vi gian lận. Bên cạnh đó, văn bản hiện hành chưa có quy định về việc hàng hóa nhập khẩu đã đăng ký tờ khai, chưa hoàn thành thủ tục hải quan nhưng có nhu cầu tái xuất. Theo dự kiến sửa Khoản 13 Điều 1 Thông tư 38 về việc hủy tờ khai hải quan theo hướng doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị và hồ sơ chứng từ đề nghị hủy tờ khai hải quan gửi qua Cổng dịnh vụ công trực tuyến, Bỏ quy định cơ quan Hải quan tự hủy tờ khai hải quan, khi nhập khẩu: chỉ cho phép hủy tờ khai nếu quá 15 ngày đăng ký tờ khai mà hàng hóa chưa về đến cửa khẩu. Các trường hợp khác đều không thuộc trường hợp hủy.

Siết chặt quy định đưa hàng về bảo quản

Hiện tại, việc đưa hàng về bảo quản được thực hiện trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành. Người khai hải quan tự chịu trách nhiệm bảo quản hàng hóa, không quy định cụ thể các điều kiện cần đáp ứng về khu vực lưu giữ hàng hóa đưa về bảo quản. Trên thực tế đã phát sinh một số trường hợp vi phạm như: Hàng hóa đang trong quá trình bảo quản đã được đưa vào tiêu thụ; Hàng hóa đã có kết quả nhưng chưa làm tiếp thủ tục hải quan để thông quan đã đưa vào tiêu thụ; Không bảo quản đúng địa điểm đã đăng ký; Địa điểm đã đăng ký không đảm bảo điều kiện giám sát hải quan… Để hạn chế những bất cập nêu trên, dự kiến nội dung sửa đổi lần này theo hướng: Giấy đăng ký kiểm tra chuyên ngành có nêu rõ địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu, Địa điểm bảo quản hàng hóa, địa điểm kiểm tra chuyên ngành là kho, bãi có địa chỉ rõ ràng, được ngăn cách với khu vực xung quanh đảm bảo việc bảo quản nguyên trạng hàng hóa, được trang bị Hệ thống camera giám sát có chia sẻ hình ảnh với CQHQ, Địa điểm bảo quản hàng hóa phải được TCHQ kiểm tra, xác nhận.

(còn tiếp)


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư 38/2015/TT-BTC (Phần 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO