Huy động hơn 8.000 tỷ đồng xây dựng Nông thôn mới
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Diễn Châu đã huy động tổng vốn xây dựng nông thôn mới lên đến hơn 8.000 tỷ đồng, có 100% số xã ở Diễn Châu đã cán đích NTM, trong đó có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao...
Huyện Diễn Châu bắt tay xây dựng NTM trong điều kiện nhiều khó khăn, nhiều xã có xuất phát điểm thấp, nhận thức của người dân còn hạn chế, thâm chí cho rằng xây dựng NTM là một dự án đầu tư lớn của Nhà nước… và địa phương, người dân chỉ việc thụ hưởng.
Trước thực trạng đó, cấp ủy chính quyền địa phương, MTTQ trên địa bàn huyện đã tập trung tuyên truyền, triển khai nhiều giải pháp, tạo đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện, kể từ đó xây dựng NTM được triển khai rộng khắp trong toàn huyện.
Ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Diễn Châu đã lựa chọn 3 xã: Diễn Tháp, Diễn Hồng, Diễn Phong làm điểm chỉ đạo xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Từ về đích của 3 xã điểm theo đúng kế hoạch với những đổi thay diện mạo nông thôn đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tại các địa phương. Kết quả đến hết năm 2015 đã có 13 xã được công nhận xã NTM.
Gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Diễn Châu đã xây dựng các nghị quyết, đề án phù hợp với đặc điểm lợi thế của từng vùng, từ việc bố trí lại sản xuất đến việc đưa các loại cây trồng để mang lại thu nhập cao cho người dân. Cũng là hạt lúa, hạt lạc, con lợn, con gà truyền thống vốn rất quen thuộc nhưng nay đã đem lại hiệu quả kinh tế cao bất ngờ nhờ sắp xếp tổ chức lại sản xuất, tận dụng được sự ưu việt của mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Cùng với đó việc ứng dụng công nghệ, hợp tác sản xuất mà những mặt hàng nhỏ lẻ đơn sơ, từ các miền quê mộc mạc bỗng trở thành đặc sản được nhiều người yêu mến tìm mua, nhiều sản phẩm nhận được nhiều giải thưởng cao quý chất lượng do các cấp bộ, ngành trung ương tổ chức.
Với kiến thức được học, trở về quê với ước mơ nâng cao giá trị các loại nông sản đặc trưng của quê hương, chị Đặng Thị Tâm đã lựa chọn con đường khởi nghiệp bằng việc phát triển nông nghiệp sạch, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao. Đến nay chị đã xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín từ trồng trọt đến chế biến. Từ những loại rau củ quả trên đồng ruộng tự trồng, chị đã chế biến ra 10 loại mì hương vị rau củ hữu cơ. Sản phẩm được chứng nhận về tính an toàn của nhiều ngành chức năng trong và ngoài nước, hiện đã có mặt tại thị trường 50 tỉnh thành và xuất khẩu sang một số nước có yêu cầu cao về chất lượng.
Cách đây 10 năm, đại bộ phận gia đình nông dân Diễn Châu mức thu nhập 100 triệu đồng/năm chỉ là niềm mơ ước nhưng nay đó là chuyện bình thường. Có làng đã xóa sạch hộ nghèo, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi ngày một tăng, thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng không phải là hiếm. Hiện thu nhập bình quân đầu người Diễn Châu đã đạt hơn 60 triệu đồng/năm. Rõ ràng đó là những thành quả thực tế, có khả năng tạo ra những làn sóng lan tỏa, sức hấp dẫn cho NTM ngày càng thêm mới ở Diễn Châu.
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Diễn Châu luôn đặc biệt quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng các thiết chế văn hóa. Các làng xóm thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn nề nếp, lối sống quê hương. Khắp các làng quê đều văng vẳng thanh âm, nhịp hò khoan ví giặm, khúc ca trù... đã trở thành hồn cốt, chất chứa bao tâm sự, hun đúc bao tâm hồn lớn lên ở vùng quê Diễn Châu.
Thực tế cũng cho thấy chặng đường hơn 10 năm, công cuộc xây dựng NTM vẫn còn nhiều bộn bề, trăn trở. Tuy nhiên những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Diễn Châu đạt được là niềm tin, động lực để tiếp tục vươn lên ở chặng đường phía trước. Khép lại một giai đoạn xây dựng NTM với nhiều điểm sáng. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Diễn Châu càng tự hào và thêm động lực để đưa mảnh đất Diễn Châu phát triển.
Xây dựng Diễn Châu trở thành đô thị cấp thị xã trước năm 2030
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 2485/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Diễn Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, Diễn Châu là vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm gắn với Khu kinh tế Đông Nam, có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng của vùng trung tâm phía Đông của tỉnh Nghệ An.
Theo quy hoạch được phê duyệt, Diễn Châu là vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm gắn với Khu kinh tế Đông Nam, có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng của vùng trung tâm phía Đông của tỉnh; đóng vai trò, chức năng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ cung cấp các dịch vụ cho vùng liên huyện.
Định hướng xây dựng Diễn Châu trở thành đô thị cấp thị xã trước năm 2030, phát triển kinh tế chủ đạo về đô thị dịch vụ, công nghiệp, thương mại, du lịch biển - sinh thái nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan thiên nhiên và các di tích văn hóa lịch sử. Phát triển hài hòa với kinh tế nông, lâm, ngư cùng với kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng.
Quy hoạch định hướng phân thành 2 vùng phát triển không gian, theo hướng vừa kết nối với tổng thể phát triển chung của tỉnh, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng của địa bàn khu vực.
Cụ thể: Phân vùng I (vùng phía Bắc) gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Diễn Châu và các xã: Diễn Hoa, Diễn Thành, Diễn Ngọc, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Kỷ, Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Tân, Diễn Tháp, Diễn Nguyên, Diễn Thái, Diễn Đồng, Diễn Xuân, Diễn Liên, Diễn Hồng, Diễn Phong, Diễn Mỹ, Diễn Hoàng, Diễn Hùng, Diễn Hải, Diễn Yên, Diễn Đoài, Diễn Lâm, Diễn Trường, Diễn Quảng, Diễn Hạnh, Diễn Cát. Tổng diện tích 195,31km2.
Đây là vùng kinh tế tổng hợp, hạt nhân thúc đẩy quá trình đô thị hóa hình thành thị xã Diễn Châu. Lấy đô thị trung tâm là đô thị Phủ Diễn, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của vùng. Tập trung phát triển vùng theo hướng đô thị dịch vụ thương mại tổng hợp, du lịch và kinh tế biển.
Đây cũng là vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng sản xuất huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu, chế biến nông lâm sản, du lịch và công nghiệp.
Phân vùng II (vùng phía Nam) gồm các xã: Diễn Thịnh, Diễn Lộc, Diễn Trung, Diễn An, Diễn Thọ, Diễn Phú, Minh Châu, Diễn Lợi. Tổng diện tích 111,59km2.
Định hướng phát triển chính gắn với định hướng phát triển của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành một trong những khu vực động lực phát triển của tỉnh. Trọng tâm là phát triển công nghiệp đô thị, dịch vụ và du lịch như: Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và thể thao phía Nam đường N2, khu sân golf, du lịch hồ Xuân Dương (Diễn Phú)...
Quy hoạch cũng định hướng cụ thể về phát triển không gian đô thị, phát triển nông thôn; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; phát triển nông nghiệp; phát triển thương mại dịch vụ; phát triển du lịch.
Đồng thời định hướng quy hoạch sử dụng đất toàn huyện, phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật.