Ngày 5.4 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã họp bàn về quy hoạch đầu kỳ tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai. Theo quy hoạch, đường sắt này sẽ tồn tại song song cả tuyến cũ và mới. Trong đó, tuyến mới đảm nhận vận chuyển hàng hóa và toàn bộ hành khách, được xây dựng khổ tiêu chuẩn 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ tàu khách đạt 160km/h, tàu hàng 90km/h. Về lâu dài, tuyến mới sẽ làm đường đôi, điện khí hóa tập trung. Bộ GTVT đang tích cực đàm phán với Trung Quốc để thống nhất phương án nối ray, kết nối khổ đường để có thể ưu tiên đầu tư xây dựng trước.
Sẵn sàng đón lấy cơ hội vì “con đường tơ lụa” đã manh nha
Tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam sang Trung Quốc và nối đến Kazakhstan - Liên bang Nga – EU là một tín hiệu đầy triển vọng.
Hướng tới tạo ra sản phẩm vận tải mới phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với các nước thuộc liên minh kinh tế Á - Âu, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với Đường sắt Kazakhstan và Đường sắt Nga tổ chức Hội nghị chuyên gia vào ngày 3 – 4.3.2017 tại Hà Nội nhằm thống nhất hành trình chạy tàu và các điều kiện lập các đoàn tàu container. Trên tinh thần đã có tám tuyến hành trình ưu tiên bắt đầu từ Hà Nội đến Nga và kể cả Đức đã được các bên xác định trong buổi hội nghị này.
Triển vọng hợp tác với Đường sắt Kazakstan, Đường sắt Nga và Đường sắt Trung Quốc trong việc phát triển logistics trên tuyến đường sắt liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan - Liên bang Nga - EU là rất lớn.
Hiện nay, trong liên vận Trung Quốc - châu Âu - Trung Quốc đã chạy các đoàn tàu container quá cảnh Kazakhstan trên các hành trình sau: Trùng Khánh - Duisburg (Liên bang Đức) - Trùng Khánh; Vũ Hán - Hamburg (Liên bang Đức) - Vũ Hán, Thành Đô - Lodz (Ba Lan) - Thành Đô; Thành Đô - Nürnberg (Liên bang Đức); Vũ Hán - Pardubice (Séc); Hamburg (Liên bang Đức) - Trịnh Châu; Nghĩa Ô - Madrid (Tây Ban Nha) – Nghĩa Ô; Hợp Phì - Hamburg (Liên bang Đức); Lan Châu - Hamburg (Liên bang Đức) - Lan Châu. Thời gian chạy các đoàn tàu container chuyên tuyến nói trên trung bình là 17 - 18 ngày đêm, rút ngắn thời gian so với đường biển là 28 - 30 ngày đêm.
Qua những thảo luận sơ bộ, dự án này hiện đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Đại sứ quán của Azerbaijan với Việt Nam, Lào và Cambodia. Theo đó, Ngài Đại sứ Anar Imanov đã bày tỏ sự ủng hộ rằng, dự án có tầm chiến lược quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với Azerbaijan, cũng như với các nước châu Âu và vùng biển Đen thông qua tuyến đường sắt Á - Âu mà Azerbaijan là một mắt xích.
Một số khó khăn... cần tháo gỡ
Mặc dù tiềm năng rất lớn, nhưng một số khó khăn hiện tại cần được tiếp cận và giải quyết nhằm xúc tiến việc đi vào triển khai dự án trên. Cụ thể:
Khó khăn đầu tiên là về mặt kỹ thuật việc chuyển hàng nơi cửa khẩu của hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Hiện tại phải chuyển container lên các đoàn tàu khác nhau vì không cùng khổ đường ray. Ví dụ: Cửa khẩu Đồng Đăng – Bằng Tường, phía VN khổ đường 1.000m còn phía Trung Quốc là 1.435m. Tuyến Lào Cai - Hà Khẩu, phía VN đường lồng có khổ 1.435m nhưng hiện nay chưa thống nhất điểm nối ray với Trung Quốc, còn khoảng 4 - 6km đang được nghiên cứu xây dựng. Vấn đề nối ray và điểm nối ray cần được cơ quan hai nước tích cực đàm phán bởi đây không chỉ liên quan đến vấn đề biên giới mà phía đường sắt Trung Quốc cũng phải đầu tư làm đường lồng đến điểm nối ray. Đi kèm đó còn các vấn đề về mặt chi phí vận hành như: phí nâng hạ container giữa các điểm trung chuyển, phí CIC phát sinh do sự mất cân bằng thương mại 2 chiều, đồng thời sẽ có một nhu không nhỏ lượng container rỗng để sẵn sàng cho các chủ hàng Việt Nam sử dụng.
Vấn đề thứ hai là thời gian chuyển khẩu kéo dài, cộng với việc làm thủ tục chưa thật thuận lợi, mỗi bên có thể mất vài ngày. Chính vì vậy, việc kết nối và đơn giản hóa thủ tục quá cảnh tại các quốc gia trung chuyển sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình này. Tinh thần hỗ trợ của Đại sứ quán Azerbaijan là một tín hiệu tốt để bắt đầu.
Kế đến là vấn đề phổ biến thông tin xúc tiến thương mại giữa 2 khu vực VN và Trung Á. Bộ Công Thương cần chủ động tổ chức các hội thảo, hội chợ về tiềm năng thương mại của VN và các nước Trung Á để kích hoạt thương mại. Các nhà xuất nhập khẩu, chủ hàng cần được thông tin nhiều hơn để mạnh dạn chuyển đổi từ đường biển sang đường bộ. Do đó, VLA sẽ sẵn sàng trở thành đầu mối kết nối các nhà vận tải, các nhà cung cấp dịch vụ logistics của VN và các đồng nghiệp ở Trung Á trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm vận tải giữa 2 khu vực.
Và cuối cùng, sự tăng cường hợp tác và ủng hộ của các Chính phủ có liên quan trong tuyến đường này đối với việc nối chuyến liên tục và tạo thuận lợi cho thủ tục ở ga biên giới là một thách thức lớn.