(Vietnam Logistics Review)Hội thảo “E-Logistics Việt Nam sẵn sàng cất cánh?” đã diễn ra vào sáng 01.11.2016 tại Tp.HCM, với sự góp mặt của các chuyên gia trong lĩnh vực giao nhận điện tử, nhằm mổ xẻ thực trạng cũng như xu hướng của E-Logistics Việt Nam hiện nay.
Trong hội thảo, từ nguồn thống kê thực tế của Ngân hàng thế giới hiện nay, xu hướng thương mại điện tử đang dần chiếm lĩnh thị trường thay cho thương mại truyền thống, nhất là khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Từ đó kéo theo sự phát triển của ngành giao nhận vận tải và chuỗi cung ứng.
Toàn cảnh hội thảo
Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam các chuyên gia cũng nêu rõ những tồn đọng làm hạn chế tốc độ tăng trưởng: Là do không chủ động được sự biến động của lượng đặt hàng, nguồn thanh toán tiền tin cậy, và trên hết là sản phẩm không đạt chất lượng theo đúng như giới thiệu và nhiều rủi ro khác từ phía khách quan…
Khó khăn bên cạnh là ngành logistics Việt Nam chiếm khoảng 25% trong GDP. Còn trong thương mại điện tử chi phí giao nhận thường chiếm 10% giá trị một món hàng trung bình khoảng 400.000 đồng. Tỉ lệ này tương đối cao và là nguyên nhân chính làm giảm đi sức cạnh tranh của kênh bán hàng trực tuyến khi có đến 40% khách hàng cho rằng mua sắm trên mạng không rẻ hơn so với mua sắm truyền thống.
Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam
Hiện nay, dẫn đầu về lĩnh vực thương mại điện tử là hai “ông trùm” Amazon và Alibaba, tại Việt Nam có hơn 300.000 fanpage đang hoạt động và hơn 9.400 website bán hàng được đăng ký. Theo Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (Vecita), doanh thu bán hàng thương mại điện tử trong năm 2015 đạt 4,07 tỉ USD, chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với tỉ lệ tăng trưởng trên 30% thì vấn đề đặt ra là giao nhận điện tử có phục vụ được nhu cầu này không?
Câu trả lời vẫn nằm ở thì tương lai, tuy nhiên hiện các công ty giao nhận đang “đánh cược” với dịch vụ này trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam rất sôi động. Điển hình như sàn giao dịch vận tải Vinatrucking, Viettruck… Theo chia sẻ thì hiện tại các doanh nghiệp vẫn phải giải bài toán dịch vụ hậu cần kho vận, vượt ra khỏi các khó khăn về chi phí đầu tư, khoảng cách địa lý, thời gian giao hàng... thì mới mong E-Logistics “cất cánh” theo kịp xu hướng.