Giải pháp hạn chế tình trạng quá tải

01/01/1970 08:00

(VLR) Hiện nay, vấn đề đặt ra là tại sao trong nhiều năm qua, với đầy đủ các văn bản từ Luật đến Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, thậm chí Nghị định xử phạt hành chính được thay đổi, bổ sung hàng năm theo chiều hướng ngày càng tăng nặng mức phạt nhưng vấn không giải quyết được vấn đề xe chở quá tải, tình trạng xe chở hàng quá tải đang trở nên phổ biến và trầm trọng trên phạm vi cả nước?

Hiện nay, vấn đề đặt ra là tại sao trong nhiều năm qua, với đầy đủ các văn bản từ Luật đến Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, thậm chí Nghị định xử phạt hành chính được thay đổi, bổ sung hàng năm theo chiều hướng ngày càng tăng nặng mức phạt nhưng vấn không giải quyết được vấn đề xe chở quá tải, tình trạng xe chở hàng quá tải đang trở nên phổ biến và trầm trọng trên phạm vi cả nước?

TÌNH TRẠNG QUÁ TẢI NGÀY CÀNG NGHIÊM TRỌNG

Nhiều văn bản, luật đã được ban hành như: Luật giao thông đường bộ được Quốc Hội thông qua năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính Phủ và Bộ GTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ là cần thiết để hướng đến mục đích là bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Thậm chí, mỗi lần sửa đổi chế tài xử phạt hành chính càng cao thì xe lại chở hàng quá tải lại càng nhiều và mức độ quá tải ngày càng nghiêm trọng!

Hệ quả của vấn nạn xe chở hàng quá tải là hạ tầng giao thông, cầu đường bộ thì nhanh chóng xuống cấp, an toàn giao thông thì không bảo đảm được, nguy cơ tai nạn ngày càng gia tăng, dư luận xã hội ngày càng bức xúc. Đồng nghĩa với hệ quả đó là vị trí của người lái xe, doanh nghiệp vận tải thì ngày càng xuống thấp, gần như xã hội đã quên mất vai trò của ngành giao thông vận tải một thời được ví là “mạch máu của nền kinh tế”, được Nhà nước chú trọng tập trung ưu tiên phát triển.

Nguyên nhân sâu xa cũng là do quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chế tài xử phạt hành chính áp dụng chưa đúng đối tượng, chưa đủ sức răn đe, phương thức kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe chưa phù hợp. Còn thiếu quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các cá nhân, đơn vị có liên quan đến hoạt động xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa như chủ hàng, chủ phương tiện, khu công nghiệp, khu chế xuất, kho tàng, bến cảng... và các lực lượng kiểm tra, xử phạt như Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông nên chưa đạt kết quả như mong muốn.

GIẢI PHÁP HẠN CHẾ QUÁ TẢI

Để giải bài toán chống xe chở hàng quá tải cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, cả về pháp lý lẫn kinh tế xã hội mới hi vọng đạt được hiệu quả như mong muốn:

Việc kiểm tra tải trọng xe phải có lộ trình cụ thể, cần triển khai từng bước, trước mắt nên tập trung áp dụng đối với các loại xe có mức quá tải lớn

Kế hoạch kiểm tra phải gắn với tuyên truyền, thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng để các DN vận tải, chủ hàng, các hãng tàu và cảng sông, cảng biển biết rõ để chủ động phối hợp và có phương án sắp xếp phương án giải phóng hàng hóa cho hợp lý. Thực tế hiện nay, xe chở hàng quá tải đã trở thành một tiền lệ xấu, phần lớn các phương tiện vận tải đang chở quá tải ở mức trên 50%, thậm chí quá tải ở mức trên 100% so với quy định. Vì thế, nếu việc kiểm tra tải trọng đột xuất, theo đợt, không có lộ trình sẽ buộc các phương tiện phải tạm thời đối phó buộc phải chở hàng đúng tải nếu kiểm tra một cách đồng bộ và liên tục. Điều này sẽ dẫn đến năng lực giải phóng hàng hóa tại các cảng bị chậm lại, rất dễ gây ách tắc hàng hóa. Muốn năng lực xếp dỡ hàng hóa tại các cảng không bị xáo trộn bắt buộc phải đưa thêm một số lượng phương tiện lớn vào hoạt động (ít nhất cũng tương ứng trên 50% so với hiện nay). Tuy nhiên, với hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay, đặc biệt là tại các thành phố lớn thì việc tăng thêm số lượng phương tiện vận tải vào hoạt động rất dễ gây nên ùn tắc giao thông cục bộ. Do vậy trước mắt Nhà nước chỉ nên tập trung kiểm tra xử phạt đối với các loại xe có mức độ quá tải lớn, sau đó mới áp dụng đối với xe tải nhỏ và xe container.

Phải thay đổi đối tượng xử phạt, thêm trách nhiệm pháp lý của chủ hàng, chủ xe và các đối tượng có liên quan

Quy định hiện hành về đối tượng áp dụng chế tài xử phạt hành vi chở hàng quá tải được quy định cụ thể tại các điều 27, điều 36 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP; các quy định tại mục 7 và mục 9 trong Nghị định số 71/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là “Người điều khiển phương tiện”. Hình thức xử phạt chính bằng tiền tùy theo mức độ xe chở quá tải, tuy nhiên với thực tế mức quá tải đang phổ biến trên 30% như hiện nay thì khoản tiền phạt được áp dụng từ 3 đến 5 triệu đồng, tước GPLX từ 30 đến 60 ngày chỉ càng làm tăng thêm khó khăn cho bản thân người lái xe và gia đình họ, chứ thực ra không thể “phòng ngừa” buộc họ chở hàng đúng tải được. Thực chất lái xe chỉ là người lao động, ký hợp đồng làm thuê cho DN. Nguyên nhân chở hàng quá tải là câu chuyện của giới chủ hàng và chủ xe do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh bằng cách chở hàng quá tải để giảm giá cước. Do vậy, lỗi do giới chủ gây ra mà đi phạt người làm công là chưa thuyết phục, chưa công bằng, vì thế cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung lại đối tượng áp dụng xử phạt do hành vi xe chở hàng quá tải cho phù hợp.

DN vận tải có trách nhiệm đưa xe đúng tải trọng thiết kế, bảo đảm an toàn kỹ thuật và đủ tiêu chuẩn an toàn vè môi trường vào để vận chuyển hàng hóa. Chủ hàng (thông qua thủ kho hoặc người cấp hàng) có trách nhiệm xếp hàng đúng tải trọng của từng chiếc xe do chủ xe cung cấp. Trách nhiệm pháp lý cụ thể giữa chủ hàng và chủ xe được xác nhận thông qua hợp đồng dịch vụ vận chuyển và biên bản giao nhận hàng hóa cụ thể của từng chuyến hàng. Bên nào vi phạm bên đó phải chịu chế tài xử phạt theo quy định. Cần thiết phải áp dụng chế tài xử phạt nặng đánh trực tiếp vào lợi ích kinh tế của chủ hàng và chủ xe để buộc chấp hành pháp luật, thậm chí tái phạm nhiều lần có thể bị áp dụng chế tài xử phạt bổ sung là bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Thông qua chế tài xử phạt nặng áp dụng cho tất cả các bên có liên quan, sẽ từng bước góp phần xây dựng được ý thức trách nhiệm của chủ hàng và chủ xe trong việc chấp hành pháp luật liên quan đến việc xếp hàng, chở hàng đúng tải.

Thay đổi phương thức kiểm tra tải trọng xe, tập trung kiểm tra tại các điểm xuất phát hàng, hạn chế việc kiểm tra tải trọng trên đường dễ phát sinh tiêu cực

Việc áp dụng chế tài hạ tải dọc đường thì hết sức phức tạp và khó khăn cho lược lượng kiểm tra: như dễ gây ách tắc giao thông, thiếu phương tiện, công cụ và lực lượng xếp dỡ hàng hóa, thiếu bến bãi, kho hàng, thậm chí trong một số trường hợp xe chở container hàng hóa xuất nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện đã kẹp “seal” chì của hải quan thì không thể hạ tải dọc đường được... Vì thế, cần phải quy định cơ chế phối hợp cho các lực lượng chức năng được quyền vào các kho tàng, bến bãi, cảng, khu công nghiệp, khu chế xuất… để kiểm tra tải trọng ngay các điểm xuất phát hàng.

Việc kiểm tra tải trọng xe phải gắn liền với việc công nhận tải trọng thiết kế của phương tiện, đặc biệt là cần phải ghi nhận tải trọng xe chuyên dụng đầu kéo kéo sơ mi-rơ moóc chở container và hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Để bảo vệ cầu đường bộ pháp luật quy định về giới hạn tải trọng trục xe và giới hạn tổng trọng tải xe, và bảm đảm an toàn cho phương tiện vận tải, nhà nước quy định về tải trọng thiết kế của phương tiện. Tuy nhiên, hiện nay vì lấy lý do cầu đường chưa đồng bộ nên việc tải trọng đăng ký, đăng kiểm phương tiện vận tải đang bị hạn chế. Điều này gây khó khăn cho DN vận tải trong việc chấp hành pháp luật. Thực tế trong nhiều trường hợp DN buộc phải vi phạm pháp luật về lỗi quá tải do quy định thiếu thực tế của cơ quan nhà nước.

Ví dụ, DN chở hàng xuất nhập khẩu đóng trong container 40 feet hoặc 20 feet ( có trọng lượng tối đa không quá 32,480kg hàng, bao gồm vỏ cont), đã sử dụng đầu kéo và thiết bị sơ mi-rơ moóc loại 3 trục, tức là loại xe chuyên dụng có trục, với tổng trọng tải cho phép theo thông tư 03/2011/TT-BGTVT do Bộ GTVT ban hành ngày 22.2.2011 tối đa là 48 tấn. Tuy nhiên, do Cục Đăng kiểm hạn chế tải trọng của thiết bị sơ mi-rơ moóc là 28 tấn nên DN vẫn bị xử phạt về quá tải trọng thiết kế. Nghĩa là, với thực tế vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu hiện nay, cùng với DN vận tải đã đưa phương tiện tối đa về giới hạn tải trọng vẫn bị vi phạm. Điều này là vô lý, vì vậy cần phải ghi nhận đúng tải trọng thiết kế của nhà sản xuất để cho phương tiện và thiết bị vận tải đủ tải để chở hàng hóa thông dụng. Còn nơi nào cầu, đường yếu thì nhà nước gắn thêm biển báo để hạn chế tải trọng làm cơ sở cho DN, lái xe thực hiện. Chứ không nên hạ tải trọng thiết kế trên giấy đăng ký, sổ đăng kiểm một cách chung chung như hiện nay được, gây khó khăn và thiệt hại cho DN.

Kiểm tra tải trọng xe phải triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước, kiểm tra liên tục và lâu dài để bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật

Kế hoạch kiểm tra tải trong xe phải áp dụng một cách đồng bộ, thực hiện liên tục và lâu dài trên phạm vi cả nước để bảo đảm sự bình đẳng cho các DN vận tải. Không nên kiểm tra trong một thời gian ngắn theo từng đợt để đối phó với chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các địa phương, mỗi năm hai đợt tăng cường kiểm tra tải trọng xe tương ứng với hai lần Ủy ban chủ trì sơ kết công tác an toàn giao thông trên địa bàn như cách làm hiện nay. Không kiểm tra liên tục và lâu dài thì xong mỗi đợt kiểm tra, xe chở hàng quá tải lại cứ diễn ra như thường, điều này dẫn đến tâm lý đối phó và “chờn luật” trong giới lái xe và DN vận tải.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp hạn chế tình trạng quá tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO