Sự hình thành và phát triển của các trung tâm logistics (TT logistics) ngày nay tạo điều kiện cho quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa được thực hiện một cách nhanh chóng, hợp lý và hiệu quả. Các TT logistics có vai trò thúc đẩy các ngành sản xuất và tiêu dùng phát triển, sự gia tăng các hoạt động xuất nhập khẩu, sự gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại… những hoạt động này kích thích sự phát triển nhu cầu tiêu dùng, gia tăng khối lượng sản phẩm tiêu dùng và kéo theo sự gia tăng chất thải gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Sự hình thành của các TT này cũng gây những hệ lụy trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường, vì vậy, việc phát triển các TT logistics cần phải có các giải pháp bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết và quan trọng.
ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH TT LOGISTICS XANH
TT logistics là một trong số các loại hình hạ tầng thương mại tập trung qui mô lớn, trong quá trình hoạt động luôn có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Do đó, phương hướng bảo vệ môi trường trong phát triển hệ thống TT logistics cần bảo đảm các điều kiện:
1, Việc phát triển TT logistics cần được tiến hành trên cơ sở phù hợp với quá trình thực hiện qui hoạch tổng thể phát triển thương mại cả nước, qui hoạch các hệ thống kết cấu hạ tầng khác, nhất là qui hoạch ngành giao thông, qui hoạch đô thị, qui hoạch dân cư,…
2, Phát triển TT logistics phải gắn với yêu cầu nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề môi trường của các cơ quan có thẩm quyền về quản lý qui hoạch, cấp phép đầu tư và quản lý môi trường.
Theo qui định tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP; Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT, các chủ dự án có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều chủ đầu tư đã không thực hiện đầy đủ những quy định này nhưng vẫn được cấp phép.
Thực tế cho thấy, để gắn quá trình thực hiện qui hoạch ngành thương mại nói chung và phát triển hệ thống TT logistics nói riêng cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Trách nhiệm đó thể hiện ở năng lực thẩm định các dự án đầu tư, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, bao gồm cả năng lực thẩm định về tác động môi trường; có cơ chế kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư xây dựng TT logistics kiên quyết xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đồng thời cũng thường xuyên cập nhật những thông tin phản hồi để hoàn thiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường.
3, Phát triển TT logistics phải gắn với việc nâng cao trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường của các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Vốn xây dựng các TT logistics được huy động tích cực từ mọi nguồn lực của xã hội, trên cơ sở bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút đầu tư của các DN, kể cả DN FDI.
Việc nâng cao trách nhiệm xã hội về môi trường của các DN đầu tư kinh doanh hệ thống TT logistics không chỉ đảm bảo phòng ngừa tác động xấu đến môi trường, mà còn phát huy mặt tích cực của các DN trong việc cải thiện môi trường. Chẳng hạn, trong không gian xây dựng TT logistics nếu DN đề cao trách nhiệm xã hội về môi trường, thì DN đó sẽ lựa chọn phương án đầu tư xây dựng hài hòa với cảnh quan, kiến trúc xung quanh và ngược lại.
4, Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra khá nhanh đang tạo nhiều áp lực về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, sự hình thành và phát triển của các TT logistics có qui mô lớn sẽ càng làm tăng áp lực về ô nhiễm môi trường và việc ứng phó với các sự cố môi trường. Do đó, thực hiện qui hoạch phải đi kèm với kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tác động đến môi trường trong quá trình hoạt động của TT logistics.
5, Hạn chế cấp phép đầu tư các TT logistics qui mô lớn tại các khu vực quá gần nội thị và khuyến khích phát triển ra khu vực ngoại vi đô thị để giảm thiểu lưu lượng vận tải, người và hàng hóa tập trung ở trung tâm đô thị, đồng thời nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề môi trường trên cơ sở bố trí hợp lý diện tích cây xanh, mặt nước trong khu vực dự án.
Theo xu hướng phát triển nói chung và phát triển hệ thống TT logistics nói riêng ở nước ta đến 2020, định hướng đến năm 2030, các vùng cần được quan tâm đánh giá là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng, Nam Trung bộ. Sự gia tăng các trung tâm logistics qui mô lớn càng tăng nguy cơ gây tác động đến môi trường.
Trong số các đô thị, trước hết cần tập trung mức độ quan tâm vào các TT logistics hạng I (cấp quốc gia, quốc tế) ở các vùng đặc biệt (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng). Tiếp đến là Trung tâm hạng II cấp vùng bám theo các vùng, tiểu vùng, hành lang kinh tế như: hành lang kinh tế ven biển Đông Bắc, hành lang kinh tế Hà Nội – Lào Cai, hành lang kinh tế đường 8, đường 12A và duyên hải Bắc Trung bộ, hàng lang kinh tế đường 19 và duyên hải Nam Trung bộ, tiểu vùng kinh tế Đông Bắc TP.HCM, tiểu vùng kinh tế trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, tiểu vùng kinh tế Đông Tây, và một số vùng có quy mô nhỏ hơn.
GIẢI PHÁP “XANH” TRONG PHÁT TRIỂN TT LOGISTICS
Về giải pháp kỹ thuật
Cần xác định vị trí xây dựng các công trình đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, tại những địa điểm có thể hạn chế tối thiểu từ những tác động của tự nhiên, tránh những khu vực dễ bị ngập lụt, sạt lở, khu vực có nguồn nước ngầm ô nhiễm,... Vị trí xây dựng phải bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ, thuận tiện cho việc chữa cháy, đề phòng nguy cơ cháy rừng và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; không gần trường học, bệnh viện, các cơ sở thuộc an ninh quốc phòng và các công trình khác có nhu cầu cách ly tiếng ồn. Bên cạnh đó, phương án thiết kế cũng phải đảm bảo giảm thiểu tác động môi trường như tăng diện tích cây xanh, hồ nước, tăng diện tích đường giao thông trong khu vực dự án, xây dựng khu vực thu gom, xử lý chất thải tại chỗ, bãi đỗ xe,...
Phải xây dựng, lắp đặt kiên cố và đầy đủ, đồng bộ theo các tiêu chuẩn – qui chuẩn hiện hành đối với các công trình như: khu vực vệ sinh, bể và hệ thống dẫn nước chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn (rác thải) và chất thải lỏng (nước thải) kèm theo qui trình, chế độ, công nghệ thu gom và xử lý chất thải phù hợp. Đặc biệt chú trọng đến hệ thống thu gom và xử lý chất thải từ các khu vực chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống, khu bảo quản các mặt hàng hóa chất,... Đối với các công trình có vị trí tương đối biệt lập cần có hệ thống xử lý chất thải tại chỗ, việc này đòi hỏi phải tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn, nhất là công tác phân loại chất thải rắn từ nguồn. Chú ý xây dựng phương án và đầu tư năng lực ứng cứu sự cố môi trường. Lắp đặt đầy đủ, đồng bộ thiết bị, phương tiện, công cụ chữa cháy. Thiết kế hệ thống cửa và đường thoát hiểm, cửa và đường cứu chữa khi xảy ra thảm họa theo đúng tiêu chuẩn – qui chuẩn hiện hành.
Giải pháp về quản lý
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tiếp tục nghiên cứu nhằm thể chế hóa các qui định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở thương mại, nhất là các cơ sở có qui mô lớn như TT logistics.
Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định các báo cáo về tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư xây dựng TT logistics trước khi các cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư và chứng nhận đầu tư.
Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của cơ quan chuyên trách công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là đánh giá tác động môi trường, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và tình hình hoạt động bảo vệ môi trường của hệ thống TT logistics.
Tăng cường vai trò của hệ thống tổ chức bảo vệ môi trường ở cấp cơ sở. Ban hành và thực thi quy chế bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế,... nhằm tăng cường hiệu lực quản lý và bảo vệ môi trường.
Đối với các DN kinh doanh dịch vụ, Ban Quản lý các TT logistics, cần phân công lãnh đạo phụ trách, thành lập tổ chuyên trách về các hoạt động bảo vệ môi trường của TT logistics. Đồng thời xây dựng kế hoạch hàng năm về các hoạt động bảo vệ môi trường; và thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường;...
Đặc biệt là chủ động lập kế hoạch, phương án, giải pháp và chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, nhân lực và các điều kiện hậu cần để ứng phó với sự cố môi trường (nếu xảy ra) và khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra. Đặc biệt, thực hiện thường xuyên và sát sao công tác quản lý môi trường ở các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ.
Tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ có kỹ năng quản lý qui hoạch và xây dựng gắn với phong trào phòng chống giảm nhẹ thiên tai, đồng thời có khả năng xử lý tình huống linh hoạt, ứng biến kịp thời khi có sự cố thiên tai.
Đối với các tổ chức xã hội, hiệp hội: phảixác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và từng cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. Và làm cầu nối giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Phổ biến và cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các DN, đồng thời phản ánh những nguyện vọng, đề xuất của các doanh nghiệp tới cơ quan Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân để nâng cao nhận thức cộng đồng và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.Vàtạo sự liên kết giữa các DN, ban quản lý các TT logistics trong việc tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời phản ánh tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền những sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư của các DN.