Giáo dục nghề nghiệp: Lời giải cho bài toán nhân lực ngành logistics

14/05/2018 14:22

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Hiện nay, nguồn cung từ các trường đại học, cao đẳng nghề chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp (DN) logistics cả về số lượng lẫn chất lượng. Mô hình Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từ chương trình Aus4Skills do Chính phủ Úc tài trợ đang mở ra hướng đi mới cho vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics tại Việt Nam.

(Vietnam Logistics Review) Hiện nay, nguồn cung từ các trường đại học, cao đẳng nghề chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp (DN) logistics cả về số lượng lẫn chất lượng. Mô hình Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từ chương trình Aus4Skills do Chính phủ Úc tài trợ đang mở ra hướng đi mới cho vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics tại Việt Nam.

Nhân lực ngành logistics đang thiếu và yếu

Trong rất nhiều buổi thảo luận cả ở cấp nhà nước như Hội thảo “Đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực về logistics” của Bộ Công Thương; hay ở cấp ngành như Diễn đàn “Đào tạo nguồn nhân lực logistics Việt Nam – VLET 2017” của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam/Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLA/VLI); đến những buổi talk show trên truyền hình VTV/HTV, thực trạng nguồn nhân lực cho ngành logistics Việt Nam được đề cập dưới nhiều góc độ. Dù ở cấp độ nào, mọi người đều đồng ý với nhận định: Nhân lực cho ngành logistics Việt Nam đang thiếu trầm trọng, nguồn cung từ các trường đại học, cao đẳng nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN logistics cả về số lượng lẫn chất lượng.

Tham quan Trường dạy nghề Sutton Road - Úc

Với đặc thù là một ngành dịch vụ, ngành logistics có cơ cấu nhân lực đòi hỏi kỹ năng tay nghề chiếm đến 70% - 80% bao gồm cả nhân viên văn phòng và nhân viên làm việc tại hiện trường như nhà kho, trung tâm phân phối, cảng, nhà ga hàng hóa… Những vị trí công việc này đa phần đòi hỏi nhân viên có chứng chỉ và bằng trung cấp, cao đẳng tuy nhiên vì chất lượng đào tạo của các trường chưa đáp ứng được yêu cầu đầu vào của DN nên DN tuyển người vào đào tạo lại trong đó có không ít người có bằng cấp đại học. Điều này dẫn đến một sự lãng phí lớn cho cả người học và người tuyển dụng.

Cần phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Kinh nghiệm từ hệ thống Giáo dục nghề nghiệp của Úc do chương trình Aus4Skills mang đến Việt Nam cho ta một cách tiếp cận và tư duy mới để đi tìm lời giải cho bài toán nói trên.

Học hỏi kinh nghiệm từ nước Úc

Chương trình Aus4Skills nằm trong dự án của Chính phủ Úc tài trợ dành cho Việt Nam, hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực, kỹ năng cho các lĩnh vực ưu tiên trong đó có giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hợp phần GDNN là một trong năm hợp phần của Chương trình Aus4Skills sẽ thí điểm ban đầu việc thúc đẩy sự tham gia của DN trong hoạt động GDNN ngành logistics, áp dụng tại khu vực TP. HCM và các tỉnh lân cận. Hiện nay, chương trình này đã hoạt động được gần một năm với sự tham gia tích cực của VLA; các DN như công ty Gemadept, công ty Sài Gòn Tân Cảng; các trường cao đẳng nghề như: Trường Cao đẳng Thủ Đức, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2, Trường cơ giới Thủy lợi Đồng Nai, Trường Cao đẳng Viễn Đông, Trường Trung cấp Nguyễn Hữu Cảnh và Trường Cao đẳng Kinh tế TP. HCM và một số đơn vị khác.

Tác giả và ông Robert Adams CEO của Australian Industry Standards - công ty chuyên viết các tiêu chuẩn nghề và chuẩn kỹ năng nghề của Úc - Văn phòng Melbourne

Tháng 3.2018, Aus4Skills tổ chức một chuyến tham quan thực tế dành cho thành viên Ban tư vấn đào tạo ngành logistics Việt Nam (được thành lập thí điểm theo mô hình của Úc và nằm trong khuôn khổ dự án), các thành viên Chính phủ đến từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Công Thương, VCCI. Là một thành viên nằm trong chuyến tham quan ấy, những điều mắt thấy tai nghe đã cho tôi những trải nghiệm thú vị và cái nhìn tổng quát về hệ thống GDNN của Úc, cách thức họ thiết lập, vận hành và tính hiệu quả đóng góp cho nền kinh tế Úc bằng một đội ngũ nhân lực có kỹ năng thực hiện công việc theo yêu cầu của thực tế.

Một số điểm quan trọng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Úc:

- Lấy DN làm trọng tâm, lấy ý kiến của họ để xây dựng nên khung chuẩn kiến thức và kỹ năng, yêu cầu về đánh giá và khung bằng cấp tùy theo yêu cầu của các vị trí công việc. Chuẩn kiến thức và kỹ năng luôn luôn được cập nhật theo thay đổi theo thực tế.

- Xây dựng bộ quy chuẩn nghề và kỹ năng nghề cho từng vị trí công việc. Sau khi được phê duyệt, đây chính là căn cứ để các cơ sở giảng dạy tiến hành việc giảng dạy và đánh giá; là căn cứ đầu ra của sinh viên, tương đương với đầu vào của DN.

- Lấy kỹ năng tay nghề, năng lực thực hiện công việc của sinh viên làm tiền đề giảng dạy và đánh giá.

- Sử dụng người có kinh nghiệm thực tiễn trong nghề làm công tác giảng dạy toàn thời gian hoặc bán thời gian.

- Môi trường giảng dạy luôn có những không gian như môi trường làm việc thực tế hoặc là không gian mô phỏng tại trường, hoặc là sinh viên được dạy ngay ở nơi làm việc của DN.

- Hệ thống bằng cấp nhất quán, giúp người học dễ dàng chuyển đổi công việc, học cao lên. Người học có nhiều lựa chọn cho con đường học tập và làm việc giúp họ dễ theo đuổi con đường học tập thông qua hệ thống GDNN phù hợp với hoàn cảnh cá nhân.

Cách đây 26 năm, nền GDNN của Úc cũng được thực hiện theo cách thức truyền thống như Việt Nam đang làm bây giờ. Trước nhu cầu về một đội ngũ nhân lực có tay nghề đáp ứng đủ cho các DN, người Úc đã “khăn gói quả mướp” sang châu Âu để nghiên cứu học hỏi về cách thức xây dựng và vận hành hệ thống GDNN. Ông Paul Wash, chuyên gia của dự án Aus4Skills chia sẻ: “Nếu như người Đức mất một trăm năm để xây dựng nên hệ thống GDNN như hiện nay, nước Úc học hỏi mất tới 26 năm, hy vọng với sự trợ giúp của chúng tôi các bạn (VN) sẽ chỉ mất từ 7 - 10 năm để hoàn thiện hệ thống”.

Hiện nay, với sự trợ giúp kỹ thuật từ các chuyên gia Úc trong dự án Aus4Skills, các thành viên trong Ban tư vấn đào tạo ngành logistics ( LIRC) đã sử dụng 4 bộ tiêu chuẩn nghề và chuẩn kỹ năng nghề lấy từ kết quả của Dự án Giao thông vận tải và logistics của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2014 - 2016 bao gồm các nghề: Nhân viên vận hành kho, nhân viên quản lý kho, nhân viên văn phòng logistics, nhân viên giao nhận mang đi so sánh đối chiếu với thực tế công việc của nhân viên trong các DN hội viên VLA. Ngoài ra, LIRC còn tự xây dựng và kiểm chứng thực tế nghề nhân viên vận hành thiết bị xếp dỡ. Trước mắt, khi 5 bộ tiêu chuẩn nghề này được kiểm chứng thực tế xong, được phê duyệt bởi một cơ quan nhà nước và đem vào trong chương trình giảng dạy của các cơ sở đào tạo, hy vọng sẽ có một lứa sinh viên ra trường có thể đi làm được ngay tại các DN logistics vốn đang thiếu nhân lực có kỹ năng.

Để có lời giải cho bài toán nhân lực của ngành, VLA kêu gọi các công ty trong ngành quan tâm nhiều hơn đến GDNN, tham gia trực tiếp vào quá trình này bằng nhiều hình thức như đóng góp ý kiến, giúp LIRC xây dựng các bộ chuẩn nghề và chuẩn kỹ năng nghề, tạo cơ hội cho sinh viên và giảng viên được thực tập, cọ xát thực tế tại DN mình, khuyến khích nhân viên có kinh nghiệm tham gia công tác giảng dạy. Chỉ khi có sự chung tay góp sức như vậy, bài toán nhân lực của ngành mới có thể phần nào tìm thấy cách giải quyết trong khi chúng ta vẫn chờ đợi một giải pháp dài hơi từ phía Chính phủ.

Trong cuộc họp BCH lần thứ 6, tháng 1.2018, theo Kế hoạch hành động số 8, Ban Chấp hành giao cho VLA kết hợp cùng VLI dựa trên nền tảng dự án Aus4Skills để phát triển các chuẩn nghề và chuẩn kỹ năng nghề lên các cấp độ cao hơn phù hợp cho nhiều vị trí trong doanh nghiệp mang tên VOS (VLA Occupational Standard). VOS hướng đến nâng cao chuẩn mực chuyên môn cho Hội viên và minh bạch hóa năng lực trong cộng đồng ngành dịch vụ logistics VN trong tương lai khi các Hội viên và VLA hướng đến tuyển dụng nhân sự theo VOS1 - VOS2 - VOS3 - VOS4.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục nghề nghiệp: Lời giải cho bài toán nhân lực ngành logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO