Giải pháp cho nông sản Việt không "nặng gánh" chi phí logistics

Hoài Phương|07/09/2022 15:54

Hiện nay, nhờ có rất nhiều trang điện tử, sàn thương mại điện tử quảng bá sản phẩm nông nghiệp, giúp sản phẩm nông nghiệp được quảng bá rộng rãi hơn, và việc kết nối tiêu thụ cũng nhanh chóng, dễ dàng và giảm bớt nhiều chi phí.

Nông sản Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực trong thời đại mới, cùng với đó việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản cũng được người sản xuất, công ty chuyên về nông sản và các bộ ngành quan tâm. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỉ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là những thị trường mua nông sản của Việt Nam nhiều nhất.

bottom-view-fruits-vegetables-radish-cherry-tomatoes-persimmon-tomatoes-kiwi-cucumber-apples-red-cabbage-parsley-quince-aubergines-blue-table-compressed.jpg

Tuy vậy, có một bất lợi là chi phí logistics cho nông sản Việt Nam khá cao, thường chiếm tới 25 % tổng giá trị hàng hoá. Một số mặt hàng như gạo, chuối... chi phí này còn chiếm tới 30% - 40%. Trong khi các quốc gia ASEAN khác thì mức chi phí này chỉ chiếm khoảng 10%.

Bài toán đặt ra ở đây chính là việc tối ưu chi phí logistics cho nông sản, để nông sản Việt được vươn ra nhiều thị trường trên thế giới. Theo tính toán của các nhà đầu tư và chuyên gia hàng đầu thì có 5 yếu tố khiến chi phí logistics nông sản Việt đắt đỏ trong khu vực và cả thế giới, gồm: Chi phí vận chuyển cao, các phụ phí và phí địa phương cao do các hãng vận tải nước ngoài áp vào chủ hàng, cùng với đó là sự hạn chế về cơ sở hạ tầng cảng biển, nhiều tỉnh thành đưa ra phí hạ tầng mới, và chi phí kiểm tra chất lượng, kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch,...

Chi phí logistisc này không chỉ tính là chi phí hậu cần mà còn bao gồm cả phí đầu vào, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng cũng như chăn nuôi, xây dựng vùng nông nghiệp và cả chuỗi thu mua hàng như các kênh bán buôn, kênh bán lẻ và vận chuyển đến nơi tiêu thụ cũng như xuất khẩu.

basket-with-vegetables-compressed.jpg

Trong đó, nông sản Việt đang gặp các khó khăn trở ngại lớn, đó là thiếu kho - chuỗi cung ứng lạnh, không chế biến chuyên sâu thành nhiều mặt hàng để đa dạng hoá sản phẩm. Việc thu hoạch theo mùa vụ cũng là áp lực lớn cho việc vận chuyển và việc xuất khẩu sản lượng nông sản khổng lồ sang Trung Quốc.

Một số giải pháp được các chuyên gia đưa ra để giảm thiểu chi phí logistics mặt hàng nông sản đặc trưng tại Việt Nam như sau:

Đầu tư hạ tầng kho lạnh để bảo quản và chế biến

Điều này rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp chuyên về nông sản, đầu tư vào xây dựng kho bãi, các trung tâm logistics ở các khu vực nông sản tập trung. Như vùng đồng bằng sông Hồng với các loại rau củ, vật nuôi,... đồng bằng sông Cửu Long với trái cây, thuỷ sản, lương thực,...

cabbage-plantations-sunset-light-growing-organic-vegetables-eco-friendly-products-compressed.jpg

Chú trọng xây dựng trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vì đặc trưng của các sản phẩm này là tính mùa vụ, khi sản lượng quá lớn, các doanh nghiệp nên tính đến phương án chế biến để có thể lưu trữ, đa dạng sản phẩm và không gây một sức ép lớn đến chuỗi cung ứng.

Bởi chúng ta rất khó tính được chi phí hàng hoá không kịp tiêu thụ nên sản phẩm hư hỏng, xe container nằm tại các kho bãi và cả việc xe trống hàng chiều về cũng là những yếu tố khiến chi phí logistics tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của nông sản.

Cần cân đối vận tải đường bộ, đường biển, đường hàng không

kt-xh8thang2.jpeg


Theo nghiên cứu do World Bank thực hiện năm 2007, thì 59% tổng chi phí logistics chính là vận tải. Trong đó vận tải đường bộ chiếm gần 78%, đường thuỷ 18% còn lại là đường sắt, đường biển và đường hàng không. Trong đó, vận tải đường bộ lại mất chi phí khá cao. Có một ví dụ cụ thể của chuyên gia lĩnh vực vận tải rằng, để vận chuyển một container từ Bắc vào Nam (cụ thể là từ Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh) bao gồm chi phí lương cho tài xế, xăng dầu, phí cầu đường, hao mòn lốp xe... thì tổng cộng khoảng hơn 50 triệu. Nhưng cũng một container ấy, nếu vận chuyển bằng đường biển thì chỉ gói gọn trong khoảng 10 USD (Tức khoảng hơn 200.000 đồng). Nên việc giảm chi phí logistics ở đây sẽ rất khó trong việc giảm chi phí vận tải, mà chú trọng vào việc kết nối giữa các phương thức vận tải.

Cùng với đó, lượng xe tải dưới 5 tấn ở Việt Nam chiếm 80%, trong khi các quốc gia khác chỉ chiếm 20%. Việc xe tải nhỏ vận chuyển nông sản thay cho các xe lớn vì các hạn chế ở thành phố lớn cũng là một phần góp vào để đội giá thành logistics. Bởi lượng dân số lớn ở thành phố, đôi khi lại không được sử dụng sản phẩm mà những người nông dân đang chặt bỏ ở vườn thành phân bón vì giá thành quá rẻ. Vì thế, việc xe chuyên chở nông sản nên được ưu tiên, vận chuyển vào giờ qui định để có thể giảm giá thành không cần thiết cho các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và nông dân cùng nhau nâng tầm giá trị nông sản

vegetable-farmer-market-counter-compressed.jpg


Do người nông dân còn sản xuất manh mún, nội địa, chưa có ứng dụng công nghệ để quản lý tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, việc sản phẩm nông nghiệp của ta đôi khi bị trả lại vì không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nên nông dân cần làm quen với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ, hạn chế dần việc sản xuất theo tập tính địa phương, mùa vụ; xây dựng tốt những trang trại theo tiêu chuẩn quốc tế, để đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng như khâu chế biến; cần kết nối tiêu thụ nông sản bằng nhiều con đường, tạo lập hệ sinh thái tiêu thụ nông sản ngay từ đầu mùa vụ gieo trồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cho nông sản Việt không "nặng gánh" chi phí logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO