Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, tuy một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: chè (tăng 175%); hàng dệt và may mặc (tăng 160%); dăm gỗ (tăng 20%); xơ, sợi dệt các loại (tăng 7%) nhưng mặt hàng chủ đạo chiếm tỷ lệ trên 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu là thép và phôi thép lại giảm 13,4%.
Theo đánh giá từ phía các doanh nghiệp, từ đầu năm tới nay, tuy hoạt động sản xuất kinh doanh đã có sự phục hồi sau dịch COVID-19 nhưng phía doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là giá nguyên vật liệu, giá cước vận chuyển tăng.
Đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh cho rằng, lĩnh vực xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào năng lực sản xuất của doanh nghiệp mà còn chịu tác động lớn từ diễn biến thị trường tại các quốc gia tiêu thụ sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi để dự báo tình hình, nhận định rõ khó khăn, thách thức để chủ động có những giải pháp thích ứng phù hợp.
Để tăng cao kim ngạch, đa dạng mặt hàng và thị trường xuất khẩu, ngoài sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, ngành Công thương Hà Tĩnh cũng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khai thác hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tìm kiếm thị trường; tăng cường xúc tiến thương mại các hàng hóa thế mạnh của tỉnh…
Việc làm tốt các hoạt động đó sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu “rộng cửa” mở thị trường, bứt tốc trong chặng đường cuối năm.