Hầm Đèo Cả: "Dấu ấn của thế kỷ"

Trà My|09/09/2022 12:03

5 năm trước, ngày 21/08/2017, hầm Đèo Cả tỉnh Phú Yên chính thức đưa vào khai thác. Ngay thời điểm đó, công trình hầm đường bộ Đèo Cả đã được đánh giá mang ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Phú Yên và cả nước, là công trình trọng điểm trên tuyến giao thông Bắc - Nam.

Giá trị nhân văn

Trước đây, Đèo Cả được xem là cung đường chết chóc, là cung đường nguy hiểm với nhiều khúc uốn lượn như con trăn khổng lồ đang trườn mình với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu. Thời điểm đấy xảy ra rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Đặc biệt, trong năm 2012 có nhiều TNGT nhất với gần 40 vụ. Do đường hẹp, mỗi vụ tai nạn nếu xử lý chậm 15 phút sẽ xảy ra ùn tắc hàng cây số mỗi chiều. Trung bình, mỗi vụ TNGT xảy ra trên Đèo Cả phải mất một ngày để giải phóng hiện trường.

dji_0613-compressed.jpg

Năm 2017 khi công trình hầm xuyên núi Đèo Cả đưa vào vận hành, hành trình của các tài xế trên cung đường Bắc - Nam khi đi qua Phú Yên sẽ thuận lợi hơn vì không phải chinh phục Đèo Cả quanh co, hiểm trở như trước.

Thống kê mới nhất từ Ban quản lý vận hành hầm Đèo Cả cho biết, từ khi khai thác hầm đến nay, Xí nghiệp QLVH đã phục vụ hơn 10,2 triệu lượt xe lưu thông qua hầm, thực hiện tổ chức cứu nạn cứu hộ cho hàng trăm phương tiện bị hư hỏng, hỗ trợ xử lý 58 vụ TNGT, 04 vụ chữa cháy. Đặc biệt, trong 5 năm, không có bất cứ vụ TNGT nghiêm trọng hoặc cháy nổ xảy ra trong hầm. Ngoài ra, XN QLVH thường xuyên chú trọng công tác giám sát, vận hành để kịp thời cảnh báo, xử lý và hỗ trợ cho các phương tiện, cá nhân lưu thông trên tuyến với phương châm phục vụ đem lại sự tiện lợi, an toàn cao nhất cho người dân.

Ông Nguyễn Sỹ Phục - Phó Giám đốc XNQLVH hầm Đèo Cả cho biết: “Trước những thành tích đạt được trong 5 năm qua, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Công ty quản lý) đã trao bằng khen cho tập thể XNQLVH hầm Đèo Cả vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý vận hành hầm và các cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác quản lý, vận hành hệ thống mạng lưới đường giao thông tại Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả. Tôi cũng rất tự hào vì là một thành viên trong XN QLVH, đã đảm bảo cho hàng triệu lượt xe qua hầm an toàn trong 5 năm qua”.

Phá "thế khó"

Trước đây, tỉnh Phú Yên khó vươn mình lớn mạnh như các tỉnh lân cận bởi địa thế khép kín. Đặc biệt, phía Nam là dãy Đèo Cả sừng sững, phía Bắc là Đèo Cù Mông trập trùng, phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Bị ngăn cách bởi địa hình khiến cho tỉnh Phú Yên rất khó giao lưu thuận lợi với các địa phương trong vùng. Từ khi có hầm Đèo Cả, Cù Mông đã tháo “nút thắt” để mở toang cánh cửa giao thương, tạo sự liên kết vùng một cách thiết thực hơn.

790596235-compressed-1-.jpg

Ông Nguyễn Thành Quang - Nguyên Bí thư tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Cách đây 20 năm, chúng tôi xác định Phú Yên muốn phát triển thì phải kết nối vùng, kết nối được Khánh Hoà ở phía Nam, Bình Định ở phía Bắc, kết nối Tây Nguyên ở phía Tây. Khi đấy chúng tôi đã tính đến phương án thực hiện dự án theo ODA Nhật Bản, nhưng không ngờ nội lực của Việt Nam lại làm được hầm Đèo Cả. Tôi rất khâm phục, ngưỡng mộ tài huy động nguồn lực, nhân lực, vật lực, tài lực của Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng. Hầm Đèo Cả khơi thông đã tạo diện mạo mới cho Phú Yên từ đó tạo ra sự kết nối quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ”.

Hầm Đèo Cả là dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Đặc biệt đây là công trình hầm xuyên núi được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ trong nước, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên của người Việt ở lĩnh vực mới mà trước đây luôn phụ thuộc vào nước ngoài.

Từ khi hầm đường bộ Đèo Cả đưa vào khai thác, không còn mất cả giờ đồng hồ để quanh co vượt đèo, thời gian qua hầm được rút ngắn từ 45 phút đường đèo xuống chỉ còn hơn 10 phút qua hầm, đã giải quyết triệt để và xóa bỏ những điểm đen nguy hiểm, dễ ùn tắc giao thông.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng cho biết, hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông phá thế “ốc đảo” của tỉnh Phú Yên, mở ra cánh cửa thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà phát triển công nghiệp, du lịch khu vực duyên hải miền Trung; tăng cường liên kết vùng, kết nối Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong và thành phố Nha Trang, các khu công nghiệp lân cận và các khu du lịch trong vùng.

Dự án hầm có tổng chiều dài 13,9 km, khởi đầu từ Km1353+150 (Quốc lộ 1A) ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) và kết thúc tại Km1374+525 ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Trong đó tuyến hầm Đèo Cả dài 4.125 mét, hầm Cổ Mã dài 500 mét và tuyến đường dẫn 9,3 Km. Mỗi tuyến đều có hai đường hầm được thiết kế cách nhau 30 mét, mỗi đường hầm rộng 9,75 mét, gồm hai làn xe cùng với dải an toàn và hành lang bảo dưỡng hầm, tốc độ thiết kế 80km/giờ.

Ông Hồ Đắc Thạnh - Cán bộ lão thành cách mạng, người dân Phú Yên chia sẻ: “Từ khi hầm đường bộ Đèo Cả vận hành, nhất là sau khi có thêm hầm Cù Mông, Phú Yên đã bắt đầu giải toả tất cả những ách tắc từ trước đến giờ để phát triển kinh tế, hơn nữa thời gian đi qua hầm lại rất ngắn, nên kinh tế - xã hội Phú Yên phát triển vững chắc. Là một người dân sống ở mảnh đất này, tôi thấy kinh tế Phú Yên phát triển vượt bậc và khởi sắc, tất cả người dân Phú Yên được hưởng những lợi ích này vô cùng biết ơn Tập đoàn Đèo Cả, đã xây dựng nên công trình “dấu ấn của thế kỷ” này”.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hầm Đèo Cả: "Dấu ấn của thế kỷ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO