Doanh nghiệp logistics gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh khi thực hiện Chỉ thị 16
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải và logistics trên cả nước. Rủi ro về đứt gãy sản xuất , đứt gãy lao động và hiện tại là đứt gãy vận tải đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết.
Để giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng của dịch đến hoạt động vận tải - logistics đến đời sống nhân dân và đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu cho quốc gia, Hiệp hội VLA hoàn toàn nhất trí điểm 1 của công văn 898/BYT-MT về việc yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa: ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng ngày...).
Tuy nhiên, Hiệp hội VLA đề xuất xem xét miễn giảm quy định Tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về) nhằm mục đích tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa, tiết giảm nguồn lực kiểm soát của Cơ quan quản lý nhà nước đang gánh rất nhiều trọng trách khác về phòng chống dịch, và tháo gỡ khó khăn về chi phí kiểm tra COVID-19 cho doanh nghiệp vận tải.
Đồng thời, VLA xin đề xuất Bộ Y tế ưu tiên xem xét tiêm phòng cho lực lược lao động lái xe, lao động đang thực hiện công tác tại cảng, kho, bãi, khai báo hải quan… có điều kiện được tiêm phòng sớm nhất.
Hiệp hội VLA cũng đã có công văn gửi đến Sở Công Thương TP. HCM và Sở Giao thông vận tảo TP. HCM kiến nghị về việc không áp dụng giờ cao điểm cấm lưu thông nội đô với các xe tải dưới 3,5 tấn, áp dụng trong thời gian TP. HCM thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Việc không áp dụng giờ cao điểm cấm lưu thông nội đô với các xe tải dưới 3,5 tấn sẽ giúp tăng hiệu quả vận tải, tăng khối lượng luân chuyển vận tải vào nội thành cho hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi. Cắt giảm chi phái vận tải, chi phí logistics cho doanh nghiệp vì phương tiện được tăng thời gian hoạt động trong ngày. Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yêu thông suốt hơn cho TP. HCM trong điều kiện chợ đầu mối và chợ truyền thống bị cách ly,…
VLA đồng hành kêu gọi toàn thể các doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp dịch vụ logistics tuân thủ quy tắc vận tải an toàn phòng dịch nói trên và các doanh nghiệp vận tải - doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ cam kết chịu trách nhiệm phòng tránh dịch bệnh theo quy định của pháp luật và bồi thường thiệt hại phát sinh.