Trong một chương trình truyền hình trên VTV gần đây, các tác giả của phóng sự ngắn nói về những khó khăn của điện ảnh, trong đó có trang thiết bị, đặc biệt là khó khăn về nhân lực. Điện ảnh là một phần của ngành Giải trí. Câu chuyện cho thấy, con đường hình thành nên ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam không đơn giản.
Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị khóa XI có Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 về hội nhập quốc tế. Nhiệm kỳ này Trung ương còn có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tiếp sau đó, Chính phủ có các Nghị quyết số 31/ NQ-CP ngày 13/5/2014, Nghị quyết số 102/NQ- CP ngày 31/12/2014 ban hành Chương trình hành động, thực hiện các Nghị quyết trên của Bộ Chính trị và Trung ương. Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược).
Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh du lịch văn hóa được “liệt kê” và mục tiêu chung được Chiến lược xác định phải được xây dựng trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng.
Không nói đến năm 2020, vì đã qua 3 năm; mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được Chiến lược xác định: Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; trong đó điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD); Nghệ thuật biểu diễn đạt Khoảng 31 triệu USD; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD; Quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 3.200 triệu USD; Du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.
Theo Chiến lược, phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.
Phải nói rằng, Việt Nam có rất nhiều nguồn lực để công nghiệp văn hóa có thể trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu; tuy nhiên, chúng ta loay hoay về thể chế, rà soát, quy hoạch tổng thể nguồn lực và gặp khó khăn cả về nguồn nhân lực lẫn tiềm lực tài chính.
Chỉ xin nói về một lĩnh vực là điện ảnh, khi chuyển sang cơ chế thị trường, các rạp chiếu phim ở các đô thị lớn biến mất, hoặc phải chuyển đổi công năng; phim Việt Nam sản xuất do Nhà nước đầu tư thì không ai xem; chúng ta có nhiều NSND, NSUT nhưng không có ngôi sao dẫn dắt, lan tỏa ngay trong lĩnh vực “nghệ thuật thứ bảy”.
Câu hỏi đặt ra, đâu là lực lượng sản xuất của công nghiệp văn hóa? Bản Chiến lược cùng các biện giải của các nhà quản lý đều mới là sự phác thảo một bức “chân dung khuyết” về chủ thể công nghiệp văn hóa Việt Nam. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nói cách đây 2 năm rằng, chúng ta đang tồn tại tất cả các ngành nghệ thuật nhưng lại chưa có công nghiệp văn hóa đúng nghĩa. Câu nói này vẫn nguyên giá trị.
Tất cả các ngành nghệ thuật đều có Hội, thành viên của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, ở 63 tỉnh/ thành phố có các chi hội chuyên ngành thuộc Hội VHNT địa phương, tuy nhiên, sự đóng góp của các Hội vào việc xây dựng công nghiệp văn hóa thì chưa thấy.
Cũng theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, để có các ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta cần hội tụ và kết nối đầy đủ 4 thành tố là tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Ví dụ về điện ảnh, để hình thành một ngành công nghiệp điện ảnh chẳng hạn, chúng ta phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp giữa thành phần sáng tạo điện ảnh là đạo diễn, biên kịch, diễn viên... khai thác giá trị văn hóa của dân tộc, kết hợp với sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ năng kinh doanh là xây dựng thương hiệu cho bộ phim, đạo diễn, diễn viên, tổ chức sự kiện, phát triển khán giả..
Chỉ qua 2 đêm diễn ở Mỹ Đình (Hà Nội), Ban nhạc BlackPink (Hàn Quốc) đã bỏ túi 630 tỷ đồng. BackPink (đen hồng) là một thương hiệu nghệ thuật giải trí thuộc về thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc. Qua đêm nhạc của BlakPink ở Việt Nam và tìm hiểu chuyến biểu diễn “vòng quanh thế giới’ của 4 cô gái thế hệ 2X, cho chúng ta thêm “khái niệm” về công nghiệp văn hóa. Chỉ riêng về chuyên ngành Nghệ thuật biểu diễn, BlackPink với Việt Nam chỉ là mơ ước.
Về thiết chế văn hóa, tại Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước (19/5/2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có nói: “Chú trọng phát triển môi trường dân chủ tôn trọng đặc trưng tự do trong sáng tạo nghệ thuật, mở rộng biên độ tự do sáng tạo hơn nữa, phát huy tài năng văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ để họ có thể sống được với nghề bằng tài năng và sự cống hiến”.
Tuy nhiên, nói đến công nghiệp văn hóa, nếu vẫn tư duy “xin – cho” nguồn ngân sách, may ra chỉ tạo ra được những sản phẩm tuyên truyền, miễn phí, không bán vé. Điều đó có nghĩa là xây dựng thiết chế văn hóa phải có “tư duy logistics”; đất nước phải có những doanh nghiệp tư nhân khổng lồ về văn hóa.
Tất nhiên đã là doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa, việc đào tạo và tự đào tạo đội ngũ nhân lực để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế và theo đòi hỏi của thị trường là một bước bắt buộc của quy trình sáng tạo, là yếu tố “sống còn” để tồn tại trên trị trường công nghiệp văn hóa...
Công chúng còn thiếu “món ăn” về văn hóa họ cần. Hay nói cách khác thị trường văn hóa còn bỏ ngỏ, chưa nói đến công nghiệp văn hóa Việt Nam bước chân ra thế giới.