Hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông

Trần Trình Lãm|29/07/2022 10:19

Chiều ngày 28/7, tại TP. Hạ Long, Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Chủ tịch VCCI đã ký kết Thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông.

ky-ket-thoa-thuan.jpg

Đại diện VCCI và các địa phương ký kết Thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông - Ảnh: VGP/HT

Lễ ký kết được thực hiện trong khuôn khổ diễn đàn "Kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông" do VCCI (Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam) cùng 4 tỉnh, thành phối hợp tổ chức. Tham dự diễn đàn và chứng kiến lễ ký kết có Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy 4 địa phương, lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và gần 300 đại biểu là đại diện các hiệp hội DN trong nước và quốc tế, lãnh đạo các DN trong nước và DN APEC.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, đây là một sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái.

Việc liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TPHCM, 8 lần so với Đà Nẵng, và quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số TPHCM.

4 địa phương nói trên có lợi thế lớn về kết nối hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước; có trục cao tốc phía đông nối một đầu là thủ đô Hà Nội, một đầu là cửa khẩu Móng Cái thông với thị trường Trung Quốc khổng lồ. Các DN trong vùng có thể sử dụng 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế.

Tham gia liên kết kinh tế, mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng để phát huy, khai thác. Cụ thể, Quảng Ninh có thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất-thương mại gắn với thị trường Trung Quốc. Hải Phòng có lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển và logistics. Hải Dương có tiềm năng nổi trội về nguồn nhân lực, quỹ đất và vị trí trung tâm vùng, thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo. Hưng Yên có lợi thế đặc biệt do tiếp giáp Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp, cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh.

Các bên tham gia liên kết cùng thống nhất thành lập Hội đồng kết nối vùng và giao VCCI giữ vai trò thường trực công tác điều phối hoạt động kết nối kinh tế 4 tỉnh, thành phố. Ban thư ký của vùng sẽ đặt tại VCCI.

Cũng theo ông Phạm Tấn Công, trong năm 2022 và 2023, các hoạt động chính sẽ tập trung vào liên kết, hợp tác trong một số lĩnh vực như: Xúc tiến thương mại, đầu tư; giao thông và logistics; phát triển chuỗi cung ứng sản xuất; phát triển du lịch, dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao và chế biến nông sản; cải thiện môi trường kinh doanh; chuyển đổi số và kết nối số;… Việc triển khai sẽ ưu tiên các hoạt động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực, bắt đầu từ các việc đơn giản, dễ thống nhất, phối hợp, rồi mới mở rộng tới các hoạt động phức tạp hơn, đòi hỏi sự phối hợp có chiều sâu về chính sách và cơ chế hợp tác.

Bài liên quan
  • Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên
    Ngày 28/07/2022, tại Điện Biên, đoàn công tác Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Văn Phú Invest - Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty Thành Lợi đã làm việc với Tỉnh uỷ Điện Biên về phương án đầu tư xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang giai đoạn 1.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO