Như VLR đã đưa tin, hôm qua (1/3), tại khách sạn Grand Saigon, TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Đại sứ quán các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã tổ chức Lễ ký kết và Diễn đàn Khởi động Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới (WLP) tại Việt Nam.
UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8 tỷ USD năm 2022. Với việc có nhiều sáng kiến như Chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới (WLP) sẽ giúp kim ngạch ngày càng tăng thông qua việc nâng cao lợi ích kinh tế và thương mại cho các đối tác ký kết, từ đó ngày càng có nhiều đối tác tham gia.
Đây là ý kiến của ông Bader Abdulla Al Matrooshi, Đại sứ UAE tại Việt Nam đưa ra tại “Lễ ký kết và Diễn đàn về sáng kiến hộ chiếu Logistics thế giới-Tiềm năng tăng cường hợp tác Việt Nam-UAE về logistics” do Chương trình Hộ chiếu logistics thế giới (WLP) phối hợp với Bộ Công Thương và Đại sứ quán các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tổ chức, ngày 28/2, tại Thủ đô Hà Nội.
Thông tin thêm, theo ông Abdulla Alsuwaidi, Giám đốc Hubs và Đối tác toàn cầu của Chương trình Hộ chiếu logistics thế giới, với vị trí chiến lược là một trung tâm trung chuyển và sản xuất của khu vực, Việt Nam sẽ là Hub [trung tâm kết nối-pv] quan trọng thuộc mạng lưới WLP. Sáng kiến WLP dựa trên bài học thành công của Dubai hơn 20 năm trước trong việc xây dựng để trở thành một đầu mối Hub hiệu quả của toàn cầu.
Hơn nữa, WLP là một mạng lưới thương mại đa phương, hướng tới hoạt động thương mại qua biên giới êm thuận. Các lợi ích được điều chỉnh để giúp các thương nhân tiết kiệm chi phí, thời gian và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới. Cùng đó, WLP đang lựa chọn các đối tác một cách chiến lược dọc hành trình chuỗi cung ứng và logistics nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại và hướng tới việc tăng cường xuất nhập khẩu đa dạng các giữa các Hub.
Còn theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Logicstics Việt Nam, hiện nay việc ứng dụng hộ chiếu logistics thế giới đã chiếm tới 47% tổng kim ngạch thương mại thế giới và tất cả các châu lục đều có các quốc gia (các Hub) tham gia, đặc biệt trong khu vực châu Á đã có Trung Quốc và các nước trong khu vực Asean như: Thái Lan, Mailaysia, Indonesia, Singgapore, Philippines tham gia.
Nhấn mạnh thêm, chuyên gia này cho rằng mục tiêu của Chương trình là tạo thuận lợi cho thương mại, thời gian làm các thủ tục cũng sẽ rút ngắn và hơn nữa chi phí logistisc và chi phí liên quan đến hàng hóa sẽ giảm đi.
“Muốn làm được điều đó thì phải có các "hu"' tức là các nước phải có các đơn vị, các công ty làm về vấn đề này và có tham gia vào mạng và tùy theo mức độ mà doanh nghiệp kinh doanh sẽ được chế độ ưu tiên như thế nào,” ông Tương nói.
Cũng theo ông Nguyễn Tương, khi doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia vào Chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới (WLP) có thể thực hiện dễ dàng theo hình thức trực tuyến, online.
Đặc biệt, việc doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics của Việt Nam tham gia đối tác Chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới (WLP) sẽ giúp thuận lợi hơn trong hoạt động thương mại quốc tế, trong đó có UAE.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng khẳng định đây là chương trình rất ý nghĩa. Tuy nhiên, sức quảng bá của chương trình này còn chưa cao, độ bao phủ, đặc biệt là về mặt truyền thông, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam biết đến chương trình này.
Vì vậy, ông đề nghị Ban tổ chức chương trình cũng cần quan tâm hơn về mức độ quảng bá, nên đầu tư có một bộ máy chuyên trách hoặc ở UAE, hoặc ở Việt Nam để thúc đẩy việc quảng bá kết nối tất cả các thành viên trong Chương trình. Hơn nữa, đây là một sáng kiến, là một chương trình mang lại ưu đãi cho các thành viên hội viên, vì thế những ưu đãi đó cần phải được thể hiện ra thành những giá trị cụ thể./.
* Là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Trung Đông-châu Phi, nhất là về thương mại, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
* UAE là một trong những nhà đầu tư lớn của khu vực vùng Vịnh tại Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng và du lịch. Ngoài ra, hai nước còn nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, lao động, năng lượng, y tế, du lịch, giáo dục. Có thể nói UAE hiện là nước có độ mở về kinh tế lớn trong khu vực vùng Vịnh