Khủng hoảng chuỗi cung ứng ở Hoa Kỳ bớt căng thẳng

Đăng Khoa chuyển ngữ|07/01/2022 14:00

(VLR) Dù tốc độ hoạt động trong ngành hiện vẫn ở mức khá chậm và vẫn đang có quá nhiều tàu thuyền đang phải chờ đợi tại các cảng, nhưng ít nhất nhiều vấn đề cũng đã dừng lại hoặc không trở nên nghiêm trọng hơn.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng ở Hoa Kỳ bớt căng thẳng

Khủng hoảng chuỗi cung ứng ở Hoa Kỳ bớt căng thẳng

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng dường như đã vượt qua mức đỉnh điểm ở Hoa Kỳ. Trong hai năm qua, hầu như bất cứ điều gì tồi tệ mà chúng ta có thể nghĩ ra trên chuỗi cung ứng toàn cầu đều đã xảy ra, từ sự thay đổi bất ổn về nhu cầu hàng hóa, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên tục diễn ra và thậm chí tàu container khổng lồ bị mắc kẹt trong kênh đào Suez. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có khá nhiều bằng chứng cho thấy rằng Hoa Kỳ dù chậm nhưng chắc chắn, tình trạng tắc nghẽn hàng hóa và thiếu hụt nguồn cung đang giảm bớt căng thẳng.

Theo dữ liệu được công bố từ công ty nghiên cứu và tư vấn hàng hải Drewry, giá cước vận tải biển trung bình trên toàn cầu cho một container 40 feet hiện đã giảm trong 8 tuần liên tiếp. Giá giao ngay cho tuyến đường thương mại đông đúc từ Thượng Hải đến Los Angeles đã tăng trở lại nhưng vẫn giảm khoảng 19% so với mức đỉnh điểm trong tháng 9.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Gene Seroka cho biết, số lượng container tồn đọng lâu hơn 9 ngày tại cảng Los Angeles đã giảm khoảng 1/3 kể từ khi trung tâm này công bố kế hoạch vào tháng 10 để bắt đầu phạt các hãng dịch vụ vận tải biển với thời gian lưu trú quá dài.

Chỉ riêng việc dọa phạt này đã thúc đẩy nhiều cải thiện đáng kể trong tình trạng hiện tại, vì vậy các cảng của Los Angeles và Long Beach đã trì hoãn thời gian phạt (bắt đầu từ 100 USD một ngày và tăng lên theo mức tăng 100 USD tích lũy) cho đến ít nhất là cuối tháng 11/2021. Ngoài ra, số lượng lớn các tàu thu dọn được bổ sung sử dụng để gom các container rỗng cũng đang giúp mở thêm không gian bến tàu cho hàng hóa mới, trong khi các quan chức địa phương đã đồng ý tạm thời tăng số lượng container có thể được xếp theo chiều dọc trong các kho và bãi container gần đó.

Điều tồi tệ nhất có thể đã kết thúc

Chi phí vận chuyển vẫn còn rất cao nhưng cũng đang có xu hướng giảm. Đối với tất cả các cảnh báo “ngày tận thế” về tác động trực tiếp đối với thu nhập của các tập đoàn, các công ty nhìn chung vẫn đang quản lý khá tốt - ít nhất là các công ty lớn và đang công khai thông tin. Target Corp. trong tuần này đã báo cáo thêm 2 tỷ USD hàng tồn kho trên bảng cân đối kế toán của mình vào cuối quý III so với cùng kỳ năm ngoái, với lượng dự trữ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ngày lễ.

Các nhà bán lẻ cho biết họ đã đảm bảo đủ nguồn xe tải và đường sắt để hỗ trợ các lô hàng dự kiến trong những tháng cuối năm. Trong thế giới công nghiệp, tắc nghẽn hàng hóa và gián đoạn nguồn cung thường ảnh hưởng xấu đến doanh số bán hàng trong ngắn hạn, nhưng thiệt hại đối với tỷ suất lợi nhuận cuối cùng lại khá hạn chế trong quý ba khi các công ty linh hoạt hơn về khả năng định giá của họ. Hầu hết các giám đốc điều hành đều tỏ ra khá lạc quan về nhu cầu hàng hóa trong năm 2022 và tương lai sắp tới.

Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy sản lượng sản xuất của Mỹ đã tăng trong tháng 10 lên mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2019. Sự phục hồi sản xuất từ các nhà máy một phần đến từ nhu cầu xe có động cơ và phụ tùng tăng 11%, điều này cho thấy ngay cả ngành công nghiệp ô tô cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu chất bán dẫn, và cũng đang tìm cách giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Bob Carter, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách bán hàng của Toyota Motor Corp. tại Bắc Mỹ, nói với CNBC rằng tháng 10 đã đánh dấu đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chip tại công ty của họ. Điều này cũng giống với ý kiến của Giám đốc điều hành Honeywell International Inc. Darius Adamczyk, khi ông dự đoán rằng tính khả dụng của các chất bán dẫn hướng công nghiệp sẽ sớm được cải thiện so với tình trạng hiện nay.

Để chắc chắn hơn, căng thẳng trong chuỗi cung ứng đạt đỉnh điểm không có nghĩa là mọi thứ đã qua đi. Chi phí vận tải vẫn ở mức rất cao trong lịch sử: Dữ liệu của Drewry cho thấy tỷ lệ chi phí chuẩn toàn cầu đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Sở Giao dịch Hàng hải Nam California, số lượng tàu container chờ đợi để vào các cảng Los Angeles và Long Beach đã đạt kỷ lục mới trong những ngày gần đây. Và tính đến cuối tháng 11, vẫn còn khoảng 80 tàu neo đậu hoặc chạy không tải xa bờ, theo thông tin từ Marine Exchange of Southern California.

Bob Biesterfeld, Giám đốc điều hành của công ty môi giới hàng hóa C.H. Robinson Worldwide Inc., cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Tốc độ chuyển container ra ngoài cảng đã được tăng lên đáng kể và một số dấu hiệu ban đầu của việc giảm giá cước vận tải biển trên thị trường giao ngay cũng đang xuất hiện. Liệu đây có phải là xu hướng mới hay không vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên thị trường hiện tại so với tình trạng bình thường – với mức bình thường là gì đi nữa - phần lớn vẫn còn khá lệch lạc. Sự kiện Black Friday đã gần kề, và chắc chắn có một số vật dụng nằm trong 80 tàu đang đợi ngoài cảng đang chờ để được vận chuyển về chủ của mình”.

Để tình hình khủng hoảng chuỗi cung ứng khả quan hơn, đầu tiên mọi thứ cần phải dừng trở nên tồi tệ hơn trước. Dù vẫn còn khó khăn phía trước, điều đó ít nhất cũng đang diễn ra rồi.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng chuỗi cung ứng ở Hoa Kỳ bớt căng thẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO