Bài học cho các DN sản xuất ô tô nội địa
Xác định và phát triển một ưu thế để làm vũ khí chiến lược
Việt Nam có rất nhiều hãng ô tô thâm nhập vào thị trường và hầu hết đều là những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Như vậy, là thành viên mới gia nhập vào sân chơi của ngành công nghiệp ô tô, các DN ô tô nội địa Việt Nam cần có chiến lược nhằm xác định và phát huy thế mạnh riêng mới đủ sức cạnh tranh. Việc xác định thế mạnh cần phải có kế hoạch, chiến lược rõ ràng và cần kế hoạch để phát huy thế mạnh đó. Thế mạnh của một DN có thể được phát hiện trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cách tốt nhất để gây ấn tượng cho thị trường vốn đã tồn tại quá nhiều thương hiệu ô tô nổi tiếng là nên xác định thế mạnh của mình ngay từ ban đầu.
Chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu, là tôn chỉ hoạt động Kinh nghiệm của Toyota về quyết định cắt giảm tối đa chi phí để cạnh tranh với các đối thủ về lượng mà bỏ qua một số nguyên tắc trong hoạt động là một bài học đáng giá cho DN Việt Nam. Khi sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt, DN dễ đi theo chiến lược giảm chi phí để tăng doanh thu mà không chú ý đến việc kiểm tra chất lượng. Trong bất cứ ngành nào, chất lượng luôn là yếu tố tối quan trọng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô. Tại Việt Nam, khách hàng trả tiền cho một chiếc ô tô không chỉ để sử dụng như một phương tiện mà còn là tài sản và là công cụ thể hiện bản thân. Vì thế, cân đối giữa lượng và chất luôn là phương pháp hiệu quả cho mọi DN trong mọi trường hợp.
Tính linh hoạt sẽ giúp giải quyết vấn đề dễ dàng hơn
Việc gặp các vấn đề trong quá trình sản xuất kinh doanh là không thể tránh khỏi đối với bất cứ DN nào dù đã hoạt động lâu năm hay mới xuất hiện. Vì thế, sự chuẩn bị tốt để hạn chế những thiệt hại là cần thiết. Hơn nữa, sự chuẩn bị tốt giúp các DN Việt Nam giải quyết vấn đề linh hoạt và hiệu quả hơn trong những tình huống bất ngờ. Để phát huy tốt khả năng xử lý các vấn đề, DN Việt Nam cần tham khảo và theo dõi một cách chi tiết từng trường hợp cụ thể mà các DN đối thủ đã gặp phải và cách giải quyết của họ trong trường hợp đó để tích lũy kinh nghiệm nhằm hạn chế tối đa rủi ro khi gặp phải trường hợp tương tự trong tương lai. Biện pháp này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian nhất là đối với một DN mới gia nhập vào thị trường ô tô.
Tính nhạy bén với những thay đổi của thị trường là hết sức cần thiết
Việc xác định thế mạnh của DN và xây dựng chiến lược rõ ràng cần được kết hợp một cách nhuần nhuyễn và hòa hợp với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Các DN Việt Nam không nên áp dụng mọi chiến lược hay kế hoạch đã đề ra từ ban đầu một cách cứng nhắc, thiếu tính mềm dẻo. Mọi chiến lược, kế hoạch, nguyên tắc cần được thay đổi theo sự thay đổi của thị trường. Vấn đề nhạy bén với sự thay đổi nhỏ của thị trường là một bài toán không hề dễ nhưng khả thi đối với bất cứ DN nào dù lớn hay nhỏ.
Nghiên cứu thị trường quốc tế sâu và rộng trước khi thâm nhập
Bài toán về độ nhạy cảm đối với sự thay đổi của thị trường sẽ được giải quyết dễ dàng hơn nếu việc nghiên cứu thị trường theo cả chiều sâu và chiều rộng được xác định là một chiến lược phát triển bền vững lâu dài thay vì chỉ là một phần của chiến lược phát triển sản phẩm mới. Các DN Việt Nam nên thực hiện việc nghiên cứu thị trường một cách thường xuyên và duy trì liên tục để nắm bắt được những thay đổi của thị trường.
Như vậy, thông qua phân tích các kinh nghiệm thành công và thất bại của Toyota, nhà sản xuất và tiêu thụ ô tô đứng đầu thế giới hiện nay, về các khía cạnh như mặt hàng, thị trường, kết quả hoạt động kinh doanh, bài viết đã rút ra một số bài học có giá trị cho các DN sản xuất ô tô nội địa của Việt Nam để có sự chuẩn bị tốt về chiến lược, nguồn lực nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.