Kinh tế phát triển, thu ngân sách khả quan

Báo Hải quan online|25/10/2019 15:08

(VLR) Đến thời điểm hiện tại, gần như có thể khẳng định ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục vượt dự toán năm thứ tư liên tiếp. Đây sẽ là bước tiến vững chắc để đạt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020.

Thu nội địa đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu NSNN

Thu nội địa đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu NSNN

Năm 2019 có khả năng thu vượt 3,3%

Thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, 9 tháng, thu ngân sách trung ương đạt 77,5% dự toán, mức cao nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây; tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2018. Ước cả năm thu vượt 3,3% (46 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Đặc biệt, thu ngân sách Trung ương năm nay ước vượt 8-11 nghìn tỷ đồng, là năm thứ hai liên tiếp vượt dự toán. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 23,7% GDP, từ thuế, phí đạt 20,2% GDP.

Thống kê cụ thể hơn từ Bộ Tài chính cho thấy: Số thu nội địa 9 tháng đạt 75,2% dự toán. Ước cả năm vượt dự toán 22 nghìn tỷ đồng, chiếm 82% tổng thu NSNN. Thu nội địa từ thuế, phí tăng 10,9% so với thực hiện năm 2018, cao hơn một số năm gần đây. Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước tăng 9,3%, từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10%, từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13%. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số doanh nghiệp, lĩnh vực có đóng góp số thu lớn vẫn gặp khó khăn. Đơn cử, thu từ các nhà máy thủy điện do ảnh hưởng bởi tình hình thiếu nước xảy ra ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên khiến sản lượng phát điện và số nộp ngân sách ước chỉ đạt 88% so với cùng kỳ. Thu từ sản phẩm ô tô chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do lượng xe nhập khẩu tăng đột biến ảnh hưởng tới sản lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước. Thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ bằng 76,1% so với cùng kỳ do giá bán các sản phẩm xăng, dầu giảm so với năm 2018 và tỷ trọng dầu thô mua từ mỏ Bạch Hổ giảm, làm giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp so với cùng kỳ. Những khó khăn này đã ảnh hưởng đến số thu của một số địa phương.

Thu từ dầu thô thực hiện 9 tháng đạt 98,3% dự toán với sản lượng 8,7 triệu tấn, giá dầu bình quân 67,7 USD/thùng. Ước cả năm vượt 2,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán, chiếm 3,2% tổng thu NSNN.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 86,6% dự toán, chủ yếu nhờ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì đà tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước, nhất là kim ngạch một số mặt hàng có số thu lớn tăng mạnh như gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tăng 17%, dệt may tăng 10,4%, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng 167,8%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 13,1%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 23%,... Ước cả năm, khoản thu này sẽ vượt 21,8 nghìn tỷ đồng so với dự toán, chiếm 14,5% tổng thu NSNN.

Căn cứ vào Kế hoạch Tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội dự toán thu NSNN của năm 2020, trong đó dự kiến tổng thu là 1.512,3 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN là 22,2% GDP, từ thuế, phí là 19,4% GDP.

Cụ thể, dự toán thu nội địa là 1.264,1 nghìn tỷ đồng với: 95,9 nghìn tỷ đồng thu tiền sử dụng đất (tiền đất của trung ương 2,1 nghìn tỷ đồng), 31,7 nghìn tỷ đồng thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, 45 nghìn tỷ đồng thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương, 65,6 nghìn tỷ đồng thu từ cổ tức và lợi nhuận sau thuế và 7,8 nghìn tỷ đồng chênh lệch thu-chi ngân hàng nhà nước. Số dự toán thu nội địa sẽ chiếm 83,6% tổng thu cân đối NSNN. Dự toán thu từ dầu thô là 35,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng thu cân đối NSNN trên cơ sở giá 60 USD/thùng, sản lượng khai thác 9,02 triệu tấn. Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 208 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,8% tổng thu cân đối NSNN, giảm dần qua các năm. Dự toán thu viện trợ 5 nghìn tỷ đồng.

Ngân sách ngày càng bền vững

Nếu dự toán năm 2020 tiếp tục đạt thành công như những năm trước thì cơ bản các chỉ tiêu thu NSNN sẽ đạt và vượt. Ước tính như sau: Tổng thu 5 năm 2016-2020 ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động thu vào NSNN đạt 24,4% GDP, vượt kế hoạch là 23,5% GDP; trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP theo kế hoạch. Điều quan trọng là cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 68%, giai đoạn 2016-2018 là 80,5% lên mức 82% vào năm 2019 và 83,6% dự toán năm 2020 (phấn đấu đạt 84%); trong khi thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 30%, giai đoạn 2016-2018 là 19%, xuống còn 17,7% năm 2019 và 16,1% dự toán năm 2020.

Chia sẻ trên nghị trường về thu NSNN trong cả giai đoạn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định: Ngân sách ngày càng bền vững hơn và thu ngân sách chủ yếu vẫn xuất phát từ sản xuất kinh doanh. Dẫn chứng cho điều này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm 2019 thu từ 3 khu vực kinh tế gồm DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh đã tăng 10,9%, cao hơn dự kiến tăng trưởng kinh tế và lạm phát, cao hơn các năm trước (năm 2016 mới chỉ tăng 9,9%, năm 2017 tăng 5,6%, 2019 tăng 9,7%). Tỷ trọng thu của 3 khu vực trong tổng thu cũng tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2017 chiếm 39% thì năm 2019 đã lên tới 42% tổng thu ngân sách nhà nước. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí của 3 khu vực này so với GDP của giai đoạn 2016-2019 cũng đã chiếm tới 10,2% GDP; cao hơn 9,9% của giai đoạn 2011-2015. Như vậy, 3 khu vực kinh tế đang phát triển rất nhanh. Ngược lại, các khoản thu từ tài sản, tài nguyên, thu từ đất, khai thác khoáng sản… có tăng so với dự toán nhưng xét về mặt tổng thể thì những khoản thu này chiếm tỷ trọng nhỏ và đang giảm dần. Ví dụ thu từ quyền khai thác khoáng sản chỉ chiếm 0,3% tổng thu ngân sách nhà nước, từ nhà đất chiếm 8%,… Những con số đó cho thấy thu từ sản xuất, kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng, cốt lõi.

Thực tế vào những năm đầu nhiệm kỳ, nhiều lo ngại đặt ra khi các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế chưa đạt dự toán. Song nguyên nhân đã được Bộ Tài chính làm rõ. Về chủ quan, để có thêm nguồn lực, thời gian đầu đã dự toán thu ở mức cao. Về khách quan, kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định, kiểm soát lạm phát, nhưng nhiều lĩnh vực DN còn khó khăn, năng lực sản xuất chưa ổn định, đặc biệt là DNNN khó tăng trưởng cao. Khắc phục tình trạng trên, trong năm 2018-2019, Bộ Tài chính đã từng bước thay đổi, điều chỉnh giảm dự toán để phù hợp với thực tế của các địa phương. Trong bối cảnh đó, nguồn lực thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu, thu từ sử dụng đất khó tăng trưởng cao. Dự toán năm 2020 thu từ dầu thô chỉ chiếm 2,3% trong tổng thu ngân sách; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ còn 13,8%; thu từ đất còn 6% trong tổng thu ngân sách. Như vậy, thu chủ yếu tập trung vào 3 khu vực kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu ngân sách, chiếm 44,8% trong tổng thu ngân sách. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tích cực ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy, tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó tăng nguồn thu.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế phát triển, thu ngân sách khả quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO