Moody's Analytics, công ty con chuyên cung cấp dịch vụ phân tích trực thuộc tập đoàn tài chính Moody's của Mỹ, nhận định nền kinh tế Việt Nam đang nổi lên như là một điểm sáng giữa tình hình biến động và rủi ro lạm phát trong khu vực.
Bất chấp việc mở cửa thận trọng vào đầu năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã bắt nhịp trở lại rất nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Việc đón đầu làn sóng vốn đầu tư cũng giúp ích rất nhiều cho sự tăng trưởng của Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á.
So với những đánh giá được đưa ra vào đầu năm, các chuyên gia phân tích của Moody's Analytics đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 8,5%, mức cao nhất so với các nền kinh tế khác trong khu vực.
Nhận định về tình hình kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian tới, Moody's Analytics cho rằng sự phục hồi sẽ tiếp tục được duy trì.
Tuy nhiên, đà phục hồi tại nhiều quốc gia trong khu vực sẽ bị kìm hãm bởi tình trạng lạm phát tăng cao, dẫn đến giá cả hàng hóa leo thang. Sự suy yếu của một số thị trường xuất khẩu chủ lực ở châu Âu cùng chính sách kiểm soát dịch Covid-19 chặt chẽ của Trung Quốc dự kiến cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế thiên về xuất khẩu ở châu Á.
Trước đó, trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Phòng nghiên cứu Phát triển của Trường chính sách công Kennedy trực thuộc Đại học Harvard, Việt Nam cùng với Trung Quốc, Uganda, Indonesia và Ấn Độ được dự đoán sẽ là các quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong thập niên tới.
Dự đoán trên được đưa ra dựa trên những dữ liệu được thu thập trong nhiều năm và có tính cả những tác động tiêu cực mà đại dịch Covid-19 gây ra. Sau khi những ảnh hưởng của dịch bệnh qua đi, nền kinh tế tại nhiều quốc gia ở châu Á, Đông Âu và Đông Phi sẽ có những tín hiệu khởi sắc trở lại.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất về kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng HSBC vừa công bố, định chế tài chính này thông báo tăng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 6,6% lên 6,9%, có khả năng đứng đầu toàn khu vực ASEAN.
Khối nghiên cứu của HSBC đánh giá mức tăng trưởng 7,7% của Việt Nam trong quý II so với cùng kỳ 2021 là ngoạn mục, vượt xa con số dự báo 5,9% của các tổ chức nghiên cứu đưa ra trước đó. Ngoài ngành dịch vụ hồi phục ấn tượng sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, ngành sản xuất cũng giữ đà tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu đạt đỉnh lịch sử.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ quý II cũng tăng mạnh 17% so với cùng kỳ, dấu hiệu cho thấy sức mua đã phục hồi trở lại. HSBC đánh giá một nguyên nhân quan trọng là tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, trong khi số lượng việc làm đã tăng về mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của HSBC lưu ý ảnh hưởng từ giá năng lượng lên nền kinh tế Việt Nam ngày càng rõ hơn. Giá xăng tăng có thể khiến túi tiền của người dân vơi đi, giảm tốc độ phục hồi sức mua. Giá xăng dầu cao vẫn là nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng. Ngoài ra, chỉ số giá lương thực bao gồm nhiều mặt hàng thịt, trứng và rau củ đều tăng. Với việc giá dầu thế giới tiếp tục tăng, HSBC dự báo áp lực lạm phát trong nước sẽ còn mạnh lên. Lạm phát trong nước có thể vượt mức 4% kể từ quý IV năm nay đến quý II/2023.
Tương tự HSBC, khối nghiên cứu của ngân hàng UOB cũng tăng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 6,5% lên 7% sau kết quả ấn tượng trên quý II và dựa trên dữ liệu lịch sử cho thấy kết quả tăng trưởng 6 tháng cuối năm thường khá tích cực. Tổ chức này giả định nền kinh tế không chịu thêm sự gián đoạn nào do Covid-19, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm của Việt Nam vào khoảng 7,6-7,8%.
Một số thách thức hiện hữu với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo UOB gồm các tác động của xung đột Nga - Ukraine kéo dài ảnh hưởng tình hình địa chính trị, giá năng lượng và lương thực tiếp tục tăng cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể là một rủi ro đến thị trường tài chính tại các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Trong bối cảnh vẫn còn những bất ổn như trên, UOB dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giữ ổn định lãi suất chính sách hiện tại để hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi lạm phát vẫn được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu.
Tương tự hai tổ chức trên, ngân hàng đầu tư Maybank cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 5,8% trước đây lên 6,9% sau kết quả tích cực 6 tháng đầu năm. Dù vậy, bộ phận nghiên cứu của Maybank lưu ý động lực của nền kinh tế trong nửa cuối năm nay có thể yếu đi do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, giá cả tăng cao ảnh hưởng đến ngân sách của các hộ gia đình.