Việc thi cử không đánh giá được tương lai hay vận mệnh của một con người, nhưng trong bối cảnh hiện tại, nền giáo dục hiện tại thì rõ ràng, nó giúp cho thế hệ thanh thiếu niên cầm tấm vé vào đời theo nhiều ngả rẽ.
Thí sinh đi trễ, bỏ thi
Năm nào cũng vậy, dù giáo viên và cha mẹ có nhắc nhở kỹ thế nào vẫn có tình trạng thí sinh hớt hải chạy đến trường thi khi giờ thi đã bắt đầu vì lý do ngủ dậy muộn. Có lần, tại một điểm thi thuộc quận Bình Chánh, học sinh không đến dự thi, dù thầy cô đi theo hướng dẫn đã tìm mọi cách gọi điện, liên lạc với gia đình. Nhưng dường như đều bất lực.
Việc thí sinh ngủ quên như một sự thờ ơ của người trẻ trong chính những sự kiện quan trọng của đời mình. Thí sinh không có một tâm thế chuẩn bị sẵn sàng, thậm chí là thờ ơ trước những công việc, những trách nhiệm của chính bản thân với gia đình và xã hội.
Những sự việc bất khả kháng như tai nạn, ốm đau, bệnh tật được bác sĩ và cơ quan chức năng cũng như những thanh niên tình nguyện giúp sức mùa thi đó thực sự là hình ảnh đẹp, là sự quan tâm của cả xã hội đến với thế hệ tiếp nối. Nhưng hình ảnh những chú công an chở theo thí sinh vào trường thi cho kịp giờ vì lý do quên Thẻ dự thi, quên Căn cước công dân, ngủ dậy muộn không kịp giờ thì đó chỉ là sự nuông chiều cho thói vô trách nhiệm của người trẻ mà thôi.
Những đánh giá về đề thi
Năm nào cũng vậy, sau mỗi kì thi, mỗi môn thi sẽ có màn đánh giá nhận định về đề thi của thầy cô giáo cũng có, của người chuyên nghiên cứu cũng có, của học sinh và thậm chí của toàn xã hội, những người có con em đang tham dự kì thi Tốt nghiệp THPT.
Việc đánh giá đề thi đôi khi mang tính khách quan, cũng đôi khi mang tính chủ quan. Bởi năm nào cũng vậy, đối với mỗi giáo viên họ phải nắm được rõ cấu trúc đề, từng dạng câu hỏi, từng nội dung để ôn tập cho học sinh. Việc ra đề không thể nằm ngoài qui luật đó, vì nếu ra ngoài thì chắc chắn học sinh sẽ không làm được bài. Học sinh yêu thích môn học, có tìm tòi nghiên cứu thì còn có thể làm tốt. Nhưng học sinh chỉ thi để qua môn, hoàn thành chương trình tú tài thì lại là quá sức.
Có lẽ vì thế mà dấy lên mâu thuẫn rằng, có nên tổ chức kì thi tốn kém mà đề ra cho học sinh vừa có bằng tú tài vừa vào được trường Đại học.
Đề môn văn được cho là quá lạc hậu, ngữ liệu lại không hay. Ngay việc chọn đoạn trích trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân cũng không phải là đoạn văn thực sự hay trong văn bản, làm mất đi nhiều tính sáng tạo của học sinh.
Đề tổ hợp môn Địa có nhiều câu hỏi thách đố học sinh, thậm chí không chỉ rõ số trang trong Atlas, khiến việc đi tìm khá mất thời gian trong khi thời lượng trả lời mỗi câu hỏi trắc nghiệm thường không quá 1 phút.
Đề thi Tổ hợp môn Sinh cũng được đánh gái là quá dài. Với thời gian 50 phút mà đọc hết 5.5 trang giấy A4 dày đặc chữ. Lại thêm câu hỏi nằm trong chương trình Sinh 11 cũng lại là bất ngờ mà Bộ tặng cho cả giáo viên và thí sinh dự thi.
Việc đề thi lộ ra ngoài trước thời gian qui định
Theo đó, năm nay có hai thí sinh tại Yên Bái và Cao Bằng sử dụng điện thoại di động chụp ảnh và gửi đề thi cho người thân nhờ giải. Việc phát tán đề thi sớm hơn qui định để ta thấy được sức mạnh của công nghệ đang ảnh hưởng đến đời sống, cũng là một phen lao đao với cả nước để xử lý cho hài hoà.
Mặc dù Bộ GD- ĐT đã có thông tin là sự việc không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kì thi. Nhưng cũng có 6 cán bộ coi thi phải dừng nhiệm vụ. Và Bộ Công an cũng đang bắt tay vào cuộc để làm rõ.
Làm sao để vừa nuôi dạy những đứa trẻ chăm ngoan, ý thức, luôn sống một các ngay thẳng luôn là một vấn đề khó cho nền giáo dục. Đâu đó, vẫn có những vấn đề, những sự việc mà người ta buồn lòng khi nhìn về thế hệ trẻ, thế hệ tiếp nối của đất nước.